Nhiều bạn trẻ đam mê thổi hồn vào tiêu bản động vật

Nghệ thuật tiêu bản là bộ môn nghệ thuật độc lạ, đòi hỏi những kỹ thuật cao về chế tác và bảo quản xác động vật. Nghệ thuật này đang được nhiều bạn trẻ Việt Nam ưa chuộng và theo đuổi.

Nghệ thuật đầy màu sắc

Tiêu bản là lĩnh vực nghiên cứu phát triển trên thế giới từ cách đây hàng trăm năm. Tuy nhiên tại Việt Nam thời gian gần đây, tiêu bản mới bắt đầu được chú ý. Hiện nay tiêu bản không chỉ là những nghiên cứu khoa học mà nó còn được xem là nghệ thuật tái tạo gần như nguyên bản mẫu động, thực vật một cách sinh động và sáng tạo.

Tiêu bản được tái hiện sinh động.

Với niềm đam mê nghiên cứu sinh học và tình yêu động vật, nhiều bạn trẻ tìm đến với tiêu bản động vật và dành thời gian, tâm huyết cũng như sự tỉ mỉ trong các công đoạn để ra những sản phẩm độc đáo, mang độ chính xác cao.

Gọi công việc của mình là làm cho cái chết có vẻ đẹp riêng, anh Nguyễn Thế Vũ đã tự mình tìm tòi và theo đuổi bộ môn nhuộm xương cho động vật với những tiêu bản tựa như những tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc.

“Tiêu bản với tôi không chỉ là các mẫu động vật được làm theo để nghiên cứu khoa học mà còn mang giá trị nhân văn, giúp cho những người chủ đã có thú cưng bị mất hay qua đời có thể lưu giữ kỷ niệm”, Thế Vũ chia sẻ.

Người thợ làm tiêu bản tỉ mỉ chế tác trong từng công đoạn.

Cũng theo Vũ chia sẻ, với nghề này, yếu tố thời gian là điều quan trọng nhất để tạo ra một tiêu bản hoàn hảo. Sau khi xin các con vật đã chết từ người quen, các cửa hàng bán thú cưng, cửa hàng hải sản… anh sẽ tẩy cho phần thịt của động vật trở nên trong suốt, sau đó sẽ tiến hành nhuộm màu cho phần xương, sụn. Các mẫu vật thường dùng để nhuộm màu đa số là các động vật nhỏ như cá nhỏ, chim, bò sát…

“Tất cả các mẫu vật tiêu bản ngâm tôi đều pha tỷ lệ Formaldehit 10% từ Formal 40% được bán ở ngoài thị trường. Chính vì vậy, quá trình làm tiêu bản từ xác động vật không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, mà còn cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ngộ độc, bỏng, ung thư... vì lúc nào cũng phải sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại”, anh Vũ cho biết thêm.

Trang sức từ tiêu bản xương rắn

Có chung một tình yêu đối với động vật như Vũ, anh Lưu Viết Chung dành một góc nhỏ trong nhà làm nơi chế tác tiêu bản động vật. Hàng ngày anh vẫn miệt mài, tỉ mỉ xử lý xương rắn và cho ra bộ tiêu bản xương rắn hoàn chỉnh.

Anh Chung tìm cách lưu giữ xác của động vật dưới dạng cấu trúc xương.

“Sau khi mua xác rắn về, tôi sẽ lọc bỏ phần thịt, nội tạng. Do không có điều kiện nuôi bọ Dermestid chuyên dụng, nên tôi sử dụng bọ phát triển từ loài sâu gạo thay thế, cho vào nơi chứa của những con bọ để xử lý phần thịt còn sót lại. Cuối cùng, tẩy xương bằng oxy già rồi cẩn thận ráp lại thành một bộ hoàn chỉnh”, anh Chung kể.

Tiêu bản bộ xương rắn.

Ngoài các bộ tiêu bản nguyên xương con rắn, anh Chung còn làm trang sức như vòng tay, nhẫn từ xương của loài động vật này.

