Nhiều băn khoăn xung quanh dự thảo quy định về nghệ thuật biểu diễn

Sau một thời gian liên tục bị chỉ trích bởi nhiều quy định bất hợp lý trong quản lý nghệ thuật biểu diễn như cấp phép ca khúc, quản lý biểu diễn…, ngày 29-10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lấy ý kiến nội dung dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD) trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, không ít đại biểu cho rằng, dự thảo cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhằm tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho hoạt động NTBD.

Với 6 chương, 38 điều, bản dự thảo đã có nhiều sự điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn hơn: Thể chế lại quy định cấm bằng nội dung quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật biểu diễn; chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; chính sách đối với cá nhân đại diện Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu; chính sách thực thi quyền tác giả trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình tác phẩm các loại hình NTBD.

Sẽ có nhiều điều chỉnh mới trong Nghị định sửa đổi về nghệ thuật biểu diễn.

Sẽ có nhiều điều chỉnh mới trong Nghị định sửa đổi về nghệ thuật biểu diễn.

Quyền Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Quang Vinh khẳng định: Nghị định sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh của các đơn vị nghệ thuật, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực NTBD; các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia sáng tạo văn học, nghệ thuật phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. Nghị định cũng sẽ tạo lập cơ sở pháp lý hoàn thiện vai trò cơ chế phân cấp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thuộc lĩnh vực NTBD…

Đồng tình với chủ trương của Ban soạn thảo Nghị đinh, ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng biểu diễn nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho rằng, dự thảo Nghị định đã giảm thiểu thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, ông Trực cho rằng, việc quy định điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật là hết sức cần thiết. Bởi trên thực tế, nhiều sự kiện biểu diễn nghệ thuật xảy ra chết người mà không thu hồi được giấy phép kinh doanh. Việc quản lý biểu diễn với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam biểu diễn cũng có nhiều thay đổi.

Trước kia hai đối tượng này tách riêng, còn theo Dự thảo Nghị định này thì gộp chung. Như vậy là thông thoáng trong việc cấp phép cho các đối tượng này biểu diễn tại Việt Nam. Với cấp phép biểu diễn, việc một giấy phép cho một chương trình có vẻ hợp lý nhưng thực tế đang phát sinh nhiều vấn đề. Cụ thể, một doanh nghiệp, công ty đứng ra tổ chức sự kiện, xin cấp giấy phép biểu diễn cho 1 chương trình, tại 10 tỉnh, thành. Chương trình không vi phạm ở địa phương cấp phép biểu diễn mà vi phạm ở một địa phương khác.

Đơn vị cấp phép không có điều kiện giám sát chương trình nhưng theo quy định, có vi phạm, việc xử phạt phải vòng về địa phương này. Nhiều nội dung biểu diễn như trình diễn thời trang nghệ thuật phun xăm chưa có trong khái niệm cấp phép.

Với trình diễn thời trang, nếu xin cấp phép biểu diễn thì phải gửi các bộ mẫu thời trang lên trước để duyệt. Vấn đề cấp phép cho tác phẩm lần đầu khai thác cũng tương tự. Hiện nay, việc cấp phép phổ biến mới đang làm rất chặt nhưng nếu không cấp phép phổ biến thì vẫn được phát hành qua môi trường mạng. Nếu không cấp phép, nhiều bài hát có ca từ rất ngô nghê, phản cảm, khi phổ biến rồi thì ai chịu trách nhiệm?

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng bày tỏ, về quyền tổ chức tham gia biểu diễn nghệ thuật, Ban soạn thảo nên làm rõ quy định về hoạt động NTBD, nên nhấn mạnh thành ý khác, vì biểu diễn nghệ thuật với thi người đẹp, người mẫu có thể đều là trình diễn nhưng nội hàm của hoạt động khác nhau.

Ban soạn thảo nên tách người biểu diễn, quyền biểu diễn nghệ thuật với thi người đẹp người mẫu. NSND Lê Tiến Thọ cũng cho rằng ông rất phân vân trước quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi phát hiện hoạt động biểu diễn nghệ thuật để che giấu vi phạm pháp luật.

“Bởi thực tế, khi đơn vị biểu diễn hoặc biểu diễn xong thì mới có thể phát hiện được. Nếu họ chưa tổ chức thì làm sao để dừng hoạt động biểu diễn mà không phải đền bù thiệt hại. Trong khi chương trình hoàn toàn không vi phạm an ninh quốc phòng, hay bị ảnh hưởng thiên tai địch họa... Điều này phải làm rõ, nếu không sẽ rất phức tạp”, NSND Lê Tiến Thọ khẳng định.

Quyền Cục trưởng Nguyễn Quang Vinh cho rằng ý kiến của các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và tiếp tục điều chỉnh. Dự kiến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nội dung dự thảo tại phía Nam vào tháng 11.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/nhieu-ban-khoan-xung-quanh-du-thao-quy-dinh-ve-nghe-thuat-bieu-dien-567854/