Nhiệm vụ khó khăn

Sự hồi phục kinh tế chậm chạp của Brazil sẽ là một trong những thách thức cấp thiết nhất đối với Tổng thống đắc cử Jair Bolsonaro của đảng Xã hội Tự do (PSL) cực hữu.

Chính trường nóng bỏng của Brazil như được thổi một làn gió mát mới khi lần đầu tiên, một đảng cực hữu giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử tổng thống kể từ khi chế độ dân chủ được khôi phục tại quốc gia Nam Mỹ này hồi giữa những năm 1980. Tổng thống đắc cử Bolsonaro, 63 tuổi, bắt đầu nổi lên trên chính trường Brazil từ đầu năm 2017 khi thể hiện quan điểm khác biệt so các đảng truyền thống, từ việc bảo vệ những giá trị gia đình truyền thống, phản đối hôn nhân đồng giới, cam kết về một “bàn tay sắt” để xử lý vấn đề tham nhũng và tình trạng tội phạm có tổ chức ngày một gia tăng, cho tới cải thiện bức tranh kinh tế ảm đạm trong những năm qua tại quốc gia Nam Mỹ này.

Ngay khi đắc cử, Tổng thống Bolsonaro cam kết sẽ thu nhỏ quy mô chính phủ liên bang, giải quyết tệ quan liêu và khiến cho các đường phố trở nên an toàn hơn. Tổng thống đắc cử sẽ nhậm chức ngày 1-1-2019 trong một nhiệm kỳ 4 năm. Tuy nhiên, có thể thấy, thách thức lớn nhất và ngay trước mắt của nhà lãnh đạo này chính là bài toán kinh tế.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Bolsonaro đề xuất tự do hóa nền kinh tế và thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân, động thái giúp ông giành được sự ủng hộ của thị trường tài chính. Việc ông Bolsonaro chọn cố vấn kinh tế là nhà kinh tế cực kỳ tự do Paulo Guedes cũng nhằm mục đích dẫn đầu một chương trình cải cách để kích thích sự phục hồi kinh tế. Chương trình nghị sự của Guedes kêu gọi “tư nhân hóa mọi thứ”, giới thiệu cải cách thuế và lương hưu, mở ra nền kinh tế tư nhân, và giảm vai trò của nhà nước trong nền kinh tế xuống mức tối thiểu.

Tuy nhiên, đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Trên thực tế, nhiều mục tiêu trong số này sẽ vấp phải những phản đối đáng kể. Sự hỗ trợ cốt lõi của chính phủ mới đến từ kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp trong khi các nhà lãnh đạo giáo hội Tin Lành, lực lượng vũ trang và khu vực an ninh, cũng như thị trường tài chính, mỗi thị trường đều có những yêu cầu riêng.

Sự khác biệt trong quan điểm này đã trở nên rõ ràng trong suốt chiến dịch bầu cử vừa qua, khiến ông Bolsonaro yêu cầu cả cố vấn kinh tế Guedes và ứng viên phó tổng thống của ông, cựu tướng Hamilton Mourao, ngừng nói chuyện với báo chí. Kết quả là, hiện vẫn không ai rõ về các chính sách kinh tế của chính quyền tương lai. Thị trường tài chính lo lắng về việc chính phủ sẽ cải cách và không rõ việc cải thiện thâm hụt sẽ như thế nào. Trong khi đó, cải cách hưu trí cũng là một yếu tố then chốt.

Nhưng có thể thấy được nỗ lực của Tổng thống đắc cử Bolsonaro khi ông đã mời các thành viên chịu trách nhiệm về chính sách kinh tế của chính quyền hiện hành gia nhập chính quyền của mình, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Mansueto Almeida.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_197496_nhiem-vu-kho-khan.aspx