“Công đoạn cho ra xương giống với làm tiêu bản xương, nhưng thay vì ghép lại thành một bộ hoàn chỉnh thì chỉ dùng xương sống cho vào khuôn silicone, sau đó đổ nhựa resin cứng và chờ khô để chế tác hoàn thiện.

Tiêu bản xương rắn làm đồ trang trí nhà cửa.

Việc dùng nhựa resin để đúc nhẫn xương rắn không chỉ giữ các đốt xương trong tình trạng nguyên gốc, tránh gãy vỡ mà còn giúp người đeo thoải mái, không bị đau. Để làm ra một chiếc nhẫn từ xương rắn hoàn thiện, tôi mất 2- 3 ngày, có khi lên đến cả tuần. Những vòng tay kết từ đốt xương sẽ nhanh hơn, khoảng 30 phút/vòng”, anh Vũ nói thêm.

Trang sức từ tiêu bản xương rắn.

Cũng theo anh Vũ, nghệ thuật sử dụng tiêu bản để trang trí không gian sống có nguồn gốc từ châu Âu và có một lịch sử phát triển lâu dài. Tuy nhiên, tại Việt Nam, bộ môn này còn khá mới mẻ và đặc biệt kén chọn người chơi. Bởi trong văn hóa Việt Nam, xương động vật bị cho là xui xẻo, chứa nhiều âm khí nên mọi người ít ứng dụng như một vật trang trí, decor.

Lan tỏa giá trị tiêu bản động vật

Để có thể đưa nghệ thuật tiêu bản đến với công chúng dưới một góc nhìn tích cực, những người thợ tiêu bản giữ vững lập trường trong việc bảo bảo tồn thiên nhiên và môi trường thông qua việc tái chế và xử lý xác động vật. Đặng Nhật Minh đến với nghề làm tiêu bản hướng tới sự phát triển nhân văn hơn cho cộng đồng.

Nhật Minh mong muốn truyền thông điệp thiên nhiên và muông thú dưới bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

“Trên thế giới, thú chơi này rất phổ biến, tuy nhiên nó có hai mặt. Mặt xấu đi kèm là nạn săn bắn động vật sống để làm tiêu bản. Ở Việt Nam, là một lớp trẻ, tôi rất muốn phát triển cộng đồng theo một hướng tích cực nhất. Chúng tôi mong muốn tạo ra một cộng đồng nhân văn nhất, lấy xác động vật đã chết từ tự nhiên rồi tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh giúp mọi người có cái nhìn tổng quan hơn về sinh vật cũng như là động vật ở thế giới bên ngoài”, Minh chia sẻ.

Tiêu bản hệ sinh thái vùng Đông Bắc.

Đối với Minh, sự phát triển của nghệ thuật tiêu bản còn đem lại nhiều giá trị giáo dục, phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu và văn hóa cho công chúng tại Việt Nam.

“Nghệ thuật tiêu bản không đơn thuần là một nghề mà còn là lĩnh vực có giá trị về mặt lưu giữ, bảo tồn động thực vật, phục vụ quá trình nghiên cứu và trưng bày thế giới tự nhiên sinh động, đặc sắc. Tôi có thể làm về phần nhồi bông, Vũ làm về xương còn Chung làm trang sức. Chúng tôi mong muốn có thể gửi đến các trường học để mọi người có thể nghiên cứu chúng một cách chi tiết hơn. Hy vọng nét nghệ thuật mới mẻ này sẽ được công chúng đón nhận với một góc nhìn cởi mở hơn”, Minh chia sẻ.

Những người trẻ mong muốn tiêu bản động vật được công chúng đón nhận với một góc nhìn cởi mở hơn.

Người thợ làm nghề cần phải có kiến thức cả về điêu khắc, thẩm mỹ, sinh học, hóa học và gia công.

Mỗi người là mỗi mảnh ghép khác nhau, từ tình yêu đến đam mê sáng tạo, họ đã cùng nhau tạo ra các mẫu vật tiêu bản độc đáo mang lại nhiều ý nghĩa nghệ thuật và nhân văn đối với cộng đồng.

Phúc Ân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-ban-tre-dam-me-thoi-hon-vao-tieu-ban-dong-vat-post268068.html