Nhiệm kỳ thứ tư và những thách thức đối với nữ Thủ tướng Đức

Với thắng lợi của Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư, được dự báo là sẽ đầy thử thách, nhất là việc bảo vệ di sản trong suốt 12 năm của những nhiệm kỳ trước...

Theo Tạp chí Foreign Affairs, bà Angela Merkel có thể sẽ phải tiến hành một số điều chỉnh trong chính sách đối nội để duy trì di sản mà bà đã tạo dựng trong suốt 12 năm qua, bất chấp việc chính phủ liên minh tới đây được tạo dựng theo cách thức như thế nào.

Nữ Thủ tướng Đức đã cho thực thi 3 chính sách nổi bật giúp bà ghi điểm đối với số đông cử tri Đức, nhưng chỉ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, một số thành viên trong Đảng CDU lại không đồng tình với những chính sách đó và điều này được cho là sẽ tác động đến con đường tới đây của nước Đức. Cụ thể, chính phủ của bà Angela Merkel đã đẩy nhanh thời hạn chấm dứt sử dụng năng lượng nguyên tử, cho phép người tị nạn vào Đức với số lượng lớn chưa từng có và chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự.

Thủ tướng Angela Merkel và người tị nạn Syria tại Berlin năm 2015. Ảnh: Reuters.

Thực tế là với chính sách ngừng sử dụng năng lượng nguyên tử, người tiêu dùng Đức đang phải trả nhiều tiền hơn cho năng lượng điện, còn các công ty vận hành, khai thác phải đối mặt với nhiều khoản lỗ do đột ngột phải chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Giới phân tích cho rằng chính sách này là một trong những nguyên nhân khiến CDU để mất thế đa số vào tay Đảng Xanh và Đảng Dân chủ xã hội ở 7 bang trong cuộc đua quyền lực được xem là “siêu bầu cử năm 2011”. Vì vậy, chính phủ liên minh sẽ được thành lập tới đây có thể phải đề ra một chính sách năng lượng theo hướng thực dụng hơn. Chẳng hạn giảm trợ giá cho năng lượng tái tạo, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô theo hướng sản xuất xe hơi chạy bằng điện nhằm đưa tiến trình chuyển đổi năng lượng ở Đức đi đúng hướng. Như vậy cũng sẽ giúp bà Angela Merkel bảo toàn được danh tiếng là “Thủ tướng chống biến đổi khí hậu”.

Về chính sách nhập cư, cho đến nay nữ Thủ tướng Angela Merkel vẫn đang đối mặt với những chỉ trích và phải xử lý những hệ lụy không mong muốn. Năm 2016, Đức đã phải chi tới 20 tỷ euro cho người tị nạn và hiện phải tìm cách làm sao để hội nhập 1 triệu người nhập cư vào xã hội Đức. Mặc dù chính bà Angela Merkel là người đã giang tay chào đón những người tị nạn vào nước Đức, nhưng sau đó bà đã buộc phải ra lệnh trục xuất các cá nhân không tuân thủ luật pháp Đức và đẩy mạnh các nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận với các bên liên quan như Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người xin tị nạn. Trong 4 năm tới, bà Angela Merkel sẽ phải cân bằng được giữa mối lo ngại về an ninh của người Đức với những giá trị nhân đạo được ghi trong Hiến pháp. Nếu làm được, bà Angela Merkel sẽ không phải từ bỏ cam kết giúp đỡ người tị nạn mà vẫn giảm được số lượng người vào Đức và trục xuất số người nhập cư phạm tội.

Và cuối cùng, chính sách chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự của bà Angela Merkel đang bị đặt dấu chấm hỏi trong bối cảnh an ninh nước Đức phải đối mặt với nhiều thách thức. Hiện Đức đang phải đối mặt với tình trạng quân đội và cảnh sát thiếu hụt nhân lực. Năm 2011, khi bà Angela Merkel quyết định chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự, các mối đe dọa đối với nước Đức lúc đó còn rất xa vời và mơ hồ. Nhưng mọi chuyện đã khác khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa giải tán NATO và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ở châu Âu. Khi các mối đe dọa này đã quá rõ ràng, một số nhân vật trong CDU và các đảng phái khác đã phản đối quyết định bãi bỏ nghĩa vụ quân sự của Thủ tướng Angela Merkel. Giới phân tích cho rằng, rất khó để bà đảo ngược quyết sách này dù có điều khoản trong Hiến pháp cho phép chỉnh sửa lại.

Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Đức vẫn có thể thực hiện các bước đi nhằm tăng cường an ninh, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Bà đã cam kết tăng quân số của lực lượng cảnh sát lên 15.000 người, tăng chi tiêu quân sự lên mức 2% GDP theo mục tiêu mà NATO đề ra, đầu tư mạnh mẽ nguồn lực cho an ninh mạng. Chính phủ Đức cũng có thể xem xét xây dựng lực lượng phòng thủ dân sự để bổ sung cho quân đội bị cắt giảm quân số.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/nhiem-ky-thu-tu-va-nhung-thach-thuc-doi-voi-nu-thu-tuong-duc-519149