Nhiều bất cập trong phòng cháy, chữa cháy

Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực khi việc rà soát, kiểm tra và kinh phí cho lĩnh vực này được tăng cường, ý thức của cộng đồng được nâng lên. Tuy nhiên, nguy cơ cháy, nổ vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, trong khi việc thực hiện còn không ít vướng mắc, khó khăn, đòi hỏi quyết tâm cao từ các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý cho đến mỗi người dân.

Thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND (ngày 4-7-2017) quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực, ngày 7-8-2017, UBND thành phố ban hành Kế hoạch 183/KH-UBND thành phố, cụ thể hóa các nội dung. Theo Kế hoạch 183, quý III-2017, các đơn vị xây dựng kế hoạch, hoàn thành việc điều tra, khảo sát, thống kê, phân loại, lập danh sách cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết. Trong quý IV-2017 hoàn thành việc khảo sát, lập khái toán kinh phí thực hiện theo quy định, từ quý I-2018 đến quý IV-2020 phê duyệt kinh phí và tổ chức thực hiện biện pháp khắc phục các nội dung tồn tại. Việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện sẽ được tiến hành vào quý IV-2020. Lộ trình là vậy, song sau hơn một năm triển khai, tiến độ thực hiện đang bị chậm vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tại quận Thanh Xuân, qua rà soát đã xác định được 143 cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND không bảo đảm yêu cầu về PCCC, như không bảo đảm về mặt bằng công năng sử dụng, giao thông, nguồn nước, khoảng cách an toàn, lối thoát nạn, ngăn cháy lan, trang bị phương tiện. Việc phân loại các công trình theo nguồn vốn cũng được triển khai, song đến nay cả 143 cơ sở mới chỉ xây dựng kế hoạch thực hiện, chưa khảo sát lập hồ sơ khái toán kinh phí, chưa trình duyệt hồ sơ thiết kế bổ sung về PCCC mà theo kế hoạch, các đơn vị phải thực hiện trong năm 2017. Nguyên nhân chính được đưa ra là do nhiều đơn vị gặp khó khăn về kinh phí.

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Bùi Thanh Bình cho biết, nhiều cơ sở còn lúng túng trong khảo sát, xây dựng phương án khắc phục những thiếu sót trong công tác PCCC, việc lập hồ sơ, khái toán kinh phí khắc phục của các chủ đầu tư còn chậm. Theo kế hoạch, trong năm 2017 phải khắc phục xong, nhưng đến nay vẫn còn 31 trong tổng số 53 cơ sở chưa thực hiện xong.

Còn tại Sở Công thương, đơn vị quản lý hàng trăm chợ lớn, nhỏ trên địa bàn, đang tồn tại thực tế cán bộ quản lý công tác PCCC của Sở và các đơn vị trực thuộc không có nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực này. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động trực tiếp liên quan chưa nhận thức đúng tầm về công tác PCCC. Kinh phí đầu tư cho PCCC lớn, chưa có cơ chế tài chính cho việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo các chợ do Nhà nước quản lý, nhất là các chợ đã xuống cấp nghiêm trọng chưa bảo đảm điều kiện PCCC, cho nên công tác quản lý còn không ít bất cập. Đó là chưa kể đến hiện tượng lấn chiếm đường, tận dụng các diện tích khác trong chợ để bố trí quầy hàng, dẫn đến không bảo đảm khoảng cách giữa các quầy, hoặc nhà dân sát với chợ, gây cản trở việc PCCC.

Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.147 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực, tăng 555 cơ sở so với giai đoạn khảo sát bước đầu. Đáng chú ý, trong đó có 347 cơ sở trường học; 372 nhà chung cư, nhà tập thể, nhà cho thuê để ở; 198 xưởng sản xuất, kho chứa hàng hóa; 29 bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh; 29 chợ; 18 công trình công cộng, tập trung đông người; 11 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách; 8 cửa hàng kinh doanh xăng dầu...

Trong đợt giám sát, khảo sát thực tế của Ban Pháp chế HĐND thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, phần lớn các đơn vị đang gặp lúng túng trong khảo sát, xây dựng phương án khắc phục những thiếu sót trong công tác PCCC, nhất là vấn đề lập hồ sơ, khái toán kinh phí; còn tình trạng bỏ lọt các cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, một số nội dung, yêu cầu cần thực hiện đối với cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết để đáp ứng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định hiện hành rất cao, khó thực hiện, cần phải có ý kiến của cơ quan bộ, ngành T.Ư, nhất là những nội dung liên quan đến kiến trúc, kết cấu công trình. Đoàn giám sát cũng chỉ ra, có rất nhiều cách khắc phục ngay những bất cập trong công tác PCCC mà không cần quá nhiều kinh phí nhưng nhiều địa phương, cơ sở chưa làm. Đó là trang bị bình bọt, hệ thống điện, chuông báo cháy, và nhất là giải tỏa ngay những vi phạm lấn chiếm lối thoát hiểm các chợ, khu nhà tập thể cũ. Dù trung bình mỗi năm trên địa bàn Thủ đô xảy ra khoảng 900 vụ cháy, nhưng nhiều đơn vị lại chưa quan tâm đúng mức công tác này. Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội, các huyện Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên phải đôn đốc nhiều lần trong xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác, báo cáo.

Thời gian qua, thành phố đã tiến hành công khai các chung cư, chủ đầu tư có vi phạm về PCCC. Thiết nghĩ, thành phố cần có thêm những biện pháp "mạnh" hơn đối với công tác này, lựa chọn công trình trọng yếu, có nguy cơ cao để có biện pháp giải quyết trước, xử lý nghiêm đơn vị vi phạm, cố tình chây ỳ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37674202-nhieu-bat-cap-trong-phong-chay-chua-chay.html