Nhiều bến tàu đầu tư lớn bỏ hoang tại Đà Nẵng

Sau 6 năm xây dựng, một số bến tàu du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn TP Đà Nẵng vào tình trạng chưa một lần đón chuyến tàu du lịch nào.

Cầu tàu du lịch Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.

Sau 6 năm xây dựng, một số bến tàu du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn TP Đà Nẵng ngày đêm chờ đón những chuyến tàu chở khách cập bến, nhưng vẫn vắng bóng.

Bến chờ nhưng tàu không ghé

Năm 2017, UBND TP Đà Nẵng ra quyết định ban hành kế hoạch đầu tư phát triển hành khách đường thủy nội địa và bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Theo đó, thành phố đã giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng triển khai thi công 3 cầu tàu gồm: K20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), Túy Loan (xã Hòa Phong) và Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang).

Sau khi có kế hoạch, các bến tàu lần lượt được xây dựng và hoàn thành đúng kế hoạch. Thế nhưng, 6 năm nay, các bến tàu trên rơi vào tình trạng chưa một lần đón chuyến tàu du lịch nào.

Khi có chủ trương xây dựng, nhiều người dân sống gần các bến tàu vui mừng, bởi có thể phát triển du lịch nhằm “thay da đổi thịt” quê hương. Nhưng đến nay, người dân vẫn ngày đêm trông ngóng các bến tàu sớm hoạt động để phát triển du lịch và hơn hết là tránh lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước đã bỏ ra xây dựng.

Có mặt tại bến tàu Túy Loan (xã Hòa Phong), phóng viên Báo GD&TĐ nhận thấy công trình đã hoàn thành nhưng bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Thậm chí, bến tàu được đầu tư kiên cố, tiền tỷ này đã trở thành nơi tập kết rác thải.

Kế đó, bến tàu tại Làng du lịch sinh thái thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cũng chung số phận “đắp chiếu” chờ tàu. So với bến tàu Túy Loan, khu vực này được xây dựng bề thế hơn, có hệ thống nhà chờ khang trang phục vụ đón khách. Dù chưa một lần sử dụng, nhưng các hạng mục trong nhà chờ đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng…

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đỗ Hữu Minh - chủ nhà Cổ tích Thiện Đường tại Làng du lịch sinh thái thôn Thái Lai - cho hay, khi có chủ trương xây dựng bến tàu phục vụ du lịch, người dân nơi đây rất vui.

Bởi có thể phát triển du lịch cộng đồng, kinh tế phát triển. Nhưng trái ngược với niềm vui đó, từ khi xây dựng bến tàu đến nay chưa có một chiếc tàu du lịch nào cập bến tàu. Hầu hết khách du lịch chỉ đi bằng đường bộ.

“Tiềm năng phát triển du lịch đường thủy ở đây rất lớn, nhưng chưa khai thác được. Bởi các chuyến tàu chở khách hiện nay có kích thước lớn, nhưng sông có nhiều cầu bắc qua thấp nên tàu không qua lọt. Vì thế bến tàu, nhà chờ không có khách là điều đương nhiên. Nếu muốn phát triển du lịch bằng đường thủy, thiết nghĩ phải có phương án di chuyển bằng tàu nhỏ mới có thể đi qua các cây cầu thấp được”, ông Minh chia sẻ.

Cầu tàu du lịch Làng sinh thái thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Cầu thấp chắn tàu lớn

Theo quan sát của phóng viên, tại các điểm du lịch đường sông huyện Hòa Vang có một số cây cầu thấp, khiến tàu du lịch cỡ lớn không thể qua được. Cụ thể, để tàu du lịch muốn cập bến tàu Túy Loan và Thái Lai thì phải đi qua sông Túy Loan.

Tuy nhiên, con sông này có 2 cây cầu là Túy Loan (cũ) và cầu Giăng. Hai cây cầu có độ cao tĩnh không là 3,5m. Trong khi đó, các tàu chở khách du lịch ở Đà Nẵng đều là tàu cỡ lớn, có chiều cao từ 4,5m, dẫn đến gặp khó trong quá trình di chuyển.

Ông Nguyễn Thúc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) - cho hay, sau khi được bàn giao các cầu tàu trên sông Túy Loan, huyện đã khảo sát du lịch đường thủy và thấy còn nhiều bất cập, khó khăn. Cụ thể, các tàu du lịch từ sông Hàn muốn lên các cầu tàu trên sẽ bị vướng bởi đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ, cầu Túy Loan (cũ) và cầu Giăng bắc qua sông Túy Loan.

Cầu Giăng (bên trái) và cầu Túy Loan cũ (bên phải) đều có độ cao tĩnh không là 3,5m dẫn đến việc nhiều tàu du lịch lớn không qua lọt.

Nhà chờ tại cầu tàu du lịch Làng sinh thái thôn Thái Lai cũng bắt đầu xuống cấp.

Nói về việc một số cây cầu thấp không đủ độ cao để tàu thuyền du lịch đi qua, đại diện UBND huyện Hòa Vang cho hay, đã có báo cáo gửi các sở, ngành của thành phố để xin ý kiến, phương án xử lý.

“Nhưng những cây cầu này đã có từ trước nên không thể phá đi xây lại. Nguyên nhân việc này là do trước đây các đơn vị khảo sát chưa kỹ, đánh giá chưa hết hiện trạng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang thông tin.

Đại diện UBND huyện Hòa Vang cũng chia sẻ thêm, để khai thác các bến tàu trên địa bàn, huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư tàu du lịch cỡ nhỏ để hình thành các tour du lịch đường thủy kết nối với các điểm du lịch địa phương.

“Từ đó du khách có thể đi bằng đường thủy và chiêm ngưỡng cảnh quan hai bên bờ sông, tham quan di tích đình làng Túy Loan, làng rau sạch Túy Loan, làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai… UBND huyện Hòa Vang cũng đã đầu tư kinh phí để thành lập và duy trì các câu lạc bộ Bài Chòi nhằm mục đích biểu diễn phục vụ du khách trong thời gian tới”, ông Dũng cho hay.

Hoàng Vinh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-ben-tau-dau-tu-lon-bo-hoang-tai-da-nang-post653552.html