Nhiều 'băn khoăn' trong vấn đề giám sát và thẩm định

Ngày 2/11, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) tổ chức tọa đàm sinh hoạt khoa học 'Tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra'. TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng chủ trì.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TH

Giám sát trong trường hợp cần thiết

Các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong thực tiễn tổ chức, hoạt động và quan hệ công tác của đoàn thanh tra: về tổ chức, quan hệ công tác của đoàn thanh tra; về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc thanh tra; về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra và các vấn đề khác liên quan đến nội dung, đối tượng thanh tra, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan...

Từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn các đại biểu trao đổi, thảo luận về dự thảo sửa đổi Thông tư số 05/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ (TTCP) quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

Tại tọa đàm, ông Chu Đức Thắng, Phó trưởng Phòng Xây dựng thể chế, Vụ Pháp chế đã khái quát các nội dung của dự thảo sửa đổi Thông tư 05/2014/TT-TTCP, những điểm mới.

Chương I có thêm 1 điều về giải thích từ ngữ, quy định về bảo lưu ý kiến bằng văn bản, bỏ các quy định về quan hệ công tác của Thông tư 05 cũ, chế độ báo cáo của trưởng đoàn thanh tra.

Tại Chương II có thêm quy định về trường hợp không được bố trí làm trưởng đoàn, phó đoàn, thành viên đoàn thanh tra, quy định bổ sung về thay đổi đình chỉ trường đoàn, thành viên đoàn thanh tra.

Chương III, ở Mục 1 quy định về việc chuẩn bị thanh tra, việc nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu để ra quyết định thanh tra; Mục 2 quy định về tiến hành thanh tra, có điểm mới về việc gia hạn thời gian tiến hành thanh tra, đưa ra những trường hợp cụ thể nào thì mới được gia hạn thanh tra, cập nhật thêm về công tác chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra (quy định rõ hơn về trách nhiệm của các cơ quan); Mục 3, quy định thêm các nội dung của báo cáo kết quả thanh tra.

Ông Thắng cũng đưa thêm một số ý kiến là Thông tư cần tập trung vào 2 nội dung lớn như: Quan niệm về đối tượng thanh tra (Luật Thanh tra chưa quy định cụ thể); quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ về hoạt động giám sát, thẩm định, công khai quyết định thanh tra, kết luận thanh tra, đánh giá tình phù hợp với với các bộ, ngành, địa phương.

Trong dự thảo có một số nội dung cần phải bàn bạc thêm đó là vấn đề giám sát và vấn đề thẩm định.

Đại diện Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì quan tâm nhất đến trình tự thủ tục cho thanh tra chuyên ngành. Thanh tra Bộ đang rất vướng về trình tự thủ tục thanh tra chuyên ngành như: Nếu thực hiện việc công bố, biết thông tin trước thì đối tượng thanh tra sẽ xử lý được hết tang vật và không triển khai được. “Hiện nay, chúng tôi cũng đã có thông tư hướng dẫn về vấn đề này rồi, nhưng mà vẫn chưa đảm bảo, cần phải có quy định cụ thể của TTCP.”

Bày tỏ băn khoăn về việc kết luận thanh tra có cần thiết phải ban hành trong tất cả các trường hợp không? Theo vị này, một số trường hợp là không cần phải ban hành.

Về hoạt động giám sát, người được chọn làm trưởng đoàn thanh tra đương nhiên là người được tin cậy và có uy tín, nếu mà còn làm sai nữa thì không ổn. Có trường hợp lạm dụng giám sát, người giám sát đi cùng đoàn thanh tra thì quá lãng phí.

Về vấn đề thẩm định, vị này cũng khẳng định, người ngồi ở nhà không thể thẩm định được, chỉ làm thực tế mới biết, trong trường hợp cần thiết có thể trưng cầu ý kiến chuyên gia, theo tôi nên phải cân nhắc về vấn đề này.

Vì vậy, nên quy định theo hướng không nhất thiết phải giám sát và chỉ cần giám sát trong trường hợp cần thiết.

Thông tư cũng cần đưa ra chi tiết về số lượng biên bản là bao nhiêu? Trường hợp nào cần phải lập biên bản; có trường hợp chỉ lập 1 biên bản mà không giao cho đối tượng thanh tra (đây là nguy cơ dẫn đến lạm quyền). Về nhật ký đoàn thanh tra, cần phải xem lại mục đích, ý nghĩa của nhật ký đoàn thanh tra, nếu quy định như dự thảo như thế này thì hơi nhiều. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã có nhật ký điện tử.

Thẩm định là cần thiết

TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện CL&KHTT chia sẻ, TTCP muốn làm nhiều thứ, muốn cầm tay chỉ việc cho các cơ quan thanh tra, các quy định mà TTCP làm dưới góc nhìn của TTCP, mặt nào đó nó khác với các bộ, ngành, địa phương.

Theo TS Đinh Văn Minh, thời gian tới sửa Luật Thanh tra sẽ phân định rõ thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành sẽ là công cụ của thủ trưởng các bộ, ngành, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành là giống nhau. TTCP không còn liên quan gì đến thanh tra chuyên ngành.

Nói về câu chuyện xử phạt, kỷ luật, TS Đinh Văn Minh nhấn mạnh: Thông tư không có quyền, điều này phải quy định trong nghị định của Chính phủ, ở Thông tư chỉ có thể đưa ra các điều cấm là được.

Theo ông Minh, phải thay đổi tên của Thông tư, vì chưa phù hợp với nội dung dự thảo thông tư.

Về giám sát, thẩm định, nhìn dưới lăng kính của TTCP, thanh tra tỉnh là cần vì các cuộc thanh tra của TTCP là lớn, phạm vi rộng, nhưng vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào?

Ông Minh cho rằng, giám sát cũng là thực hiện sự nhắc nhở, nhưng giám sát như thế nào để hiệu quả và không nặng nề. Còn về thẩm định là cần thiết, vì người ra quyết định thanh tra ký kết luận nên ông ấy cần người xem lại do đó cần phải thẩm định, nhưng thẩm định thì phải xem quy trình thực hiện. Tùy vào quy mô, phạm vi cuộc thanh tra mà có sự thẩm định, giám sát.

Đại diện Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, Thông tư này cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của trưởng đoàn thanh tra lên; tổ chức thực hiện thanh tra rất đa dạng, do đó phải đưa ra một quy định mang tính nguyên tắc để các cơ quan thanh tra có thể thực hiện tốt hơn; hiện nay đoàn thanh tra khác nhiều, một số đơn vị sự nghiệp Nhà nước được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra, nhưng lại không có công chức thanh tra...

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/nhieu-ban-khoan-trong-van-de-giam-sat-va-tham-dinh_t114c1160n140748