Nhiễm trùng đường hô hấp làm thai nhi tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Theo Medical Xpress, nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng trong 3 tháng đầu thai kỳ, sẽ làm thai nhi tăng nguy cơ mắc một số dị tật tim mạch cao gấp 3 lần bình thường.

Sản phụ cần đảm bảo bảo sức khỏe tốt để giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Ảnh: Shutterstock.

Cụ thể, nhận định trên được Medical Xpress trích dẫn từ nghiên cứu do UNSW thực hiện và công bố trên tạp chí MC Pregnancy and Childbirth.

"Chúng ta có rất ít bằng chứng xung quanh vấn đề nhiễm trùng trong giai đoạn thai kỳ. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có mối liên hệ giữa nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng khi mang thai và một số dị tật tim mạch ở trẻ sơ sinh", tiến sĩ Abrar Chughtai, tác giả của nghiên cứu, nói.

Nhóm của ông Chughtai đã tiến hành phân tích dữ liệu khoảng 1,5 triệu ca sinh ở tiểu bang New South Wales (Australia) từ năm 2001 đến 2016. Họ đã liên kết hồ sơ sức khỏe của những bà mẹ và trẻ sơ sinh, bao gồm nhiều dữ liệu nhập viện khi mang thai vì nhiễm trùng đường hô hấp nặng, sinh con và các vấn đề bẩm sinh.

Nhiễm trùng đường hô hấp ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi

Theo nghiên cứu, trong 1.547 bà mẹ nhập viện vì nhiễm trùng đường hô hấp trong 3 tháng đầu của thai kỳ, 7 người (0,45%) sinh con bị mắc các vấn đề về tim và tuần hoàn.

Tiến sĩ Chughtai cho biết sau khi kiểm soát nhiều yếu tố, nhiễm trùng đường hô hấp vẫn có liên quan đến các khuyết tật tim mạch được chọn. Nếu người mẹ bị nhiễm trùng trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ khuyết tật liên quan đến tim của thai nhi sẽ cao gấp 3 lần. Tương tự, tỷ lệ dị tật tim mạch chọn lọc cũng cao hơn ở trẻ sơ sinh nếu người mẹ bị cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ.

"Nhiều lý do tiềm ẩn xoay quanh tình trạng này. Ví dụ, một số bệnh truyền nhiễm có thể lây trực tiếp cho em bé qua nhau thai, dẫn đến các vấn đề về phát triển. Một lý do khác là sử dụng thuốc. Người mẹ có thể phải dùng thuốc kháng sinh hoặc một loại thuốc khác để điều trị nhiễm trùng. Những thứ này có khả năng ảnh hưởng gián tiếp đến em bé", tiến sĩ Chughtai nói.

Cũng theo ông Chughtai, nếu người mẹ bị sốt do nhiễm trùng, sự chuyển hóa bên trong cơ thể sẽ thay đổi và những chất chuyển hóa này có thể đi qua nhau thai, từ đó ảnh hưởng đến em bé. Ngoài ra, việc sốt cao còn làm giảm quá trình tổng hợp protein, gây chết tế bào và dẫn đến dị tật bẩm sinh.

"Hiện tại, so với các nghiên cứu khác, chúng tôi vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Covid-19 làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Nhưng đây mới chỉ là nghiên cứu ban đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích thêm trong tương lai", ông Chughtai nói.

Tiêm vaccine cúm là cách phòng bệnh hiệu quả cho phụ nữ mang thai. Ảnh: Stock Adobe.

Cách phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp khi mang thai

Theo nhiều chuyên gia, việc nhiễm trùng của người mẹ trong thời kỳ mang thai có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh, chẳng hạn như sự phát triển của các dị tật bẩm sinh. Đây là những bất thường trong cấu trúc, chức năng của cơ thể và xuất hiện khi mới sinh.

Các chuyên gia khuyến nghị cách an toàn nhất là khi mang thai, sản phụ phải tránh nhiễm trùng đường hô hấp càng nhiều càng tốt, để bảo vệ em bé khỏi những bất thường trong quá trình sinh nở.

"Một số yếu tố đã được chứng minh là ảnh hưởng đến thai nhi như chụp X-quang và hút thuốc, nhưng nhiễm trùng cũng là rủi ro cần phải đề phòng. Một trong những phương pháp phòng ngừa hiệu quả là tiêm vaccine cúm, vì nó phù hợp và an toàn cho phụ nữ mang thai", ông Chughtai nói.

Minh Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhiem-trung-duong-ho-hap-lam-thai-nhi-tang-nguy-co-mac-benh-tim-mach-post1417168.html