Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023 - Kỳ vọng và thách thức đối với Indonesia

Đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN2023, Indonesia được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các chương trình nghị sự giúp nâng cao vai trò, vị thế trung tâm, duy trì sự ổn định, đoàn kết và thống nhất của ASEAN trong bối cảnh bất ổn và cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.

Ưu tiên của Indonesia trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023

Với chủ đề “ASEAN Tầm vóc - Tâm điểm của tăng trưởng”, nước chủ nhà Indonesia mong muốn ASEAN trở thành một khu vực hòa bình, thịnh vượng và là "mỏ neo" cho sự ổn định toàn cầu. ASEAN cũng sẽ tôn trọng luật pháp quốc tế, các giá trị nhân đạo và thực hành dân chủ, không đóng vai trò người ủy nhiệm cho bất kỳ cường quốc nào. Điều đó cho thấy nước chủ nhà Indonesia muốn đặt ra mục tiêu kép để đối phó với hai thách thức lớn nhất của ASEAN hiện nay là không bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc và tập trung phục hồi kinh tế khu vực.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen bàn giao chiếc búa Chủ tịch ASEAN cho Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan. BPMI Presidential Secretariat

Đối với mục tiêu phục hồi kinh tế hậu đại dịch, Indonesia sẽ thúc đẩy ASEAN tăng cường hội nhập để đảm bảo tăng trưởng kinh tế khu vực, khuyến khích dòng chảy thương mại nội khối. Indonesia có thể tập trung vào việc đảm bảo các quốc gia thành viên cam kết thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến kết nối và thương mại kỹ thuật số, ưu tiên triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP).

Mục tiêu thứ 2 là tiếp tục chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ để vững vàng trước các thách thức, vốn được các quốc gia ASEAN áp dụng hiệu quả trong năm 2022. “Không chọn bên trong cạnh tranh nước lớn” nhưng ASEAN vẫn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác để đa dạng hóa và phát triển kinh tế là định hướng được Indonesia định hình cho Năm chủ tịch ASEAN 2023. Để thực hiện được điều này, Indonesia cam kết củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích toàn khối, cũng như đưa ra các giải pháp mới giúp ASEAN vượt qua các thách thức.

Những thách thức của khu vực

ASEAN hiện đang phải đối mặt với một số thách thức và vấn đề lớn, đòi hỏi khối với hơn 600 triệu dân phải hợp tác chặt chẽ để giải quyết.

Trước hết là làm thế nào để giải quyết những tác động của sự cạnh tranh Trung-Mỹ ở Đông Nam Á. ASEAN sẽ đối mặt với sự cần thiết duy trì quyền tự chủ chiến lược của mình, đồng thời không bị lôi kéo chọn phe giữa các nước lớn.

Thách thức tiếp theo là đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu đang xấu đi. Indonesia được kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực ở nhiều vấn đề, bao gồm phục hồi hậu đại dịch, sự gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, an ninh mạng, kinh tế kỹ thuật số...

Thách thức thứ 3 là đảm bảo Đông Nam Á vẫn là một khu vực hợp tác hơn là xung đột. Điều này đòi hỏi phải quản lý tốt các điểm nóng như căng thẳng tại Biển Đông hay eo biển Đài Loan. Thách thức thứ tư là tiếp tục các nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN. Tình hình chính trị bất ổn ở một số nước ASEAN vẫn tiếp diễn, điển hình nhất là cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Những vấn đề trên chính trường Thái Lan hay Malaysia cũng có thể góp phần vào bức tranh chính trị nhiều biến động ở khu vực trong năm nay, là phép thử quan trọng về vai trò của khối trong việc giải quyết các vấn đề nội bộ của các nước thành viên.

Với tất cả các thách thức này Indonesia nhận thức được rằng, một khối ASEAN thống nhất và gắn kết sẽ là giải pháp tốt nhất cho tất cả các vấn đề. Vì vậy Indonesia sẽ hướng chương trình nghị sự vào vấn đề kết nối, phát huy sức mạnh nội khối để giải quyết các thách thức trên.

Kỳ vọng đối với Indonesia

Là quốc gia lớn nhất trong khu vực, Indonesia luôn được kỳ vọng cao hơn khi giữ chức chủ tịch ASEAN. Điều này có thể dựa vào những kết quả khi Indonesia giữ vị trí này trước đây. Năm 2003, Indonesia làm Chủ tịch ASEAN đã thông qua Thỏa thuận Bali II, khởi xướng các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN. Năm 2011, Indonesia đặt nền móng cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Ngoài ra, đây là Năm chủ tịch ASEAN cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Jokowi, nên giới quan sát mong đợi những nỗ lực của Indonesia để có thể tạo ra "di sản”.

“Di sản” đó có thể là về hội nhập kinh tế. Indonesia chủ trương đẩy mạnh các nỗ lực phát triển kinh tế của ASEAN, đưa khối trở thành tâm điểm của tăng trưởng toàn cầu- như chủ đề của năm Chủ tịch. Theo nhận định của chuyên gia khu vực và quốc tế trong năm 2023, ASEAN vẫn là một trong những khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới dù tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm nhẹ so với năm 2022.

“Di sản” tiếp theo có thể là việc kết nạp mở rộng thành viên Timor Leste - quốc gia đã được các thành viên ASEAN chấp thuận về nguyên tắc. Indonesia là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Timor Leste trở thành thành viên của ASEAN vì điều này sẽ biến ASEAN thành một điển hình về chủ nghĩa khu vực mạnh mẽ và hợp tác kinh tế trong nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia.

Dư luận cũng đang kỳ vọng nhiều vào nỗ lực của Indonesia trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar. Những nỗ lực của ASEAN để giải quyết tình hình Myanmar thông qua đồng thuận 5 điểm thời gian qua chưa thực sự hiệu quả.Với việc Myanmar dự kiến tổ chức tổng tuyển cử trong năm 2023, nỗ lực và tiếng nói của Indonesia có thể sẽ góp phần tìm ra giải pháp cho tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này.

Với kinh nghiệm lèo lái thành công G20 trong năm đầy khó khăn vừa qua, cùng chính sách đối ngoại độc lập và mối quan hệ lành mạnh với các quốc gia trong khu vực, vai trò Chủ tịch ASEAN của Indonesia được kỳ vọng sẽ mang lại những triển vọng hữu ích và có lợi cho khu vực, qua đó khẳng định sức mạnh và tầm vóc mới của ASEAN./.

Phạm Hà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhiem-ky-chu-tich-asean-2023-ky-vong-va-thach-thuc-doi-voi-indonesia-post997158.vov