Nhiên liệu hóa thạch đe dọa sự phát triển bền vững của Indonesia

Nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - công nghiệp – xã hội, nhu cầu sử dụng điện của Indonesia dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Nếu không có các biện pháp kịp thời, sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ đe dọa ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của quốc gia châu Á này.

Một công nhân ở mỏ than đá Taheran ở tỉnh Tampung. (Nguồn: Reuters)

Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - đang bước vào giai đoạn thay đổi cơ cấu dân số. Trong vòng 10 năm tới, gần một nửa dân số Indonesia sẽ gia nhập thị trường lao động. Vào năm 2030, chỉ 3 trong số 10 người Indonesia là không làm việc. Tỷ lệ nghèo đói đang giảm, trong khi hàng triệu người di chuyển ra thành phố sinh sống mỗi năm.

Kịch bản này không phải chỉ xảy ra ở riêng Indonesia, mà còn ở nhiều nước khác ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong khi các nước láng giềng dành nhiều công sức để phát triển các giải pháp xanh, Indonesia lại chậm chạp trong việc này.

Tiềm năng phát triển của Indonesia đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ chiếm phần lớn nhu cầu năng lượng tại khu vực, giống như Trung Quốc hay Ấn Độ. Trong vòng 10 năm tới, nhu cầu sử dụng điện của Indonesia dự báo sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại và gấp 3 so với năm 2010.

Tháng 3 năm nay, chính phủ Indonesia dự kiến sẽ ban hành quy định mới nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Vì vậy, ông Fabby Tumiwa – Giám đốc Viện Cải cách Dịch vụ thiết yếu ở Jakarta cho rằng, 2020 là “năm quyết định” đối với ngành năng lượng sạch của Indonesia. Sự tụt hậu của Indonesia so với các quốc gia láng giềng đã khiến Jakarta gặp khó khăn hơn trong việc đạt mục tiêu sử dụng 23% năng lượng tái tạo vào năm 2025.

“Nếu muốn đạt mục tiêu nói trên, thì từ năm 2020, 80% nguồn năng lượng mới phải là năng lượng tái tạo”, ông Tumiwa nói. Hiện tại, chưa đến 10% năng lượng của Indonesia là năng lượng tái tạo.

Đường phố Jakarta bị bao phủ bởi khói bụi than. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi năm ngoái phát biểu rằng, việc giảm sử dụng than đá sẽ trở thành chính sách quốc gia, đồng thời nhấn mạnh phát triển bền vững là mục tiêu tầm quốc gia của Indonesia. Vì thế, nhằm đạt được mục tiêu sử dụng 23% năng lượng tái tạo, Indonesia sẽ phải hủy bỏ một số dự án than đá vốn đang trong quá trình xây dựng.

Quy định dự kiến ban hành tháng 3 năm nay hướng tới việc cải cách các quy định trước đây về việc sử dụng năng lượng tái tạo – vốn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực tế. Tháng 9 năm nay, Quốc hội Indonesia còn dự kiến ban hành một bộ luật năng lượng tái tạo mang tính thống nhất nhằm điều chỉnh chính sách phát triển xanh.

Nhưng cho đến nay, Chính phủ Indonesia tin rằng, đối với một quốc gia đang phát triển, năng lượng điện giá rẻ cần được đặt ưu tiên hơn các quan tâm môi trường. Than đá đóng góp đến 58% nguồn năng lượng của Indonesia. Bà Elrika Hamdi, chuyên gia tài chính năng lượng tại Trung tâm Phân tích Kinh tế và Tài chính Năng lượng quốc tế, nhận định: “Chúng ta vẫn thường nghe Chính quyền nói rằng, than đá thì rẻ còn năng lượng tái tạo đắt”.

Trong bối cảnh đó, quy định mới vào tháng 3 năm nay sẽ cân bằng lợi ích của nhà đầu tư, những người muốn xây dựng năng lượng sạch ở Indonesia, với Tập đoàn Điện lực quốc gia Indonesia (PLN).

“Về mặt pháp lý, PLN có quyền quản lý các nguồn năng lượng tại Indonesia, từ việc sản xuất cho đến truyền tải, phân phối”, bà Hamdi nói. “Tuy nhiên, nguồn vốn của PLN có giới hạn. Indonesia lại là một quốc gia rộng lớn với dân số đông. PLN vẫn cần sự đầu tư”.

Hương Trà Ly

(theo SCMP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhien-lieu-hoa-thach-de-doa-su-phat-trien-ben-vung-cua-indonesia-109256.html