Nhiệt độ vượt ngưỡng - cuộc sống hàng tỷ người bị ảnh hưởng

Nhiệt độ vượt ngưỡng là một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu, gây ra ảnh hưởng xấu cho sức khỏe và cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi nhiệt độ vượt quá ngưỡng an toàn, con người có thể gặp phải các vấn đề như say nắng, tăng thân nhiệt, suy nhược cơ thể.

Khoảng 2 tỷ người trên Trái đất sẽ sống trong điều kiện nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này nếu các chính sách khí hậu không có sự thay đổi. Ảnh: Oleksandr Sushko

Khoảng 2 tỷ người trên Trái đất sẽ sống trong điều kiện nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này nếu các chính sách khí hậu không có sự thay đổi. Ảnh: Oleksandr Sushko

Hàng tỷ người đối mặt mức nhiệt vượt ngưỡng

Nhiệt độ cực cao làm cho bệnh mãn tính như tim mạch, hô hấp hay tiểu đường trở nên nặng hơn. Không chỉ vậy, nhiệt độ cao còn ảnh hưởng đến việc lây lan của bệnh truyền nhiễm, chất lượng không khí và hoạt động của các cơ sở hạ tầng quan trọng như điện, nước, giao thông.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Sustainability cho biết rằng, nếu không có những biện pháp giảm thiểu khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, khoảng 2 tỷ người sẽ phải sống trong điều kiện nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này. Đó là những khu vực có nhiệt độ trung bình hàng năm là 29 độ C hoặc cao hơn. Đây là mức nhiệt cao hơn so với điều kiện sinh sống lý tưởng của con người. Nếu khí hậu tiếp tục ấm lên theo kịch bản xấu nhất, con số này có thể lên tới 3,3 tỷ người.

Nghiên cứu này do các nhà khoa học tại Đại học Exeter của Vương quốc Anh và Đại học Nam Kinh ở Trung Quốc dẫn đầu. Họ đã phân tích dữ liệu về nhiệt độ hàng năm từ năm 1850 đến 2018 và dự báo nhiều kịch bản khác nhau cho tương lai. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong quá khứ, chỉ có khoảng 0,8% dân số thế giới (khoảng 40 triệu người) sống trong điều kiện nhiệt độ nguy hiểm. Tuy nhiên, vào năm 2018, con số này tăng lên gần 1% (khoảng 60 triệu người). Những khu vực có mức nhiệt cao nhất là Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.

Các nhà khoa học cảnh báo, để giảm thiểu rủi ro do nhiệt độ vượt ngưỡng gây ra, cần có sự phối hợp giữa chính sách giảm khí thải và biện pháp thích ứng như cải thiện thiết kế đô thị, tăng cường cây xanh và giáo dục sức khỏe cho người dân.

Nhiệt độ vượt ngưỡng tác động đến các nhóm dân cư dễ bị tổn thương

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng khoảng 1,1 độ C so với mức trước kỷ nguyên công nghiệp và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Sự ấm lên toàn cầu không chỉ gây ra những biến động thời tiết mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh lương thực, nước và năng lượng của hàng tỷ người trên thế giới.

Trong số đó, có những nhóm dân cư đặc biệt dễ bị tổn thương bởi nhiệt độ cao, bao gồm người già, trẻ sơ sinh và trẻ em, phụ nữ mang thai, người lao động chân tay và ngoài trời, vận động viên và người nghèo. Những người này có nguy cơ cao hơn bị mất nước, suy nhược, sốc nhiệt, đột quỵ hay bệnh tim mạch và hô hấp liên quan.

Lượng khí thải từ số ít nước giàu có thể gây ảnh hưởng lớn đến sự ấm lên toàn cầu nhưng công dân của các nước này lại chỉ phải đối mặt với mối đe dọa từ nhiệt độ nguy hiểm thấp hơn nhiều so với công dân của những nước khác. Ảnh: Josh Withers

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy việc hạn chế sự nóng lên ở mức thấp hơn mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris là 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp vẫn sẽ khiến 400 triệu người phải đối mặt với mức nhiệt nguy hiểm vào cuối thế kỷ này. Nếu không có biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả, con số này có thể lên tới 1,2 tỷ người.

Những người dân Ấn Độ, Sudan và Nigeria đều bị ảnh hưởng nặng nề dù mức nhiệt chỉ tăng 1,5 độ C, nhưng nếu mức tăng là 2,7 độ C sẽ gây ra tác động rất lớn với các quốc gia như Philippines, Pakistan và Nigeria.

Theo ông Ashish Ghadiali, một nhà hoạt động khí hậu và đồng tác giả của nghiên cứu, đa phần mô hình nghiên cứu ưu tiên đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với kinh tế hơn là tập trung vào con người. Bản thân các mô hình này cũng lại ưu tiên đến con người ở hiện tại hơn là trong tương lai. Tuy vậy, tác động của sự ấm lên toàn cầu là liên thế hệ và có sự bất bình đẳng giữa các quốc gia.

"Về cơ bản, mô hình nghiên cứu coi trọng mạng sống của tôi hơn mạng sống của con cái tôi và xa hơn là của cháu chắt tôi", ông Ghadiali nói.

Theo ông Ghadiali, để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu một cách công bằng và hiệu quả, cần có sự tham gia của những bên liên quan. Đồng thời, cần có sự chia sẻ trách nhiệm và tài nguyên giữa các quốc gia giàu có và nghèo khó để giúp những người dễ bị tổn thương nhất có thể thích ứng và phục hồi sau những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

WHO đưa ra cảnh báo, có tới 9 triệu người tử vong mỗi năm liên quan tới biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science vào ngày 18/5 cho hay, hơn một nửa số hồ tự nhiên và hồ chứa nước lớn trên thế giới đang bị cạn dần kể từ đầu thập niên 1990, chủ yếu do biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học đã xem xét gần 2.000 hồ lớn bằng dữ liệu vệ tinh cùng các mô hình khí hậu và thủy văn. Họ nhận thấy việc dùng nước không bền vững của con người, những thay đổi về lượng mưa và dòng chảy, quá trình lắng đọng trầm tích, và nhiệt độ tăng đã khiến mực nước các hồ giảm trên toàn cầu, 53% số hồ ghi nhận sự sụt giảm trong giai đoạn 1992 - 2020.

Nhóm nghiên cứu quốc tế nhận thấy, một số nguồn nước ngọt quan trọng nhất trên thế giới, từ biển Caspi nằm giữa châu Âu và châu Á cho đến hồ Titicaca ở khu vực Nam Mỹ, trong gần ba thập niên qua mỗi năm đã mất đi lượng nước khoảng 22 gigaton (1 tỉ tấn), bằng 17 lần lượng nước ở hồ Mead (hồ chứa nước lớn nhất của Mỹ).

Thông tin trên làm gia tăng nỗi lo về nguy cơ thiếu nước cho nông nghiệp, thủy điện và sinh hoạt hằng ngày của con người.

Dũng Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nhiet-do-vuot-nguong-cuoc-song-hang-ty-nguoi-bi-anh-huong-179230524074914232.htm