Nhếch nhác Đại Nội Huế vì thời gian trùng tu quá dài

Khoảng 10 năm nữa Đại nội và các khu lăng chính thuộc quần thể di tích Huế sẽ được trùng tu cơ bản.

 Một trong những vị trí dọc bên các tuyến đường trong Đại Nội đang quây lưới để thi công

Một trong những vị trí dọc bên các tuyến đường trong Đại Nội đang quây lưới để thi công

Dở dang, nhếch nhác Đại Nội

Vừa qua, cổng soát vé Ngọ Môn, anh Hồ Quốc Vũ (du khách Đà Nẵng) đứng tần ngần nhìn lầu Ngũ Phụng trên nền đài Ngọ Môn. Những bậc cấp dẫn lên lầu Ngũ Phụng “án ngữ” bởi khung rào thép B40 cùng tấm biển cảnh báo: “Nguy hiểm. Khu vực đang thi công. Không phận sự cấm vào”. Phía trên lầu một số vị trí đang che lưới để thi công, sơn quét “trang điểm” lại cho công trình. Từ Ngọ Môn vào sân Điện Thái Hòa, một dãy cọc tre cắm xuống ao sen để bố trí hệ thống dàn giáo sơn quét thành hồ... Những khoảnh lưới được giăng che khiến khung cảnh tại đây có phần “nhếch nhác”.

Vào Điện Thái Hòa, phía hướng cửa Chương Đức, cửa Hiển Nhơn cũng xuất hiện những vị trí đang “quây lưới”, tình trạng nhếch nhác không kém. Sát biển giới thiệu Thái Miếu và Triệu Miếu, lưới được quây kín từ dưới đất lên trên cao, cạnh đó dựng tấm biển “công trình đang thi công không tham quan”. Sát đó, cổng vào Triệu Tổ Miếu mới được tu bổ tươi rói, một xưởng “dã chiến” dựng mái lợp tôn gia công gỗ cho các hạng mục trùng tu loảng xoảng tiếng đục, tiếng cưa.

Được biết, năm 2018, tổng toàn bộ kinh phí dành cho công tác trùng tu di tích là 256 tỷ đồng. Các dự án trong Đại nội được trùng tu phần lớn thuộc giai đoạn 2 như: Ngọ Môn, Triệu Miếu, Vườn Thiệu Phương, Thọ Ninh, hệ thống hạ tầng Đại Nội; điện Kiến Trung, Nhật Thành Lâu... việc vừa trùng tu, vừa cho khách tham quan nhưng cách quản lý giám sát chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng nhếch nhác trong mắt du khách.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cho biết, hầu hết các dự án trên đều có quy mô khá lớn, đòi hỏi thời gian thi công dài. Do đó, việc tổ chức công trường luôn được chú trọng để đảm bảo an toàn, gọn gàng, hạn chế tối đa đến hoạt động tham quan của du khách. Tuy nhiên, vẫn có lúc có khi một số công trường chấp hành chưa triệt để, tình trạng không ngăn nắp vẫn diễn ra, ảnh hưởng ít nhiều đến du khách. Trung tâm đã và đang tiến hành kiểm tra thường xuyên các công trường, tăng cường trách nhiệm của các tổ giám sát nhằm khắc phục những hạn chế trên.

Vừa trùng tu, vừa bán vé là bình thường

Cũng theo ông Hải, khu vực Triệu Tổ Miếu đang triển khai dự án trùng tu giai đoạn 2, việc tổ chức công trường tại khu vực này là bắt buộc. Trung tâm đang giao cho Ban QLDA cùng đơn vị thi công tính toán bố trí công trường sao cho phù hợp, vẫn tạo điều kiện tốt để du khách tham quan an toàn. Tương tự, khu vực lầu Ngũ Phụng trên cổng Ngọ Môn cũng đang triển khai giai đoạn 2 (phần sơn thếp), việc tổ chức công trường cũng được chú ý thường xuyên để đảm bảo an toàn cho du khách.

Khi được đặt câu hỏi về thời gian hoàn thành diện mạo toàn khu Đại Nội? Ông Hải cho hay, khoảng 10 năm nữa Đại Nội và các khu lăng chính thuộc quần thể di tích Huế hoàn thiện cơ bản. Nhưng điện Cần Chánh đã bị xóa sổ, hiện chỉ còn lại nền móng phải mất 20 năm. “Công tác trùng tu bảo tồn di tích là hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ có những giải pháp cụ thể để tổ chức các công trường trùng tu phù hợp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động tham quan của du khách”, ông Hải nhấn mạnh.

Liên quan ý kiến cho rằng, Đại Nội có phần nhếch nhác trong quá trình trùng tu, giá vé vào tham quan Đại Nội - Bảo tàng Bảo vật Cung đình Huế 150.000 đồng/người lớn và 30.000 đồng/trẻ em từ 7- 12 tuổi có xứng tầm? Ông Hải lý giải, việc kết hợp giữa trùng tu phục hồi di tích và mở cửa cho du khách tham quan là chuyện bình thường đã và đang thực hiện ở các quốc gia trên thế giới. Với quy mô, giá trị văn hóa, di sản của khu vực Đại Nội - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế như hiện nay, mức phí như trên là phù hợp, nếu không nói là còn thấp so với hoàng cung của các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia…

“Về vấn đề tổ chức công trường thi công các dự án như trên đã đề cập, trung tâm sẽ nỗ lực đảm bảo phù hợp, an toàn và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến du khách. Trung tâm cũng mong du khách thông cảm, chia sẻ với công việc của những người làm công tác bảo tồn”, ông Hải nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng, nếu công trình di sản xuống cấp mà không sửa chữa kịp thời thậm chí có thể gây ảnh hưởng tới người tham quan. Việc trùng tu khiến hình ảnh Đại nội nhếch nhác chỉ là nhất thời.

PGS. TS. Đặng Văn Bài (Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho biết, việc trùng tu, tu bổ di tích trên thế giới thường theo hình thức quây bao và không cho du khách vào tham quan cho tới khi trùng tu xong. Nhưng ở Việt Nam lại không thể làm theo cách này. “Việt Nam làm thế mọi người lại phê phán rằng, bị cấm quyền tiếp cận di sản. Do đó, đành phải hài hòa giữa hai yếu tố di sản đang được trùng tu thì phải chấp nhận hình ảnh không được hoàn hảo. Mà điều này cũng chỉ trong thời gian ngắn ”, TS. Đặng Văn Bài nói.

Duy Lợi - Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nhech-nhac-dai-noi-hue-vi-thoi-gian-trung-tu-qua-dai-d266283.html