Nhiệm vụ thúc đẩy nền kinh tế số của Indonesia

Báo Jakarta Post số ra mới đây đăng bài viết cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7% vào năm 2025, trong nhiệm kỳ thứ hai, chính phủ của Tổng thống Joko Widodo cần thực hiện một số cải cách.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: TTXVN

Với tựa đề "Indonesia cần cải cách để thúc đẩy thương mại điện tử”, bài viết cho biết Indonesia đã bắt đầu thu hút các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc tới đầu tư lớn vào lĩnh vực thương mại điện tử, giữa lúc các công ty này đang cố gắng nắm bắt cơ hội kinh tế ở đất nước vạn đảo.

Các khoản đầu tư của Alibaba, Tencent và JD.com cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Indonesia khi trở thành quốc gia mới nổi trong thị trường thương mại điện tử toàn cầu. Chủ tịch tập đoàn Alibaba, ông Jack Ma thậm chí còn được đề nghị tham gia vào Ban chỉ đạo của Chính phủ Indonesia về thương mại điện tử để giúp tư vấn về các lĩnh vực như thuế, an ninh mạng và chính sách nhân sự.

Năm 2016, Indonesia đã đưa ra gói cải cách kinh tế lần thứ 14, trong đó bao gồm lộ trình thương mại điện tử. Chính sách thương mại điện tử được thiết kế nhằm kích thích nền kinh tế và cung cấp 1.000 sản phẩm công nghệ kỹ thuật số vào năm 2020.

Một báo cáo của hãng tư vấn Axiata và AT Kearney năm 2019 đã chỉ ra rằng, mặc dù Indonesia có tầm nhìn đầy tham vọng để trở thành nền kinh tế số lớn nhất trong khu vực ASEAN vào năm 2020, nhưng nước này vẫn thiếu đánh giá tổng quát hoặc lộ trình toàn diện để đạt được điều này.

Báo cáo cũng cho thấy kinh tế số có thể giúp GDP của các quốc gia ASEAN tăng thêm 1.000 tỷ USD vào năm 2025, tức tăng 20-30% so với mức hiện tại. Để tận dụng cơ hội này, Chính phủ Indonesia cần đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng, cũng như thúc đẩy tự do hóa thị trường và cải cách thuế…

Nhiều cải cách cần được chính phủ theo đuổi để tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ tăng trưởng thương mại điện tử ở Indonesia. Một lĩnh vực thương mại điện tử thịnh vượng cần các quy trình vận chuyển và giao hàng tốt để khách hàng có thể nhận được các sản phẩm một cách kịp thời.

Mặc dù, theo Chỉ số đánh giá hiệu suất của Ngân hàng Thế giới, Indonesia đã thăng hạng từ vị trí 63 năm 2016 lên vị trí 46 năm 2018, nhưng thực tế chi phí vận chuyển ở Indonesia vẫn cao nhất trong ASEAN, khiến người tiêu dùng phải chịu chi phí cao cho sản phẩm.

Để cải thiện quá trình vận chuyển, chính phủ cần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thông quan thương mại tại biên giới và cảng, cũng như đưa ra các chính sách thu hút các công ty mới vào thị trường, nhằm giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và gia tăng sức cạnh tranh.

Một báo cáo của McKinsey năm 2018 cho rằng hỗ trợ tìm kiếm cơ sở hạ tầng và xây dựng kho bãi là cách có thể giúp Chính phủ Indonesia thu hút các công ty mới vào thị trường thương mại điện tử của nước này.

Cũng như nhiều nền kinh tế đang phát triển, Indonesia đang đối mặt với nạn chảy máu chất xám. Nhiều công nhân trẻ và có trình độ cao đã và đang rời khỏi Indonesia để có nhiều cơ hội hứa hẹn hơn ở những quốc gia khác. Chính phủ nước này cần phải làm nhiều hơn để khuyến khích lực lượng này ở lại làm kinh doanh tại thị trường trong nước.

Indonesia có tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp nhất trong số các quốc gia ASEAN. Điều này cũng là rào cản đối với tăng trưởng thương mại điện tử. Với 99% giao dịch có giá trị ở Indonesia vẫn được thực hiện bằng tiền mặt, tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp đang hạn chế sự tham gia sâu hơn vào các thị trường trực tuyến cũng như kìm hãm sự phát triển của ngãnh thương mại điện tử. Theo báo cáo của McKinsey, chỉ 49% số dân Indonesia được tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Để bảo vệ người dân, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và khuyến khích sự tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử, Chính phủ Indonesia cần đẩy mạnh các chương trình "xóa mù kỹ năng số" và cải thiện an ninh mạng, giúp tạo môi trường giao dịch trực tuyến an toàn hơn cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Indonesia đang rất cần một chiến lược an ninh mạng toàn diện để giúp cung cấp lộ trình an ninh mạng cho cả các tổ chức chính phủ và khu vực tư nhân.

Đối với trình độ kỹ thuật số, Bộ Thông tin và Truyền thông được đánh giá là cơ quan đi đầu về phát triển. Bộ này đã giới thiệu và triển khai trang “Stophoax.id”, một công cụ nhận dạng thông tin giả và lừa đảo, hoặc “Phong trào sáng tạo Điện tử” và “Sáng kiến kỹ thuật số quốc gia”…

Tuy nhiên, Indonesia cần phải thực hiện nhiều giải pháp hơn nữa, như giáo dục trong trường học để các thế hệ trẻ có thể được trang bị các kỹ năng cho phép họ không chỉ tham gia vào nền kinh tế số, mà còn hiểu biết hơn về chính trị và ít bị tổn thương hơn trước các thông tin sai lệch. Việc cải cách và đầu tư cho thương mại điện tử sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và đặt nền móng cho Indonesia đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7% vào năm 2025./.

Đình Ánh (TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhiem-vu-thuc-day-nen-kinh-te-so-cua-indonesia/127476.html