Nhiệt tình + Thiếu hiểu biết = ?

Cụ bà bán vé số đã mất ăn mất ngủ vì gián tiếp gây nên cái chết oan nghiệt của người cha đang chơi với con ở công viên tại Long An chỉ vì hiểu lầm người đàn ông này đang bắt cóc trẻ con. Một câu chuyện đau lòng mà khởi nguồn bắt đầu từ lòng nhiệt thành cứu giúp người khác nhưng thiếu hiểu biết.

Những ngày qua, nhiều người không khỏi bàng hoàng trước sự vụ anh Lê Hoài B. (28 tuổi, ngụ ấp Sò Đo, thị trấn Hậu Nghĩa, Long An) bị đâm chết tại công viên trong lúc đang chơi đùa với con chỉ vì bị một người bán vé số hiểu lầm là đang bắt cóc trẻ con và tri hô. Sau lời tri hô ám ảnh, cả đám người trong tình trạng say rượu lao vào đánh, đâm anh đến tử vong trước sự chứng kiến của cậu con trai 3 tuổi.

Hình ảnh đứa bé đứng khóc bên đám người đánh nhau và mếu máo trong nước mắt: “Ba con bị đánh, ba con đang bị đánh” không khỏi ám ảnh những nhân chứng của sự việc. Tiếng kêu thảm thương của bé đã không thể cứu được sự ra đi vĩnh viễn của người cha. Đứa trẻ mãi mãi mất cha còn người đàn ông bỗng dưng phải rời bỏ cuộc sống vì nỗi oan từ đâu ập đến.

Hiện trường vụ người cha thiệt mạng vì bị hiểu lầm bắt cóc con

Hiện trường vụ người cha thiệt mạng vì bị hiểu lầm bắt cóc con

Kẻ đâm chết người đàn ông viện vào lý do có hơi men nên đã không kiểm soát được bản thân và gây nên sự việc. Và dù cho ban đầu người này có thực sự hành động vì “ra tay nghĩa hiệp” hay không thì giờ vẫn phải đền tội trước pháp luật. Tội lỗi mà người này gây ra sẽ không thể dung tha.

Về phía cụ bà, sau sự việc, cụ bà bán vé số đã mất ăn mất ngủ vì gián tiếp gây nên cái chết oan nghiệt của người cha đứa trẻ. Chia sẻ với báo giới, người bán vé số lý giải rằng chỉ vì từng nghe nhiều chuyện liên quan đến việc bắt cóc con nít nên cụ bà đã kêu lên hòng tránh được một vụ bắt cóc trẻ con.

Không thể phủ nhận ý tốt của cụ bà nhưng cũng phải thừa nhận rằng sự nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết trong trường hợp này đã gây họa cho người khác. Giá như sự việc này được nhìn nhận một cách tỉnh táo hơn và được xử lý một cách thận trọng hơn thì có lẽ thảm họa đã không xảy ra, đứa trẻ ấy không phải mất bố, người cha ấy không phải từ bỏ cõi đời khi còn mang nặng gánh trên vai.

Một sự việc tương tự với sự việc trên từng xảy ra với một kỹ sư của Google ở Ấn Độ. Năm ngoái, kỹ sư 27 tuổi và hai người bạn của anh đang trở về nhà tại thành phố Hyderabad sau khi thăm một người bạn khác ở thành phố Bidar, họ đã dừng lại dọc đường và cho trẻ em địa phương sô-cô-la. Hành động này của họ lập tức bị người dân địa phương nghi là chuẩn bị bắt cóc trẻ con và đám đông đã tra tấn người đàn ông này tới chết. Câu chuyện này sau đó được truyền thông thế giới đăng tải nhiều lần như một lời cảnh báo xót xa về những hành động cảm tính, thiếu thận trọng.

Những câu chuyện đau lòng, những cái kết không ai mong muốn mà khởi nguồn bắt đầu từ lòng nhiệt thành cứu giúp người khác, điều đáng lẽ cần được ngợi ca thật luôn xót xa.

Vậy câu trả lời cho định thức "Nhiệt tình + Thiếu hiểu biết" là gì?

Là phá hoại? Là thảm họa? Là đau lòng? Là tỉnh ngộ? Hay cần sửa đổi?

Không có đáp án chung cho sự việc ấy. Nhưng một điều chắc chắc rằng, lòng nhiệt tình kết hợp cùng sự thiếu hiểu biết của bà cụ bán vé số, thêm chất xúc tác là chút men rượu trong người kẻ có máu anh hùng rơm đã khiến một đứa trẻ mất cha, một người vợ mất chồng và một gia đình thiếu đi trụ cột vững chãi nhất.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhiet-tinh-thieu-hieu-biet-a423371.html