Nhiệm vụ chủ chốt của tình báo quân sự Nga

Đài BBC (Anh) đã phân tích những điểm mấu chốt trong năng lực hoạt động hiệu quả của tình báo quân đội Nga (GRU).

Trụ sở của GRU tại Moskva. Ảnh: Reuters

Trụ sở của GRU tại Moskva. Ảnh: Reuters

GRU là đơn vị thay thế cho KGB lừng danh một thời sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Nga vốn sở hữu lực lượng tình báo quân sự trong hơn 200 năm, kể từ khi Cục Đặc biệt được thành lập dưới thời kỳ chiến tranh Napoleon (1803 -1815).

Đến năm 1942, ở giai đoạn cao điểm của Chiến tranh Thế giới thứ hai, lực lượng này mang tên GRU. Trong Chiến tranh Lạnh, tình báo quân đội Nga đã thành công khi tiếp cận được chương trình bom nguyên tử của Anh.

Một báo cáo của Quốc hội Mỹ từng miêu tả GRU là tổ chức “lớn, mạnh và có tiềm năng phát triển” tuy nhiên vẫn rất kín tiếng về quy mô và hoạt động. Chỉ có vài đề cập ngắn về nhiệm vụ của GRU trên trang mạng Bộ Quốc phòng Nga. GRU không có trang web riêng.

Bộ Quốc phòng Nga chỉ đề cập rằng GRU nhận vai trò đảm bảo điều kiện để “triển khai thành công chính sách an ninh và phòng vệ của Liên bang Nga” đồng thời cung cấp thông tin tình báo cho lãnh đạo.

Điện Kremlin từng xác nhận giám đốc GRU Igor Sergun đột ngột qua đời năm 2016 nhưng không hề đề cập chi tiết địa điểm hoặc nguyên nhân khiến ông này tử vong.

Ngoài các điệp viên, GRU còn sở hữu lực lượng đặc nhiệm riêng có vai trò trinh sát và phá hoại ngầm. Từ năm 2010, GRU được đổi tên thành Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang liên bang Nga (GU). Tuy nhiên đến này truyền thông nước ngoài vẫn quen sử dụng cụm từ GRU.

Trong thời gian qua, GRU bỗng trở thành cái tên phổ biến trên truyền thông phương Tây do nhận phải hàng loạt cáo buộc mà Nga đã bác bỏ như trộm thư điện tử của đảng Dân chủ Mỹ, tấn công mạng Ukraine và đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal tại Salisbury (Anh).

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhiem-vu-chu-chot-cua-tinh-bao-quan-su-nga-20210420215047720.htm