Nhiều bệnh lý nguy hiểm khi trời nắng gắt

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nắng nóng mấy ngày vừa qua khiến người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ và người có sức đề kháng yếu dễ gặp phải các bệnh liên quan đến đường hô hấp; còn người cao tuổi dễ mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp. Thời tiết nắng nóng cũng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, hỏng, gây ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, khi thời tiết nắng nóng lên đến 39-40 độ C người dân cũng dễ gặp phải các bệnh liên quan tới da.

Chờ khám dưới cái nắng gay gắt của mùa hè khiến nhiều người rất mệt mỏi. Ảnh: DN

Không chủ quan với nắng, nóng

Theo các chuyên gia y tế, nắng nóng là thời điểm làm trẻ dễ bị nhiễm siêu vi dẫn đến sốt, phát ban, nôn ói, quấy khóc, bỏ ăn. Đặc biệt, trẻ thường hay mắc các bệnh như sởi, thủy đậu, tay chân miệng.

Bên cạnh đó, trong tiết trời nóng ẩm vi khuẩn dễ sinh sôi khiến thức ăn bị bẩn và ôi thiu nhanh, nếu không cẩn thận sẽ dễ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy. Chưa kể, trời quá nóng, hệ tiêu hóa cũng hoạt động kém đi nên gây chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, khiến cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống.

Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong những ngày nắng nóng vừa qua, số người già mắc bệnh mạn tính như huyết áp, tim mạch... đến khám cũng tăng từ 30% đến 50% trong những ngày nắng nóng.

Bên cạnh người cao tuổi, nhiều trẻ nhỏ cũng phải nhập viện vì nắng nóng. Đa số trẻ nhỏ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy có xu hướng gia tăng. Ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, thời tiết nắng nóng, không chỉ người già mà bệnh nhân mà trẻ nhỏ cũng có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm liên quan đến hô hấp, tiêu chảy, đuối nước, say nắng...

Đáng lo ngại, thời tiết nắng nóng sẽ làm gia tăng nguy cơ trẻ mắc viêm não. Đây là bệnh lý gây tử vong cao và là một trong những bệnh dịch mùa hè khiến các chuyên gia y tế hết sức lo ngại.

Nắng nóng cũng khiến các bệnh nhân mắc các bệnh về da tăng cao. Theo thống kê của các bác sỹ Bệnh viện Da liễu Trung ương, những ngày gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều ca dị ứng, phát ban, ngứa do ảnh hưởng của việc tiếp xúc lâu dưới trời nắng gắt.

Đáng chú ý, theo thông tin mà bệnh viện cung cấp, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam đến khám ở viện trong tình trạng “da cháy”. Trước đó, bệnh nhân kể có tắm biển vào đúng giữa trưa, lúc có cường độ ánh sáng cao nhất, khiến da bị tổn thương nặng, bị rát thâm trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, theo bác sỹ Hoàng Văn Tâm, Khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương, nếu tiếp xúc với ánh sáng thường xuyên, liên tục, kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da, đặc biệt là ung thư tế bào đáy.

"Trong ánh nắng chứa rất nhiều tia cực tím (UVA, UVB), còn gọi là tia tử ngoại khiến da bị tổn thương và dẫn đến ung thư da. Các tia cực tím của ánh nắng cũng gậy tổn thương da và đẩy nhanh tốc độ lão hóa và tăng sắc tố tối màu trên da, dẫn tới sạm da, nếp nhăn, khô da, nám da và tàn nhang trên da... Do đó, việc dùng kem chống nắng là biện pháp tốt để ngăn chặn tác hại của ánh nắng mặt trời" bác sỹ Tâm khuyến cáo.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế trời nắng, người dân cần chú ý để không bị say nắng (sốc nhiệt. Song nếu không may bị say nắng cần được điều trị cấp cứu. Bởi nếu không điều trị có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận và cơ. Tổn thương càng nặng nếu điều trị càng muộn, làm tăng nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng và tử vong.

Ngành Y tế khẩn cấp chống nắng cho bệnh nhân

Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao, ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Khi, Bệnh viện Bạch Mai nói, người dân nên mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10h đến 16h, nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần /giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.

“Người dân nên uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể", ông Dũng nói.

Còn theo bác sỹ Tâm, ngoài bôi kem chống nắng, nếu bắt buộc phải đi ra đường, người dân nên đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài chống nắng tốt, đeo kính chống nắng, khẩu trang… chống nóng.

Về phía Sở Y tế Hà Nội, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở, cơ quan này đã có văn bản yêu cầu các đơn vị rà soát, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị như bổ sung quạt, bạt che, đảm bảo đủ nước uống, nước sinh hoạt cho người bệnh. Có phương án giảm tải khu vực khám bệnh, nơi thu viện phí… giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện hạn chế tình trạng nằm ghép, với các khoa hồi sức, nhi, sản, phòng cấp cứu…phải có đủ quạt thông gió hoặc điều hòa nhiệt độ. Đồng thời, các đơn vị tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về sơ cấp cứu, xử lý các trường hợp say nắng, say nóng, các bệnh dịch thường gặp trong mùa nắng, nóng…

“Để phòng lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phân luồng, cách ly điều trị những trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm. Thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não mô cầu, tiêu chảy cấp… khiến cho số người mắc bệnh có thể gia tăng”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhieu-benh-ly-nguy-hiem-khi-troi-nang-gat.aspx