Nhiều bất cập trong vận hành hồ chứa

Lưới trạm đo mưa đang thiếu, dự báo lũ về hồ chưa chính xác do dự báo chưa chính xác lượng mưa

Sáng 29-11, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Công Thương phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị nâng cao hiệu quả phòng chống lũ các hồ chứa tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Chưa đáp ứng dự báo lũ

Tại hội nghị, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) - khẳng định công tác vận hành hồ chứa trong những năm qua đã phát huy hiệu quả trong việc cắt lũ tiểu mãn, lũ sớm và lũ chính vụ. Các chủ hồ đã tuân thủ chấp hành các quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa.

Lũ ở vùng hạ du tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2017 Ảnh: QUANG TÁM

Lũ ở vùng hạ du tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2017 Ảnh: QUANG TÁM

Tuy nhiên, ông Hoài cho biết còn một số tồn tại như lưới trạm đo mưa đang thiếu, đặc biệt ở vùng thượng lưu nên chưa đáp ứng yêu cầu tính toán dự báo lũ; công tác dự báo lũ về hồ chưa chính xác do chưa dự báo chính xác lượng mưa và thiếu trạm quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu chưa thống nhất, còn sai lệch. Vì thế, việc ban hành lệnh vận hành điều tiết giảm lũ cho hạ du còn bị động.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, những năm gần đây, việc xây dựng và đưa vào vận hành các hồ chứa thuộc khu vực Trung Bộ - Tây Nguyên đã ảnh hưởng rất lớn đến chế độ thủy văn trên sông, phá vỡ quy luật tự nhiên. Do vậy, việc dự báo thủy văn nói chung và dự báo phục vụ quy trình vận hành hồ chứa gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2018, các hồ chứa trên các lưu vực sông khu vực này, trong quy trình liên hồ, việc chuyển thông tin hồ chứa về Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn nhiều hồ còn chậm, một số hồ nhiều ngày không chuyển thông tin. Vì vậy, khi có lũ vẫn xảy ra tình trạng thiếu hoặc chậm thông tin phục vụ dự báo thủy văn. Mặt khác, các thông tin thu thập được chưa thống nhất về định dạng do nhiều đơn vị khác nhau cung cấp, chưa có đơn vị tổng hợp nên mất rất nhiều thời gian của các dự báo viên trong quá trình dự báo nghiệp vụ, đặc biệt khi có diễn biến thời tiết thủy văn nguy hiểm xảy ra.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết ngoài bất cập trong dự báo, cảnh báo mưa lũ về hồ thì một số quy định trong đó chưa linh hoạt. Việc thực hiện vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ phải dựa trên số liệu dự báo mưa và tổng lượng lũ về hồ để tính toán vận hành hạ mực nước hồ về cao trình phù hợp để đón lũ. Quy trình quy định giá trị mực nước đón lũ cố định thì sẽ dẫn đến hai trường hợp: Nếu tổng lượng lũ về lớn thì dung tích đón lũ của hồ không bảo đảm giảm lũ cho hạ du, nếu nhỏ thì có khả năng thiếu nước cho mùa cạn năm sau. Ông Thanh nói cần có quy định thứ tự vận hành giữa các hồ với cấp lưu lượng cần điều tiết phù hợp nhằm giảm lũ cho hạ du.

"Quy trình chưa định nghĩa rõ các trường hợp, tình huống theo các cụm từ như trường hợp đặc biệt hay tình huống bất thường nên còn bị động trong công tác tham mưu ban hành lệnh vận hành đúng thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần lắp đặt thêm các trạm quan trắc ở các hồ chứa" - ông Thanh nói.

Xuống cấp, hư hỏng

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho hay tỉnh này có 38 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp nặng cần ưu tiên sửa chữa, nâng cấp.

Trong khi đó, tại tỉnh Gia Lai, đầu mùa mưa bão năm 2018 đã phát hiện nhiều hồ chứa xuống cấp, hư hỏng, chưa hoàn thành các thủ tục bảo đảm an toàn theo quy định. Trong đó, 8 hồ chứa thủy lợi đã xuống cấp cần được nâng cấp, 38 hồ chưa kiểm định an toàn hồ chứa, cắm mốc chỉ giới, một số hạng mục xuống cấp… Tại tỉnh Kon Tum cũng có nhiều hồ chứa xuống cấp, hư hỏng và UBND tỉnh này đã yêu cầu khắc phục ngay; xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho công trình; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi để có phương án sửa chữa, nâng cấp.

Nhiều hồ chứa ở Khánh Hòa cũng đang có nguy cơ mất an toàn do xuống cấp. Trong khi đó, các đơn vị quản lý hồ chứa đôi lúc chưa thực hiện đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt. Điển hình như đầu tháng 12-2016, Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa đã ra văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa chấn chỉnh việc vận hành điều tiết hồ chứa, do xả lũ không thông báo, không đúng theo thời gian thông báo…

Quy trình vận hành liên hồ có vấn đề

Cuối tháng 8, đầu tháng 9, nhiều nhà dân các huyện miền núi ở tỉnh Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông... bị cuốn trôi, ngập trong nước lũ. Nguyên nhân, một phần được xác định là do những bất hợp lý trong việc vận hành, xả lũ của các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Nậm Nơn và Khe Bố. Ông Vy Mỹ Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, cho biết nguyên nhân dẫn đến việc ngập lũ gây thiệt hại lớn trong đợt mưa lũ vừa qua là do quy trình vận hành liên hồ chưa thủy điện có vấn đề, việc tích nước và xả lũ không hợp lý. Các thủy điện phải có trách nhiệm chứ không thể cứ đổ lỗi việc gây ra những thiệt hại lớn khi xảy ra mưa lũ là do thiên tai.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết việc cao trình tích nước, xả lũ, vận hành liên hồ chứa của các thủy điện trên địa bàn Nghệ An thời gian qua bộc lộ một số bất cập nên sở này đang đề xuất rà soát, kiểm tra và đề nghị sửa đổi một số nội dung trong quá trình tích nước, xả lũ của các nhà máy thủy điện.

Đ.Ngọc

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhieu-bat-cap-trong-van-hanh-ho-chua-20181129220430727.htm