Nhiều bất cập trong 1 Quyết định khiến 'huyết mạch' vận tải hàng hóa ở Thủ đô bị bóp nghẹt

Quyết định 06/2013/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội có một số nội dung mâu thuẫn với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2016/BGTVT).

Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước, Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND được UBND TP. Hà Nội ban hành và có hiệu lực từ năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải và cuộc sống người dân.

Ngoài việc làm phức tạp thêm thủ tục hành chính, tạo cơ hội cho tiêu cực nảy sinh, làm chậm sự phát triển của dịch vụ vận tải hàng hóa trong nội đô, gây khó khăn trong một số hoạt động sinh hoạt đời sống của người dân thì Quyết định 06 còn có một số nội dung mâu thuẫn với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2016/BGTVT).

Quyết định 06/2013 của UBND TP. Hà Nội tồn tại một số vấn đề bất cập

Quyết định 06/2013 của UBND TP. Hà Nội tồn tại một số vấn đề bất cập

QCVN 41:2016/BGTVT do Tổng cục Đường bộ Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT ngày 08 tháng 4 năm 2016.

Tại khoản 3.32, điều 3, phần 1 của Quy chuẩn nêu rõ: “Ôtô tải (hay còn gọi là xe tải) là xe ô tô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 1.500 kg trở lên

Còn tại khoản 3.30, điều 3, phần 1 của Quy chuẩn nêu rõ: “Xe ôtô con (hay còn gọi là xe con) là xe ôtô được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe hoặc xe ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg; xe ôtô con bao gồm cả các loại xe có kết cấu như xe máy 3 bánh nhưng có tải trọng bản thân xe lớn hơn 400 kg và tải trọng toàn bộ xe cho phép nhỏ hơn 1.500 kg”.

Như vậy, loại xe ô tô vận tải có trọng lượng dưới 1,25 tấn được nhắc đến trong Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND của TP. Hà Nội chiếu theo Quy chuẩn 41 thì được xếp vào loại xe con và không bị hạn chế thời gian hoạt động.

Quyết định 06/2013 của UBND TP. Hà Nội có một số nội dung mâu thuẫn với Quy chuẩn 41:2016/BGTVT

Trao đổi với báo Gia đình và Xã hội, một lãnh đạo cấp đội thuộc Phòng CSGT – Công an TP. Hà Nội cho biết: “Quyết định 06/2013 của UBND TP Hà Nội thực tế là không thể áp dụng để xử phạt các loại xe vi phạm quyết định này được.

Bởi lẽ, CSGT phải lập biên bản phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ hoặc theo hệ thống biển báo giao thông. Chỉ các loại xe vi phạm Nghị định 46 hoặc vi phạm biển báo giao thông thì mới có thể xử phạt. Trong khi đó, Quyết định 06 thì không được thể hiện trên biển báo”.

Vị này cũng cho biết thêm, vì Quy chuẩn 41 định nghĩa xe ô tô con là “xe ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg” nên khi các loại xe tải nhẹ dưới 1,25 tấn đi vào nội đô trong giờ cấm theo Quyết định 06 thì cũng khó có thể xử lý được nếu tài xế đem Quy chuẩn 41 ra để tranh luận.

Một chiến sĩ CSGT công tác tại phòng PC67 – Công an TP. Hà Nội thường xuyên phải làm nhiệm vụ ở một số điểm đen ùn tắc giao thông thì lại bày tỏ sự lo ngại về một số vấn đề nan giải khác khi Quyết định 06/2013 của UBND TP. Hà Nội được áp dụng.

Theo chiến sĩ này, nếu cấm loại xe tải nhẹ chở hàng hóa lưu thông vào các khung giờ ban ngày thì vô hình chung đã tạo ra một cú hích cho các loại xe 3 bánh tự chế phát triển ồ ạt để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa không thể thiếu trong cuộc sống người dân.

Xe 3 bánh tự chế để chở hàng trong nội đô Hà Nội phát triển ồ ạt gây ra nhiều bất ổn giao thông khi xe tải nhẹ bị hạn chế hoạt động ban ngày bởi Quyết định 06/2013.

Tại cuộc họp sơ kết 3 ngày thực hiện Kế hoạch tổng điều tra cơ bản, kiểm tra xử lý vi phạm của các phương tiện quá tải, quá khổ; xe 3 - 4 bánh tự sản xuất, lắp ráp lấy danh nghĩa là xe thương binh, bệnh binh, người khuyết tật hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT - Công an TP Hà Nội cho biết, cơ quan này mới chỉ cấp phép cho khoảng 30 xe 3 bánh cho thương binh làm phương tiện đi lại nhưng tại Hà Nội lại đang có rất nhiều loại phương tiện xe 3 bánh lưu thông trên đường mỗi ngày.

Và đây mới là một trong những phương tiện gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến phố và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông khi người lái chạy ẩu, chở cồng kềnh và thường xuyên vi phạm các quy định về giao thông đường bộ.

Vì vậy, để Quyết định 06 đi vào được thực tế và giảm thiểu những mặt trái có thể nảy sinh, đề nghị UBND TP. Hà Nội và các cơ quan hữu trách xem xét, nghiên cứu lại một số vấn đề bất cập của Quyết định để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân, góp phần cải cách thủ tục hành chính đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm PV

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhieu-bat-cap-trong-1-quyet-dinh-khien-huyet-mach-van-tai-hang-hoa-o-thu-do-bi-bop-nghet-20170912194659272.htm