Nhiễm giun đũa chó mèo chỉ vì âu yếm ôm ấp chó mèo thường xuyên

Bệnh giun đũa chó mèo có thể lây truyền sang người khi chúng ta âu yếm, ôm ấp chó mèo, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Việc gần gũi với thú cưng làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh giun đũa. ẢNH: NGUYÊN HÀ

Việc gần gũi với thú cưng làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh giun đũa. ẢNH: NGUYÊN HÀ

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết trong năm qua, nhiều cơ sở điều trị đã báo động về bệnh ấu trùng giun đũa chó (Toxocara Canis), một loại bệnh giun đũa của loài chó lây sang người.

Con đường lây nhiễm của bệnh giun đũa chó

Theo đơn vị này, đây là một bệnh nhiễm theo đường tiêu hóa do tình trạng giữ gìn vệ sinh ăn uống tại nhiều hộ gia đình chưa được tốt, người bệnh đã ăn phải trứng giun đũa chó vương vãi trong môi trường lẫn vào thức ăn, nước uống.

Nguyên nhân lây bệnh còn đến từ việc nhiều người dân quá gần gũi thân mật với con vật, thường xuyên bế ẵm, vuốt ve, cho chó ăn cùng bữa cơm hàng ngày, thậm chí là ôm chó ngủ. Trong khi đó, chúng ta thường quên rằng loài chó cũng mắc nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây sang người.

Âu yếm thú cưng cũng có thể là nguyên nhân lây bệnh giun đũa chó mèo. ẢNH: NGUYÊN HÀ

“Bệnh này trước đây ít gặp nên không được chú ý, nhưng do tình hình nuôi chó phát triển số người bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó đã xảy ra nhiều, có những người bị những thể nặng nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời có thể tử vong”, Cục An toàn thực phẩm ghi rõ.

Chia sẻ về vấn đề trên, Bác sĩ Lương Trường Sơn, Nguyên Phó viện trưởng Viện sốt rét - ký sinh trùng TP.HCM cho biết, bệnh giun đũa chó và cả ở mèo khá phổ biến và tác nhân gây ra bệnh là do ký sinh trùng Toxocara canis (từ chó) hay Toxocara cati (từ mèo).

Chó mèo thải ký sinh trùng dạng trứng qua phân ra ngoài môi trường, từ đó lây nhiễm cho nguồn thực phẩm. Con người lây nhiễm trứng hoặc ấu trùng chủ yếu thông qua đường tiêu hóa hoặc qua da. Khi vào ruột, trứng ký sinh trùng sẽ nở thành ấu trùng, chui qua thành ruột non đi theo máu di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác nhau, như gan, phổi, tim, mắt, não, da và gây ra bệnh, nếu sức đề kháng không tốt.

Cũng theo BS Sơn, tình trạng nhiễm ký sinh hay gặp ở những người có thói quen ăn rau sống, đồ ăn chưa được nấu chín như đồ tái hoặc thịt chó mèo chưa được chế biến kỹ. Bên cạnh đó với những nhà có nuôi chó hoặc mèo, vật nuôi có thói quen phóng uế bừa bãi cũng sẽ khiến tác nhân gây bệnh tồn tại ở nhiều nơi xung quanh nhà, từ đó gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

“Bệnh giun đũa chó mèo là căn bệnh khá phổ biến hiện nay, tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng Toxocara trong cộng động có thể lên đến 30 - 70%. Tuy nhiên bệnh giun đũa chó mèo không lây từ người sang người”, BS Sơn nhấn mạnh.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết thêm, việc con người tiếp xúc với những vật nuôi như chó và mèo quá nhiều và gần gũi có nguy cơ dẫn đến việc một số bệnh như sán lá phổi, giun đũa…

Tương tự như việc để thú nuôi đến gần nơi ăn uống là vô cùng nguy hại, vì lông chó, mèo hoặc ký sinh trùng từ các vật nuôi này dễ “lạc” vào đồ ăn thức uống của con người. Việc thức ăn dính phải lông những thú cưng này người dùng dễ bị nhiễm trứng giun đũa, trứng giun này có thể xuyên qua thành ruột và vào máu thành ấu trùng, sau đó chúng di chuyển đến các cơ quan nội tạng như não, tim, phổi… gây ảnh hưởng khá lớn đối với sức khỏe.

