Nhiệm vụ khó khăn

Chính phủ mới của Israel do Thủ tướng B.Netanyahu đứng đầu đã chính thức được thành lập, chấm dứt 18 tháng bế tắc chính trị ở nước này. Ðây là kết quả của quá trình đàm phán khó khăn giữa hai chính đảng chủ chốt, tránh cho Israel phải tổ chức thêm một cuộc bầu cử sau ba lần bỏ phiếu liên tiếp trong hơn một năm qua. Chính phủ mới sẽ phải đối mặt những thách thức trong phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cũng như tập trung cho các vấn đề ưu tiên trong quan hệ quốc tế.

Thủ tướng tạm quyền B.Netanyahu thông báo với Tổng thống R.Rivlin và Chủ tịch Quốc hội vừa mãn nhiệm B.Gantz về việc đã thành lập được chính phủ liên minh mới của Israel. Theo thỏa thuận, đảng Likud của ông B.Netanyahu và đảng Xanh-Trắng của ông B.Gantz sẽ chia đôi thời gian cầm quyền, với việc ông B.Netanyahu đảm nhận vị trí thủ tướng trong 18 tháng đầu, còn ông B.Gantz giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Sau đó, ông B.Gantz sẽ lên làm thủ tướng trong 18 tháng tiếp theo. Trong sáu tháng đầu tiên, chính phủ mới của Israel sẽ có 32 bộ trưởng, chia đều cho hai khối. Sau sáu tháng, số bộ trưởng sẽ tăng lên thành 36 người, trở thành chính phủ có nhiều bộ trưởng nhất trong lịch sử Nhà nước Israel.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách của chính phủ mới ở Israel là đối phó dịch Covid-19 và lên kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Tổng thống Israel R.Rivlin thừa nhận, nước này đang trong thời kỳ chưa từng có tiền lệ, khi đất nước trải qua ba cuộc bầu cử liên tiếp trong bối cảnh phải đối phó dịch bệnh lây lan với tốc độ nhanh chóng, đe dọa nền kinh tế. Chính phủ mới được kỳ vọng có thể giúp chấm dứt những tranh cãi để tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách mà Israel đang đối mặt. Một trong những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn của chính phủ là phục hồi nền kinh tế đang bị thiệt hại nghiêm trọng bởi giãn cách xã hội khiến các hoạt động, dịch vụ đình trệ. Do tác động của dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp tại Israel đã tăng từ mức chưa đến 4% của thời điểm trước dịch lên hơn 20% sau khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu. Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Chính phủ Israel đã đưa ra gói kích thích kinh tế hơn 22 tỷ USD.

Tiếp tục phát triển mối quan hệ đồng minh với Mỹ cũng như hài hòa mối quan hệ với Liên hiệp châu Âu (EU), giảm căng thẳng với các nước A-rập cũng là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính phủ mới Israel trong bối cảnh tiến trình hòa bình Trung Ðông và quan hệ với Palestine tiếp tục là vấn đề đối ngoại hết sức nhạy cảm. Việc Bộ Quốc phòng Israel mới đây cấp phép xây dựng 7.000 nhà định cư mới ở khu Bờ tây đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Palestine. Chính phủ mới được cho là sẽ tiếp tục thúc đẩy việc áp đặt chủ quyền của Israel đối với một số khu vực tại Bờ tây, vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine. Ý định này bị Palestine và cộng đồng quốc tế phản đối. Chính quyền Mỹ mặc dù ủng hộ việc Israel có ý định áp đặt chủ quyền đối với Thung lũng Gioóc-đan và các khu định cư tại Bờ tây và Ðông Jerusalem, song Wasington cũng lo ngại việc làm này sẽ khiến cuộc xung đột Israel - Palestine thêm phức tạp. Ngay trước thềm chính phủ mới Israel nhậm chức, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo đã có chuyến thăm chóng vánh tới Israel một ngày nhằm thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm giữa hai quốc gia đồng minh, trong đó có "kế hoạch hòa bình" mà Mỹ đưa ra cho cuộc xung đột Israel - Palestine. Nhà ngoại giao Mỹ cũng đề cập đến tính phức tạp của vấn đề mặc dù vẫn khẳng định thúc đẩy kế hoạch hòa bình bị cho là thiên vị Israel.

Trong khi đó, trong quan hệ với EU, Israel cũng cần xoa dịu sự tức giận của nhiều nước châu Âu, khi Pháp đang hối thúc các nước thành viên EU xem xét biện pháp trừng phạt kinh tế chống Israel nhằm phản đối kế hoạch của Israel về sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine. Liên hợp quốc và EU đều cảnh cáo Israel từ bỏ ngay ý định này bởi nó sẽ giáng một đòn mạnh vào giải pháp hai nhà nước vốn được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Việc chính phủ mới được thành lập là một bước tiến quan trọng giúp phá vỡ thế bế tắc trên chính trường Israel. Tuy nhiên, còn tồn tại không ít bất đồng và khác biệt giữa hai đảng phái trong chính phủ chia sẻ quyền lực mà hai bên cần phải nỗ lực vượt qua. Có thể nói, sóng gió đã qua, song chính phủ mới được dự báo sẽ còn phải chèo lái "con thuyền Israel" vượt qua nhiều "ghềnh thác" mới có thể "cập bến" ổn định và phát triển.

Hà Anh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44475102-nhiem-vu-kho-khan.html