Nhiều cách thưởng Tết

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực phòng, chống dịch của cả nước, nhiều DN thực hiện tốt hai nhiệm vụ (vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh), kịp thời xây dựng phương án thưởng để giữ chân người lao động (NLĐ).

Nhiều cách thưởng Tết

THẾ PHONG

Thứ Tư, 06-01-2021, 16:14

+ | Print

Nhiều doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động bằng hiện vật. Ảnh: HẢI AN

Nhiều doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động bằng hiện vật. Ảnh: HẢI AN

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực phòng, chống dịch của cả nước, nhiều DN thực hiện tốt hai nhiệm vụ (vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh), kịp thời xây dựng phương án thưởng để giữ chân người lao động (NLĐ).

Doanh nghiệp đều kêu khó

Trên địa bàn Hà Nội, theo báo cáo nhanh của 325 DN, đối với thưởng Tết Âm lịch năm 2021, mức bình quân: 3,8 triệu đồng/người. DN có mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người và DN có mức thưởng thấp nhất là 650 nghìn đồng/người.

Đối với khối DN dân doanh, thưởng Tết Âm lịch năm 2021 ở mức bình quân 4,2 triệu đồng/người. DN có mức thưởng cao nhất là 400 triệu đồng/người và DN có mức thưởng thấp nhất là 700 nghìn đồng/người. Đối với khối DN FDI: Thưởng Tết Âm lịch năm 2021 mức bình quân là 4,45 triệu đồng/người. DN có mức thưởng cao nhất là 280 triệu đồng/người và DN có mức thưởng thấp nhất là 750 nghìn đồng/người.

Tại TP Hồ Chí Minh, qua khảo sát 1.035 DN trên địa bàn sử dụng 140.000 lao động, kết quả cho thấy mức lương, thưởng Tết Âm lịch cao nhất là hơn 1,076 tỷ đồng/người, thuộc một DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở lĩnh vực cơ điện lạnh. Mức thưởng này vượt xa mức cao nhất của Tết Nguyên đán năm 2020 (800 triệu đồng/người). Mức thưởng bình quân là 8,8 triệu đồng, giảm 12% so năm 2019.

Qua khảo sát từ các DN ngành du lịch, hàng không, giao thông… rất nhiều DN kêu khó khăn. Ông Hoàng Nhân Chính, Tổng Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) nhận định: “Sau tác động của những làn sóng dịch Covid-19 nối tiếp nhau trong năm nay, hầu hết các DN lữ hành đã không còn nguồn lực để chi trả lương thưởng Tết cho NLĐ. Một số DN lữ hành đã có chính sách thưởng voucher nghỉ dưỡng làm quà tặng cho nhân viên, coi như động viên anh em”.

Với các hãng taxi, khi đề cập thưởng Tết, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nói ngắn gọn: “Năm nay rất khó khăn, nói gì tới thưởng Tết cho thêm buồn. Lương cho NLĐ chúng tôi phải nỗ lực lắm mới không phải nợ, nhưng đã phải trả chậm, nên chưa nghĩ gì tới thưởng Tết”. Theo ông Hùng, taxi truyền thống vốn đã chật vật cạnh tranh với taxi công nghệ, năm 2020 lại thêm dịch Covid-19, bao nhiêu nỗ lực phục hồi lại bị đánh tụt. Các DN taxi phải cắt giảm bớt đầu xe, doanh thu sụt giảm 60 - 70% so năm trước, bức tranh kinh doanh vận tải khách rất ảm đạm.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, do khó khăn vì đại dịch Covid-19, hãng này đã chủ động cắt giảm lương, thưởng của NLĐ trong suốt năm 2020. Với tình hình khó khăn kéo dài, dự kiến Vietnam Airlines sẽ không có thưởng Tết Nguyên đán 2021. Trước đó, hãng hàng không này đã nhiều lần phải điều chỉnh lương của lãnh đạo và NLĐ. Trong đó, riêng lương phi công giảm hơn 50% so năm 2019, từ 147 triệu đồng xuống còn bình quân 77 triệu đồng/tháng. Lương trung bình của tiếp viên, lao động mặt đất của hãng dự kiến cũng giảm lần lượt gần 48% và 44,5%, còn 13,8 triệu và 14 triệu đồng/tháng. Tổng số lao động của Vietnam Airlines cũng giảm hơn 1.600 người so năm 2019.

Thưởng Tết là văn hóa của doanh nghiệp

Bộ luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực từ năm 2021, trong đó quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.

Như vậy, từ năm 2021, thưởng Tết không nhất thiết phải bằng tiền, mà DN có thể thưởng NLĐ bằng hiện vật. Quy chế thưởng sẽ do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.

Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐ-TB&XH) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm nay yêu cầu các DN báo cáo thưởng Tết năm 2021 chậm hơn mọi năm. Và như vậy, dự kiến cuối tháng 1-2021, Bộ LĐ-TB&XH mới có thông tin tổng hợp đầy đủ về tình hình thưởng Tết tại các địa phương và các loại hình DN.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, năm 2021 thưởng Tết sẽ khó khăn hơn so nhiều năm trước đây, “khả năng để có tiền thưởng cao hơn năm ngoái là rất khó”. Tuy nhiên, ông Quảng đánh giá dù khó khăn nhưng tiền thưởng Tết hiện nay đã trở thành một văn hóa của DN. “Qua theo dõi hằng năm, chúng tôi nhận thấy rằng, người sử dụng lao động ngày càng coi thưởng Tết như là một điều kiện tất yếu để động viên NLĐ và giữ chân họ gắn bó lâu dài”.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thông tin, qua nắm tình hình chung, hiện nay hầu hết các DN bảo đảm được việc làm vẫn cơ bản duy trì tiền thưởng Tết theo mức trung bình, dù không tăng nhưng sẽ cố gắng ít nhất là một tháng tiền lương theo hợp đồng lao động hoặc tiền lương cơ bản. Bên cạnh đó, mặc dù dịch Covid-19 gây khó khăn chung cho nền kinh tế, song một số DN lại có hoạt động tốt hơn nên có cam kết sẽ thưởng cho NLĐ ở mức xứng đáng, tuy nhiên theo ông Quảng số này là không nhiều.

“Còn lại một số DN khó khăn thật sự do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 dẫn đến sản xuất đình đốn, NLĐ phải nghỉ việc hoặc việc làm không đầy đủ khiến tiền lương sụt giảm như: ngành dịch vụ, khách sạn, du lịch, vận tải… dù gặp khó khăn, nhưng chúng tôi được biết họ vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương và sẽ có một khoản để động viên NLĐ. Chúng tôi ghi nhận đây là nỗ lực rất lớn từ phía DN”, ông Quảng nói.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-thoisu/nhieu-cach-thuong-tet--630874/