Nhảy Bungee mùa lá đỏ ở Nhật Bản

Dưới chân là vách núi sâu 100m, tim đập loạn xạ, adrenaline (một loại hóc môn tiết ra khi cơ thể đương đầu với sợ hãi) trong máu tăng vùn vụt, hơi thở gấp gáp và rồi san - ni - ichi… Bungee…ee… (3 - 2 - 1… nhảy…y…y), môn thể thao mà ngay đến người xem cũng phải rợn tóc gáy.

Một cú nhảy ngoạn mục đem nỗi sợ hãi hòa vào cảnh đẹp thiên nhiên ở Ryujin

Từng đi qua nhiều địa danh có môn thể thao mạo hiểm nhảy Bungee khắp Đông Nam Á, nhưng khi được chạm mặt với cây cầu dây văng Ryujin Otsuri, tôi thực sự… hốt hoảng bởi chiều cao và độ sâu ngoài sức tưởng tượng cho một cú nhảy Bungee hoàn hảo. Ryujin Otsuri tọa lạc ở Hitachiota thuộc tỉnh Ibaraki, trong lãnh địa của công viên Thiên Nhiên Okukuji.

Nhờ kiểu du lịch Nhật Bản đang lên ngôi bằng hình thức thuê nguyên chuyến bay thẳng (charter flight) từ Việt Nam (chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM) để đến các địa danh mới ngoài cung đường vàng (golden route) quen thuộc như Tokyo, Osaka, Kyoto, Nara… tôi theo chân những người bạn ở hãng lữ hành H.I.S đến Ibaraki trong những ngày cuối thu để có cơ hội diện kiến những khoảnh khắc mùa lá đỏ Momiji đầy ấn tượng ngay nơi cầu treo Ryujin tọa lạc.

Mùa lá đỏ trong công viên Thiên Nhiên Okukiji bên dòng Ryujingawa

Nói về môn chơi bungee ở Nhật, có rất nhiều điểm đến lý tưởng mang cao độ khác nhau thử thách người chơi như Minakami (Gunma) 42m, Nara 30m, Saruga Kyo (Gunma) 62m, Fuji (Shizuoka) 54m, Itsuki (Kunamoto) 66m… Và với chiều cao tính từ mặt nước lên điểm nhảy bungee là 100m, Ryujin Otsuri đi vào kỷ lục là nơi nhảy Bungee cao nhất tại Nhật.

Tôi cùng lữ khách Việt đến với Ryujin hôm ấy, tuy không đủ độ lì để tham gia một cú nhảy kinh điển, nhưng là cơ hội tuyệt vời để chiêm ngắm một mùa lá đỏ đẹp như tranh trên cây cầu Ryujin, dãy núi Suifu và diện kiến những cú nhảy Bungee đầy ấn tượng của người chơi trong trầm trồ, thán phục.

Vị trí nhảy Bungee và toàn cảnh thiên nhiên nơi cầu treo Ryujin tọa lạc

Nói thêm về cây cầu Ryujin, được hiểu theo nghĩa là Thần Long - với hình ảnh con rồng trang trí hai đầu cầu, và nếu nhìn toàn cảnh vùng hẻm núi Ryujinkyo thì cây cầu treo tựa như một con rồng khổng lồ đang bay lượn trên hẻm núi. Tên gọi của cây cầu lấy theo truyền thuyết ngày xưa có một con rồng sống nơi hẻm núi Ryujinkyo.

Cầu được hoàn thiện từ 1994, với chiều dài tính cả đường dẫn là 446m, bắc ngang đập thủy điện ngăn dòng sông Ryujingawa, trở thành cầu bộ hành dây văng lớn và dài nhất trên đảo Honshu ở Nhật Bản. Tải trọng của cây cầu cũng đáng kinh ngạc bởi có thể cùng lúc chứa đến 3.500 người di chuyển qua lại trên cầu.

Kiến trúc vững chãi của cầu treo Ryujin ở tỉnh Ibaraki

Điểm ấn tượng ngay khi diện kiến cầu treo Ryujin, ấy là hai tháp chính của cây cầu mang thiết kế đặc biệt, ấn tượng, phủ màu sơn xanh nổi bật lên nền trời. Ngay dưới tháp cầu bên kia hẻm núi, đối diện lối vào chính, tôi để ý đến một tòa tháp nhỏ chứa cỗ máy nhạc chuông được gọi là Mori no Kane. Các cặp đôi người Nhật khi đến cây cầu này, thường rủ nhau đến Mori no Kane để cùng nhau nhấn chiếc chuông, vọng ra ba thanh âm, tượng trưng cho Tình yêu - Hy vọng - và Hạnh phúc.