Dấu hiệu cảnh báo cơ thể nhiễm giun đũa chó mèo

Bác sĩ Lương Trường Sơn cho rằng, các triệu chứng của bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ quan nội tạng bị nhiễm, số lượng ấu trùng xâm nhập, sức đề kháng…

Theo đó, một số triệu chứng có thể gặp như sau: ngứa, nổi mẩn, mề đay; đau đầu; sốt nhẹ; chán ăn, ăn ít; sút cân – gầy yếu; tiêu chảy; buồn nôn; khó thở; viêm phổi; giảm thị lực mắt; đau ở vùng gan, lách to; nổi hạch… Bệnh giun đũa chó mèo cũng có thể gây ra tình trạng ngứa ở da kéo dài nếu không được điều trị dứt điểm.

“Hai thể thường gặp nhất là ấu trùng di chuyển nội tạng và ở mắt. Hiện trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do sán chó mèo di chuyển đến não. Như vậy căn bệnh giun đũa chó mèo rất nguy hiểm, người bệnh nên chú ý khi có các dấu hiệu bất thường nên đến cơ sở y tế để được khám phát hiện sớm để và điều trị kịp thời”, BS Sơn chia sẻ.

Hiện nay bệnh giun đũa chó mèo được điều trị phù hợp tùy từng trường hợp cụ thể. Thuốc điều trị giun đũa chó mèo thường được dùng các loại sau đây: Thiabendazole 25mg/kg hay Dietylcarbamazine 3mg/kg hoặc Albendazole 800mg/ ngày trong 2-3 tuần; kết hợp với thuốc chống dị ứng: Telfast, cetirizine, loratadine…Một số trường hợp bị nhiễm Toxocara ở mắt, có thể phải phối hợp thuốc diệt ký sinh trùng với corticoide hoặc phẫu thuật.

Làm sao để phòng tránh giun đũa chó mèo

Để phòng ngừa bệnh giun đũa chó mèo lây sang người, theo Cục An toàn thực phẩm, người dân cần giữ gìn vệ sinh ăn uống thật tốt, nhất là đối với những gia đình nuôi chó cảnh hoặc mèo.

“Khi nuôi chó, kể cả chó thịt và chó cảnh, chúng ta cần nhớ loài chó cũng mắc nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây sang người, trong đó bệnh giun đũa chó chỉ là một trường hợp, do đó cần chú ý đề phòng bệnh cho cả chó và người, đặc biệt là với trẻ em trong gia đình. Tốt nhất là không nuôi chó.

Đối với những nhà nuôi và kinh doanh chó cảnh phải có bác sĩ thú y theo dõi, tiêm phòng ngừa và điều trị chu đáo khi con vật mắc bệnh, thường xuyên chú ý đến vệ sinh chuồng nuôi chó, quản lý tốt phân, nước tiểu của con vật, không cho trẻ bế ẵm, ôm ấp, tiếp xúc quá thân mật với chó”, Cục An toàn thực phẩm lưu ý.

Chích ngừa cho chó để phòng bệnh giun đũa. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bên cạnh đó BS Lương Trường Sơn cũng nhấn mạnh, người dân cần thực chế độ ăn uống hợp lý, nên ăn chín uống sôi, hạn chế ăn rau sống, các loại đồ tái như phở bò tái, cá sông,… làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Với vật nuôi trong gia đình, cần tắm rửa cho chó mèo thường xuyên giúp giảm nguy cơ nhiễm giun sán chó mèo. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các vật chủ nhạy cảm như chó, mèo hoặc là môi trường có chứa mầm bệnh. Kiểm soát chặt chẽ, buộc dây xích và có khu vực nuôi rõ ràng.

Kiểm tra phân của chó hàng tuần và tẩy giun mỗi tháng đến khi phân âm tính với ký sinh trùng Toxocara, tiến hành kiểm tra định kỳ vào mỗi năm và có các kế hoặc điều trị khi cần thiết.

Không để chó mèo chạy vào khu vực chơi của trẻ con, công viên hoặc, loại bỏ nhanh chóng những thùng cát tông có chứa phân chó.

Rửa tay cho trẻ sau khi chơi và ở nơi có đất cát và vật nuôi giúp loại bỏ các loại vi khuẩn có hại.

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhiem-giun-dua-cho-meo-chi-vi-au-yem-om-ap-cho-meo-thuong-xuyen-post707813.html