Nhiều bệnh nguy hiểm từ thuốc lá điện tử

Trào lưu hút TLĐT đang được giới trẻ hưởng ứng, nhất là đối tượng học sinh. Tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 ở Việt Nam là khoảng 3,5%. Ghi nhận tại các bệnh viện thời gian qua cũng cho thấy có nhiều thiếu niên bị ngộ độc sau khi sử dụng các sản phẩm TLĐT. Đáng lưu ý, thuốc lá điện tử cũng gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.

4 thiếu niên 15 tuổi, sau khi hút thuốc lá điện tử được đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh cấp cứu. Ảnh: Huyền Chi.

Gia tăng người trẻ hút TLĐT

Mới đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa tiếp nhận 2 nam sinh (đều 17 tuổi) nhập viện do có biểu hiện kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn do hút thuốc lá điện tử (TLĐT). Trước khi nhập viện khoảng 1 giờ, các nam sinh này có hút TLĐT và thấy nôn nao, bủn rủn tay chân, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cả hai nam sinh đều bị ngộ độc TLĐT.

BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết một nam sinh 20 tuổi vừa được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch hôn mê, suy hô hấp, mất ý thức sau khi hút TLĐT. Khai thác tiền sử, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc, ngộ độc với các chất có trong dung dịch TLĐT, điển hình như nicotine. Bệnh nhân được điều trị tích cực, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc an thần, chống phù não, chống co giật.

Trước đó, ngày 13/4, BS Trần Thị Hồng Ngân (Khoa Thận lọc máu - Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh) cho biết: 4 thiếu niên 15 tuổi, sau khi hút TLĐT thì rơi vào tình trạng choáng váng, bủn rủn tay chân, khó thở, nôn, được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Các em kể, trước vào viện một giờ đã hút TLĐT, không rõ loại và nguồn gốc cũng như số lượng đã hút, sau đó có cảm giác choáng váng, tức ngực, nôn. Bác sĩ chẩn đoán các em bị ngộ độc TLĐT…, xử trí truyền dịch, theo dõi và điều trị tại khoa Thận lọc máu.

Theo báo cáo của WHO, có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm TLĐT, trong đó, rất nhiều loại độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, trung tâm đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc nặng sau khi sử dụng các sản phẩm TLĐT. Các ca ngộ độc TLĐT đã và đang điều trị tại trung tâm đều bị rối loạn tâm thần, ảo giác, suy đa tạng... Đối tượng sử dụng hầu hết là người trẻ. Điển hình là mới đây một nam bệnh nhân (22 tuổi, ở Sơn La) sau 1 đêm thức khuya và hút nhiều TLĐT, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, bủn rủn chân tay, nôn, đau thắt ngực trái từng cơn và phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị ngộ độc chất kích thích có trong TLĐT.

Ngoài ra, nhiều trường hợp ngộ độc ma túy do sử dụng TLĐT phối trộn với ma túy đã được ghi nhận. Các ống dung dịch để sử dụng cho TLĐT được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng rõ về nồng độ nicotine. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, tăng mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính. Sử dụng TLĐT còn có thể gây ra những tổn thương ngoài ý muốn do pin TLĐT bị lỗi, có thể gây ra cháy nổ…

Theo kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020, tỷ lệ học sinh đang sử dụng TLĐT ở các lớp từ 8-12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Cũng theo kết quả khảo sát này, từ năm 2015 đến 2020, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở 34 tỉnh, thành phố đã tăng lên gấp 18 lần (từ 0,2% lên 3,6%). Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, TLĐT chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

Nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật

Theo BS Ngô Anh Vinh - Phó trưởng khoa sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương, TLĐT chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ có thể vật vã khó chịu khi sử dụng. Nicotine có thể gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện.

Về việc nhiều người cho rằng TLĐT không gây hại cho sức khỏe và có thể hỗ trợ cai thuốc lá truyền thống, PGS.TS Phan Thu Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: TLĐT không phải là sản phẩm có thể giúp cai thuốc lá. Nếu chưa bao giờ hút thuốc thì đừng thử vì TLĐT vẫn có chứa Nicotine và cũng sẽ gây nghiện. TLĐT hoạt động nhờ pin và tinh dầu. Loại tinh dầu này gồm chất lỏng nicotine được hòa tan trong nước và propylene glycol. Khi sử dụng, bộ cảm biến trong điếu thuốc sẽ kích hoạt làm cho điếu TLĐT hoạt động. Nó sẽ làm phần đầu của điếu thuốc nóng lên, đốt cháy lượng tinh dầu, tạo ra khói.

Theo nghiên cứu, trong khói TLĐT không có 4.000 hóa chất độc hại như thuốc lá đốt sợi thuốc, trong đó có CO (oxid carbon, là khí rất độc với lượng nhỏ), các chất gây ung thư (có nhóm benzopyren gây ung thư phổi, da, bàng quang). Riêng nicotin chính là chất gây nghiện và có hại cho tim mạch của người hút thuốc. Tinh dầu tạo mùi trong TLĐT, bao gồm cả những mùi được cho là hấp dẫn giới trẻ như kẹo bông, trái cây, bánh ngọt... Và kết quả đáng lo ngại là hơn 75% trong số này có chứa một loại hóa chất rất nguy hiểm có tên là diacetyl. Diacetyl được biết tới như một chất gây viêm phế quản tắc nghẽn, một chứng suy thoái chức năng không thể phục hồi. Trong số các hạt nhỏ và kim loại, người ta tìm thấy có cả kim loại nặng độc hại trong hơi khói của TLĐT như thiếc, nickel, chì và thủy ngân…

Còn BS Phan Thu Phương thì cho biết, người hít phải khói TLĐT thụ động cũng giống như người hút trực tiếp đều có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật. Nặng nề nhất như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày…

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, hiện không ít đối tượng đã lợi dụng xu hướng, thị hiếu của người sử dụng TLĐT, đặc biệt là giới trẻ để pha trộn chất ma túy vào tinh dầu TLĐT bán cho khách. BS Nguyễn Trung Nguyên nhận định: Trong TLĐT, kẻ xấu có thể cho nhiều loại ma túy thế hệ mới, dễ qua mặt cơ quan chức năng và tiếp cận tới giới trẻ. Đáng nói, ngoài nguy cơ tổn thương nặng tới sức khỏe như tổn thương tim mạch, tổn thương não khó phục hồi, trầm cảm, rối loạn tâm thần dẫn tới tự sát ở người sử dụng.

Trước những tác hại khôn lường từ TLĐT, Bộ Y tế vừa ký ban hành công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường truyền thông về tác hại của TLĐT, thuốc lá nung nóng, shisha. TLĐT, thuốc lá nung nóng, bên cạnh các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, còn nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác. Những sản phẩm này ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên, đồng thời gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.

THANH MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhieu-benh-nguy-hiem-tu-thuoc-la-dien-tu-5717779.html