Nhặt vàng rơi, tự trả lại hay phải giao nộp?

Chuyện một chủ doanh nghiệp ở Bình Định giữ túi vàng người làm công phát hiện trong bao thóc để chờ nạn nhân đến nhận dấy lên câu hỏi: Người nhặt được của rơi có được tự giữ tài sản hay phải giao nộp cơ quan chức năng để tìm người bị mất đến nhận?

Ông Thắng (trái) và một người đến xin nhận lại 3 lượng vàng - ảnh: HOÀNG TRỌNG

Như Thanh Niên đưa tin, khoảng đầu tháng 1.2018, những người làm công tại nhà máy xay xát lúa gạo ở thôn Quảng Nghiệp (xã Phước Hưng, H.Tuy Phước, Bình Định) của gia đình ông Lê Quang Thắng phát hiện khoảng 3 lượng vàng ở bịch vải nằm lẫn trong bao thóc do gia đình ông thu mua về.

Sau đó, ông Thắng đã thông báo sự việc đến chính quyền địa phương và một số báo đài nhờ đăng tin rộng rãi để tìm chủ nhân số vàng. Ngày 6.3, Công an xã Phước Hưng đến làm việc, vận động gia đình ông Thắng giao nộp gần 3 lượng vàng để công an hoặc UBND xã niêm phong, thông báo rộng rãi tìm người mất. Tuy nhiên gia đình ông Thắng vẫn chưa đồng ý. Ông Thắng cho hay gia đình sẽ giữ số vàng nói trên trong vòng 1 năm. Hết thời gian này, nếu chưa tìm được chủ nhân thì ông sẽ giao số vàng cho cơ quan chức năng để giải quyết theo pháp luật.

Đến nay, dù nhiều người liên lạc với ông Thắng, nhận là chủ nhân số vàng, nhưng ông Thắng chưa giao cho ai vì cho rằng những người này không mô tả chính xác về số vàng mà người nhà ông nhặt được. Song song đó, những người làm công liên tục đòi chia số vàng nói trên.

Ông Thắng không sai luật

Theo các luật sư (LS), bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) quy định người dân khi phát hiện tài sản không có chủ sở hữu thì chỉ cần thực hiện một trong hai trách nhiệm và nghĩa vụ: thông báo hoặc giao nộp cơ quan chức năng.

LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cho biết điều 228 BLDS nêu người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất, để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. “Quy định vậy, nghĩa là người dân chỉ cần thỏa mãn một trong hai điều kiện là đủ. Nếu luật quy định buộc giao nộp thì phải có chế tài trong trường hợp người dân không giao nộp. Khi chế tài không có, luật không cấm, không buộc thì người dân được phép không thực hiện”, LS Hoan nói.

Cũng theo LS Hoan, trường hợp trong thời gian người nhặt được tạm giữ tài sản, nếu chủ tài sản tìm đến xin nhận lại mà người nhặt được không trả thì chủ tài sản có quyền yêu cầu khởi kiện dân sự đòi tài sản. Chủ tài sản cũng có thể làm đơn tố cáo người giữ tài sản nếu khẳng định tài sản đó là của mình nhưng người giữ không giao. Lúc này, cơ quan điều tra có thể tham gia xác minh, làm rõ.

Đồng tình, LS Trần Hải Đức cho rằng ông Thắng là người nắm khá rõ các quy định pháp luật và đã thực hiện đúng tinh thần các điều luật. “Khi phát hiện tài sản mà không xác định được ai là chủ thì ông Thắng có trách nhiệm thông báo hoặc giao nộp cho UBND hoặc công an địa phương. Như vậy, rõ ràng ông Thắng đã lựa chọn cho mình một trong hai phương án. Trường hợp khi giữ tài sản nhặt được gây nhiều phiền phức cho bản thân và gia đình thì ông Thắng vẫn có thể giao nộp trở lại cho UBND hoặc công an”, LS Đức nêu.

Nên giao nộp

Tuy luật cho phép người nhặt được tài sản có thể giữ lại, chờ xác định chủ tài sản và xác lập tài sản sau một năm, nhưng đa số các chuyên gia pháp luật khi trao đổi với PV Thanh Niên đều cho rằng: để tránh mọi rắc rối, phiền toái về sau thì việc giao nộp tài sản nhặt được là cần thiết. Bởi BLDS cũng như các quy định pháp luật khác đều đưa ra những ràng buộc pháp lý trong niêm phong, bảo quản, xử lý tài sản nhặt được.

LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP.HCM) cho hay nếu chọn phương án giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã thì BLDS quy định việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp; đồng thời, các cơ quan đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu. “Trường hợp người dân giữ lại tài sản thì phát sinh nghĩa vụ giữ tài sản và chịu trách nhiệm toàn bộ về tài sản đó đến ngày cuối cùng của 1 năm, kể từ ngày thông báo tìm chủ sở hữu tài sản. Nếu tài sản có hư hỏng, mất mát thì người dân sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường với chủ tài sản (nếu xác định được) hoặc với đối tượng được xác lập sở hữu tài sản sau 1 năm”, LS Công phân tích.

Trước lo ngại liệu tang vật có thể bị đánh tráo sau khi giao nộp, theo LS Công, trước khi niêm phong người giao tài sản có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thẩm định tài sản. “Như vậy, việc đánh tráo sẽ không xảy ra. Còn trong lúc bảo quản, lưu giữ, người bảo quản làm mất, hư hỏng thì luật cũng đã quy định về trách nhiệm bồi thường cũng như xử lý, tùy vào hành vi”, LS Công nói.

Chánh án TAND Q.2 (TP.HCM) Quách Hữu Thái nhận định: “Đúng là BLDS quy định nghĩa vụ của người dân chỉ cần thông báo hoặc giao nộp, nhưng nếu giữ lại tài sản, sau một năm mà không tìm được chủ sở hữu thì người dân cũng phải giao nộp lại cơ quan nhà nước để xác lập quyền sở hữu theo Nghị định 29/2014. Chưa kể, nếu giữ lại trong vòng 1 năm kể từ ngày thông báo, thì bản thân người phát hiện có thể gặp phiền phức về tranh chấp “đòi tài sản”, khiếu nại, tố cáo “chiếm giữ trái phép” nếu người phát hiện tài sản không giao tài sản cho “chủ tài sản” đến nhận. Vì vậy, việc giao nộp cho công an hoặc UBND địa phương là tối ưu”.

Muốn giao cho Hội Chữ thập đỏ làm từ thiện

Chiều 10.3, ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng (H.Tuy Phước, Bình Định), cho biết trong tuần tới UBND xã sẽ mời ông Lê Quang Thắng và những người liên quan đến để tiếp tục vận động giao nộp lại số vàng nhặt được.

Trong khi đó, ông Thắng cho biết chỉ muốn nhanh chóng tìm được chủ nhân của số vàng nói trên để trả lại. Nếu hết thời gian tìm người mất tài sản theo quy định pháp luật mà không có người nhận thì gia đình ông có nguyện vọng gửi số vàng này cho hội chữ thập đỏ địa phương làm từ thiện. (Hoàng Trọng)

Phan Thương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/nhat-vang-roi-tu-tra-lai-hay-phai-giao-nop-940611.html