Nhiệt điện kêu 'đói' than: Sao lại độc quyền bán than?

Theo chuyên gia, đã đến lúc chấm dứt việc phụ thuộc vào một, hai đầu mối cung cấp than.

Những ngày qua, câu chuyện một số nhà máy nhiệt điện có nguy cơ dừng hoạt động vì thiếu than thu hút sự quan tâm của dư luận. Bàn về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng điều này có liên quan một phần đến cơ chế độc quyền trong cung cấp than cho ngành điện.

Theo yêu cầu của Chính phủ, than sản xuất trong nước Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ mua từ Tổng Công ty Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.

Đối với nguồn than nhập khẩu, TKV và Tổng công ty Đông Bắc là hai đơn vị được giao làm đầu mối nhập khẩu than cung cấp cho các nhà máy điện. Các dự án điện của các tập đoàn và các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu than trực tiếp phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, về chiến lược lâu dài phải thực hiện việc cung cấp điện, than trên cơ sở kinh tế thị trường, Chính phủ chỉ đứng ra điều phối, tính toán sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân cũng như nhu cầu dự trữ để đảm bảo an ninh năng lượng.

Trước nay, Việt Nam đã có các chiến lược về an ninh năng lượng cũng như nhiều đề án, đề tài nghiên cứu về vấn đề cung cấp điện, than theo nền kinh tế thị trường nhưng việc làm được rất ít, chưa tương xứng với mong muốn. Ngành điện chưa rõ ràng được đầu vào, đầu ra, giá thành, giá cả, lời lãi thỏa đáng. Tương tự, ngành than cũng không công khai được đầu vào, đầu ra, các chi phí, giá thành cũng như sản xuất thế nào... Đó là bài toán chưa được sự quan tâm thỏa đáng. Bởi chiến lược, kế hoạch chưa cụ thể, rõ ràng nên việc thực thi chỉ đạo, điều hành còn nhiều lúng túng.

"Cho đến nay giá bán than cũng như giá bán điện thế nào là hợp lý vẫn là vấn đề lớn. Nguồn cung cấp than của TKV cho nền kinh tế như thế nào cũng là bài toán chỉ được tính hàng năm chứ không phải kế hoạch dài hạn.

TKV và Tổng Công ty Đông Bắc lại được quyền điều phối than sản xuất trong nước, xuất khẩu và nhập từ nước ngoài về. Điều đó cho thấy, việc cung cấp than cho ngành điện vẫn còn trong cơ chế tập trung bao cấp, cơ chế độc quyền như trước đây, chưa có gì thay đổi.

Cần xóa bỏ cơ chế độc quyền trong cung cấp than cho ngành điện

Khi chỉ có hai doanh nghiệp nắm độc quyền, nó tạo ra sự thiếu cạnh tranh, sản phẩm có giá không đúng với thị trường bởi những doanh nghiệp được chỉ định làm đầu mối đã nắm quyền chi phối giá cả. Còn bản thân các nhà máy điện không có nhiều lựa chọn. Doanh nghiệp biết rõ mình cần loại than gì, chất lượng ra sao, giá cả và đối tác như thế nào cho phù hợp, phụ thuộc vào hai đầu mối khiến họ không tự chủ được", ông Thịnh chỉ rõ.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra thực trạng hiện nay: giá than cùng chủng loại được nhập về bán lại cao hơn giá thế giới và cao hơn giá than do TKV sản xuất trong nước nên khiến các nhà máy điện khó khăn.

Chính vì thế, phải làm thế nào để thực thi cơ chế thị trường với ngành điện và ngành than, tách quyền quản lý nhà nước với quyền của doanh nghiệp khỏi tình thế như hiện nay nhằm tránh tình trạng độc quyền.

"Nói gì thì nói, TKV cũng chỉ là một doanh nghiệp dù có là tổng công ty khai thác than, khoáng sản lớn bao nhiêu đi nữa. Họ không thể nào có thẩm quyền quản lý toàn bộ hoạt động xuất, nhập khẩu của một mặt hàng nào đó vào trong nền kinh tế.

Vừa là người cung cấp sản phẩm ra thị trường, vừa là người định giá và lại vừa là người kiểm soát cả chuyện nhập-xuất sản phẩm, như vậy không còn gì là thị trường nữa, mà hoàn toàn mang tính độc quyền đối với sản phẩm, hàng hóa ấy", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Từ thực tế này, một lần nữa ông Thịnh đề nghị phải tách bạch vấn đề sản xuất của doanh nghiệp với quản lý nhà nước. Nhà nước quản lý thị trường, hỗ trợ về chính sách, còn bản thân TKV chỉ nên là doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm bán ra thị trường, thị trường chấp nhận hay không thì TKV phải tự tính toán. Trường hợp người tiêu dùng không chấp nhận có thể tìm được những nguồn khác để cung cấp sản phẩm ổn định, giá cả hợp lý hơn thì phải chấp nhận. Đó mới là kinh tế thị trường.

Trở lại tình trạng "đói" than của nhiều nhà máy nhiệt điện, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên nhân chủ yếu là các "ông lớn" than và điện không thỏa thuận được với nhau về giá cả. Thậm chí, không loại trừ khả năng có cả vấn đề lợi ích nhóm đằng sau.

"Kể cả ngành than và ngành điện muốn có được giá thành hợp lý, nâng cao năng suất lao động, cải tiến quản lý... thì phải thị trường hóa bằng cách cổ phần hóa doanh nghiệp, thực hiện cơ chế quản lý theo thị trường, không thể cứ theo cơ chế quản lý tập trung như trước nay.

Quan trọng nhất là phải đổi mới tư duy, doanh nghiệp chỉ là người cung cấp hàng hóa với chất lượng tốt nhất, giá thành hợp lý nhất sao cho có lợi cho chính doanh nghiệp và khách hàng. Khi sản phẩm có giá rẻ, chất lượng tốt thì thị trường chấp nhận, còn không thị trường sẽ tìm nguồn khác", ông Thịnh kết luận.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nhiet-dien-keu-doi-than-sao-lai-doc-quyen-ban-than-3370126/