Nhiều bệnh nhân phải đoạn chi vì loét bàn chân do đái tháo đường

Thống kê tại một số bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM cho thấy bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị tại đây có lúc lên đến 60% bị biến chứng loét bàn chân. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là phần lớn người bị bệnh đái tháo đường chỉ quan tâm đến những biến chứng về huyết áp, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, đục thủy tinh thể... mà không nghĩ đến bàn chân.

TS.BS Trần Quang Nam – Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) kiểm tra bàn chân ở một bệnh nhân bị đái tháo đường - Ảnh: N.P

Đoạn chi vì biến chứng đái tháo đường

Đái tháo đường được xem là một trong những “đại dịch” của nhân loại trong thế kỉ 21 vì nó gây ra cho người bệnh những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng loét chân, phải đoạn chi.

Hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM có khá nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng bàn chân đang điều trị tại đây trong tình trạng bàn chân bị loét khá nặng phải đoạn chi.

Bệnh nhân S. (56 tuổi) bị loét nhiễm trùng hoại tử bàn chân trái đến mức nhiễm trùng lộ xương, có nhiều giả mạc và mô hoại tử; tắc mạch máu chi dưới.

Bệnh nhân đã được các bác sĩ phẫu thuật bắt cầu mạch máu; cắt lọc vết thương. Sau đó được phẫu thuật xoay vạt da và tạo mõm cụt.

Đặc biệt, bệnh nhân N.T.L. (65 tuổi, quê ở Vĩnh Long) đang điều trị tại khoa Nội tiết cho biết ông bị đái tháo đường típ 2 đến nay đã 18 năm. Ban đầu, ông xuất hiện những triệu chứng mỏi chân, nặng chân, châm chích chân, đau bắp chân khi đi bộ khoảng 400m.

Sau đó 2 tuần, ngón thứ 5 bàn chân phải ông L. diễn biến hoại tử nặng và được chỉ định cắt bỏ khi nhập viện địa phương. Tuy nhiên, sau khi đoạn chi, tình trạng hoại tử chân của người bệnh không chấm dứt mà còn lan sang ngón chân 3 và 4 nên người nhà đã chuyển đến Bệnh viện Đai học Y Dược.

Chia sẻ về trường hợp này hôm 22.5, TS.BS Trần Quang Nam – Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) cho biết các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân L. bị nhiễm trùng hoại tử mỏm cụt kèm theo tắc động mạch vùng cẳng chân do xơ vữa động mạch.

“Bệnh nhân L. có biến chứng tắc mạch máu kèm theo vết loét, nhưng ban đầu tình trạng bệnh chưa được chẩn đoán đầy đủ và thiếu sự phối hợp điều trị từ các chuyên khoa nên việc cắt lọc ngón chân cũng không chấm dứt hoại tử”, bác sĩ Nam nói.

Để xử lý trường hợp trên, bác sĩ Nam cho biết bệnh viện đã triển khai qui trình điều trị phối hợp liên chuyên khoa đối với vấn đề bàn chân đái tháo đường. Trong đó, bác sĩ khoa Nội tiết lo kiểm soát đường huyết; bác sĩ khoa Lồng ngực - mạch máu lo nhiệm vụ tái thông mạch máu; bác sĩ chấn thương chỉnh hình kiểm tra vết loét...

“Chúng tôi đã thực hiện can thiệp tái thông động mạch bị tắc đưa máu tới nuôi bàn chân, sau đó cắt lọc mô và ngón chân hoại tử. Hiện sau 12 tuần chăm sóc và theo dõi, vết thương của bệnh nhân L. đã lành hoàn toàn”, bác sĩ Nam thông tin.

Có đến 60% bệnh nhân đái tháo đường bị loét bàn chân

Theo bác sĩ Nam, thống kê tại một số bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM như: Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115... những bệnh nhân đái tháo đường nhập viện có biến chứng loét bàn chân chiếm đến 20% đến 50%, thậm chí có thể lên đến 60%.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược, các bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng bàn chân thường là loét và nhiễm trùng nhưng lại đến rất trễ nên vết loét rất nặng, thiếu máu rất nặng gây nhiều khó khăn trong việc điều trị, chi phí tốn kém; thậm chí có trường hợp phải đoạn chi.

Theo bác sĩ Lê Thanh Phong – Khoa Lồng ngực- mạch máu vết loét do đái tháo đường thường có 3 biến chứng là biến chứng mạch máu, thần kinh và nhiễm trùng. Trong khi đó, cứ 2 người bị loét bàn chân đái tháo đường thì có 1 người cần tái thông động mạch để làm lành vết loét.

Bác sĩ Phong cho biết loét chân do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương. Nếu vết loét có tình trạng lan rộng nhanh, nhiễm trùng nặng làm mất chức năng bàn chân, gây nguy cơ hoại tử thì các bác sĩ buộc phải đoạn chi để đảm bảo tính mạng cho người bệnh.

Từ thực tế trên, các bác sĩ khuyến cáo để tránh biến chứng bàn chân, bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, có chế độ theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ và không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể, nhất là bị bỏng nước hay trầy xước.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa biến chân bàn chân, bệnh nhân tiểu đường phải chọn dép phù hợp; không nên đi chân đất; không ngâm chân vào các loại nước sẽ khiến da bị hở tạo điều kiện cho vi trùng xâm lấn; tập vận động bàn chân...

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/nhieu-benh-nhan-phai-doan-chi-vi-loet-ban-chan-do-dai-thao-duong-88607.html