Nhiều cầu thủ U21 bán độ: Không phát hiện 'giữ ghế'

Cơ quan chức năng Đồng Tháp không phát hiện có dấu hiệu lãnh đạo đứng sau vụ việc bán độ của đội U21.

Chiều ngày 24/3/2020, theo nguồn tin của Đất Việt, Sở VHTT&DL Đồng Tháp chưa hoàn thành văn bản giải trình, báo cáo theo đề nghị của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về việc nhiều cầu thủ trong đội U21 của tỉnh nhà liên quan tới việc bán độ trong mùa giải 2019.

"Văn bản giải trình này được giao cho phòng Thanh tra thực hiện, hiện chưa rõ cụ thể như nào" - nguồn tin cho biết.

Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt, một lãnh đạo Trung tâm thể dục thể thao Đồng Tháp cho biết, ngay sau khi nhận được đề nghị của VFF, đơn vị đã làm văn bản giải trình, báo cáo cơ quan chức năng trong tỉnh và VFF về sự việc.

Cầu thủ U21 Đồng Tháp (áo đỏ) trong trận hòa U21 Vĩnh Long 1-1 tại vòng loại giải U21 quốc gia ngày 19/6/2019 (Ảnh: VFF)

Cầu thủ U21 Đồng Tháp (áo đỏ) trong trận hòa U21 Vĩnh Long 1-1 tại vòng loại giải U21 quốc gia ngày 19/6/2019 (Ảnh: VFF)

Trong bản báo cáo của Trung tâm thể dục thể thao Đồng Tháp thể hiện nội dung, những chứng cứ cho thấy nhiều cầu thủ tài năng trong đội U21 Đồng Tháp nhận tiền để dàn xếp tỷ số trong trận hòa 1 - 1 giữa U21 Đồng Tháp và U21 Vĩnh Long tại giải U21 Quốc gia 2019 và 2 trận tại giải hạng Nhì quốc gia 2019 (được thuê để khoác áo CLB Gia Định).

Tổng số tiền cá cược nhóm cầu thủ U21 Đồng Tháp nhận từ 3 trận đấu nói trên là gần 220 triệu đồng, trong đó riêng trận hòa Vĩnh Long 1-1, nhóm cầu thủ U21 Đồng Tháp gồm 9 cầu thủ đá chính và 2 cầu thủ dự bị nhận về 133 triệu đồng.

Một cầu thủ khác của U21 Đồng Tháp (xin giấu tên) còn cho biết dù không tham gia cá cược nhưng cũng được chia 14 triệu đồng để không tiết lộ sự việc ra ngoài.

Tuy nhiên, không thấy có dấu hiệu của sự can thiệp của lãnh đạo quản lý lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao của tỉnh Đồng Tháp.

Chính vì thế, hiện tại cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp mới chỉ đưa ra hình thức xử phạt cho 11 cầu thủ liên quan. Trong đó, cầu thủ cầm đầu việc bán độ này là Huỳnh Văn Tiến (21 tuổi) nhưng chỉ bị phạt 5 triệu và nghỉ tập ở trung tâm 3 tháng.

Theo phó giám đốc Trung tâm TDTT Đồng Tháp Phạm Quốc Dũng, trước khi đưa ra mức xử phạt này, đơn vị đã tham khảo từ phía an ninh, quyết định xử lý ở góc độ lần đầu tiên sai phạm, có độ thành khẩn và xử lý theo tình người nhằm giúp các em có cơ hội quay đầu lại.

"Nếu kỷ luật hết 11 cầu thủ này thì 5-7 năm nữa Đồng Tháp chưa có lứa cầu thủ chơi ở Giải hạng nhất được. Ngoài ra, năm nay các em sẽ thi đấu Giải U21 quốc gia, lại đang ở độ chín của sự nghiệp, nên chúng tôi đặt mục tiêu giành thành tích cao hơn chiếc HCĐ ở giải 2019" - ông Dũng nói.

Ông Dũng nói: "Các cầu thủ khác khi Tiến đưa tiền thì cầm nên án phạt như vậy là được. Còn Tiến đúng là án nhẹ thật. Đáng lẽ phải treo giò 1-2 năm, nhưng treo giò 1 năm, tôi nghĩ Tiến sẽ không thể quay trở lại.

Chúng tôi bàn rất nhiều chuyện xử lý Tiến ra sao. Gia đình Tiến rất nghèo và em ấy là thu nhập chính. Ba mẹ Tiến lên trung tâm khóc lóc năn nỉ và cam kết sẽ không để con tiếp tục sai phạm. Vì thế, chúng tôi đã cho em ấy quay trở lại tập luyện vào tháng 12/2019".

Ngày 13/3/2020, Khi nói về việc bán độ ở các giải đấu của Việt Nam, cựu HLV Lê Thụy Hải rằng, câu chuyện bán độ trong bóng đá Việt Nam không chỉ đơn giản nằm ở khía cạnh đánh bóng thương hiệu cho một danh hiệu nào đó mà nó còn nằm ở góc độ quản lý, những người có địa vị trong xã hội, vì bệnh thành tích, vì muốn giữ cái ghế của mình mà tìm mọi cách để mua chuộc các cầu thủ.

"Các cháu đá ở giải trẻ thì tiêu cực chẳng kiếm được mấy đồng đâu. Bản thân các cháu có khi cũng muốn đá hết mình nhưng bị "người lớn" chỉ đạo, buộc phải đá dưới sức để có lợi ích cho một người lãnh đạo nào đó.

Đơn cử như một lãnh đạo mới lên nhậm chức, để thể hiện cái uy và năng lực của mình trong mắt người khác mà nảy sinh tiêu cực, sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua chuộc cầu thủ đội bóng khác để "lấy danh", từ đó bảo vệ cho cái ghế của mình.

Đó là sự thật tồn tại trong bóng đá Việt Nam từ trước đến nay. Điều này thường xảy ra ở các đội bóng địa phương, còn những CLB lớn, có sự đầu tư bài bản thì chẳng bao giờ họ làm thế vì việc phát triển đội bóng họ đã giao cho nhà đầu tư tự thu, tự chi, không bị áp lực bởi thành tích" - vị chuyên gia bóng đá cho biết.

Theo ông Hải, để giải quyết được bệnh thành tích, tiêu cực trong thể thao thì không còn cách nào khác là phải cải thiện từ đội ngũ cán bộ quản lý. Bởi tiêu cực không chỉ diễn ra trên sân cỏ, trong trận đấu có tiêu cực thì đó chỉ là bề nổi. Còn mặt chìm đằng sau đó là một bộ máy tiêu cực, hoạt động vì lợi ích cá nhân, vì cái "danh hão".

Nếu người nào ham thành tích, vì thành tích mà bất chấp thì cần phải loại ngay ra khỏi đội ngũ lãnh đạo.

"Muốn giáo dục được lớp trẻ thì trước tiên người lớn phải có đạo đức, nghiêm túc, thực tâm với sự phát triển bóng đá chứ không phải vì cái ghế của mình. Như thế chẳng khác nào, cái cây bị mục từ gốc thì ngọn có như thế nào cũng không thể sống được" - ông Hải lơ bày tỏ.

Ngọc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-thao/ben-le-tran-dau/nhieu-cau-thu-u21-ban-do-khong-phat-hien-giu-ghe-3399168/