Thật tiếc khi đứng ngay tháp nhạc chuông nhưng chỉ có một mình, đành ngậm ngùi nghe ké tiếng chuông của các cặp tình nhân, và đành tự an ủi mình rằng chỉ đến được Ryujin thôi, thế cũng đã là ngập đầy hạnh phúc.

Ryujin được thiết kế phỏng theo dáng hình rồng thiêng trong truyền thuyết

Ngay dưới trang trí hình rồng là tòa tháp cỗ máy nhạc chuông Mori no Kane

Loanh quanh ngoạn cảnh núi non hùng vĩ ở Ryujin, tôi chợt nhận ra một chi tiết cực kỳ hiếm gặp, ấy là hình ảnh của hai mùa nổi tiếng nhất Nhật Bản với Momiji (mùa lá đỏ - thường từ tháng 08 đến tháng 12) và Hanami (mùa hoa anh đào - từ tháng 02 đến tháng 06) trùng nhau ở cùng một điểm ngay đầu cầu Ryojin. Bên là những cánh đào trắng muốt, mong manh, bên là màu lá đỏ rực rỡ, phối hợp thành vẻ đẹp thực sự đặc biệt và hiếm thấy trên toàn nước Nhật.

Thế nhưng vẻ đẹp ấy ít nhiều cũng là một lời nhắc nhở, cảnh báo của bà mẹ thiên nhiên đến con người, bởi rằng chính những thay đổi thời tiết quá thất thường khiến năm nay hoa anh đào phải nở sớm.

Hoa anh đào và sắc lá đỏ hội ngộ ở đầu cầu Ryujin mùa Momiji 2018

Người ta bảo hai vách hẻm núi nhìn từ cầu Ryujin, chính là tác phẩm hội họa hoàn hảo của mẹ thiên nhiên, ở mỗi mùa trong năm, đều là mùa đẹp. Từ nguyên cớ đẹp hoài không xấu ấy của Ryujin, dân nhảy Bungee đã đưa thú ngoạn cảnh thiên nhiên lên một đỉnh cao mới từ tháng 03/2014, khi lắp đặt một sàn nhảy Bungee ngay đoạn giữa cầu để hàng năm có đến hơn 10.000 lữ khách từ khắp thế giới tìm đến chinh phục bản thân, và thưởng ngoạn vẻ đẹp của phong cảnh nơi hẻm núi bằng tốc độ, sự sợ hãi, nỗi phấn khích cùng cảm giác vỡ òa đến choáng ngợp khi buông rơi từ độ cao 100m cùng thêm vài lần lên - xuống cho cú nhảy trị giá 16.000 Yên Nhật (khoảng 4 triệu đồng).

Giàn nhảy Bungee được lắp đặt giữa cầu Ryujin để người tham gia thử thách bản thân mình

Cảnh đẹp ngoạn mục hai bên vách núi sẽ càng thêm ấn tượng trong trải nghiệm của người chơi Bungee.

Những lữ khách Việt đồng hành cùng tôi trong chuyến đến Ryujin hôm ấy, ngoài chuyện thưởng lãm cảnh đẹp mùa lá đỏ, còn được chiêu đãi một màn chào sân đầy ấn tượng của Kenji Nagamine - Trưởng bộ phận lữ hành vùng Tohoku của hãng du lịch H.I.S - bằng cú nhảy Bungee với chiếc áo mang hình cờ đỏ sao vàng. Tâm sự trước cú nhảy, Kenji bảo: “Tôi chưa từng làm chuyện… điên rồ này bao giờ, thực sự là run và cực kỳ hồi hộp”. Cú “chào sân” của soái ca Kenji với màn rơi tự do chỉ kéo dài chừng 30 giây, nhưng thực sự khiến chúng tôi - nhất là cánh chị em phải… xốn xang ngưỡng mộ.

Cú nhảy Bungee đầu đời của Kenji cũng mang lại cho hành trình du ngoạn đến vùng Fukushima và Ibaraki của chúng tôi thêm nhiều hình ảnh ấn tượng, với những kỷ niệm đẹp về điểm đến mới ở xứ Phù Tang.

Cùng xem môn thể thao Bungee ở cầu treo Ryujin và cú nhảy của Keni Nagamine qua đoạn clip ngắn do phóng viên Thế Giới Tiếp Thị Online thực hiện

THIÊN AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nhay-bungee-mua-la-do-o-nhat-ban-20697.html