Nhiều chỉ số về giáo dục tiểu học Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực

Nhiều chỉ số về giáo dục tiểu học của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN sau Singapore); tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN.

Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%

Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%

Nội dung này được đưa ra trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Bộ GD&ĐT.

Một số kết quả nổi bật khác của ngành Giáo dục giai đoạn 2014 – 2019 cũng được nêu trong báo cáo này.

Theo đó, giáo dục mầm non được quan tâm, nhất là chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đến tháng 6 năm 2019, có 713/713 đơn vị cấp huyện (100%) và 11.138/11.151 đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt 99,9%.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, bảo đảm yêu cầu giảm tải, giảm hàn lâm, gắn với thực tiễn; thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực, tăng cường hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh; hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi cử không nặng về kiểm tra kiến thức mà tập trung đánh giá sự phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Việc dạy và học ngoại ngữ được xã hội quan tâm hơn trước đây. Theo đánh giá của EF English Proficiency Index (EF EPI), trước năm 2014, chỉ so EF EPI của Việt Nam chưa ổn định, thuộc nhóm rất thấp (2011) hoặc thấp (2012), thì từ năm 2015 đến nay chỉ số này đã lọt nhóm trung bình. Năng lực tiếng Anh của học sinh lứa tuổi 15 khá cao (tương đương Bl) so với học sinh nhiều nước phát triển.

Giáo dục dân tộc được quan tâm. Năm 2013, có 242 trường phổ thông dân tộc nội trú và 687 trường phổ thông dân tộc bán trú. Đến năm 2019, có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú và 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú.

Cả nước, có 86,3% đơn vị cấp xã, 72% đơn vị cấp huyện và 37,25% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ người biết chữ độ tuổi (15-60) của toàn quốc là 97,85%; trong đó, tỷ lệ biết chữ của người dân tộc thiểu số là 93,7%...

Từ năm 2015 đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT đổi mới theo hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT cũng là căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ Kết quả đổi mới thi cơ bản đã thành công, giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; kết quả thi đảm bảo khách quan, công bằng, có độ tin cậy và minh bạch hơn cho thí sinh; đồng thời dần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ ở trường phổ thông và hiện tượng luyện thi tràn lan.

Hoạt động kiểm tra, đánh giá được đổi mới ở tất cả các cấp học, chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá phát triển năng lực người học.

Sau một thời gian kết quả “chững xuống”, trong 5 năm trở lại đây, sự đầu tư và các chính sách cho đào tạo tài năng được chú trọng hơn, do đó thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục duy trì ở mức cao. Đặc biệt, 3 năm gần đây (2017, 2018, 2019), các đội tuyển Olympic của nước ta đạt thành tích cao nhất từ trước tới nay, nhất là ở các môn Toán, Vật lí, Hóa học và Sinh học.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; đảm bảo tính tương thích với các bảng phân loại giáo dục chung của quốc tế của UNESCO.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam nhằm chuẩn hóa hệ thống năng lực đầu ra từ giáo dục quốc dân. Khung trình độ quốc gia này góp phần thúc đẩy hợp tác về giáo dục và công nhận trình độ người lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng.

Định kiến xã hội, sự phân biệt đối xử giữa cơ sở GD&ĐT công lập và ngoài công lập hoặc có vốn đầu tư nước ngoài giảm dần. Vấn đề tự chủ cho các trường ĐH được quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ. Chất lượng giáo dục đại học từng bước được thế giới công nhận thông qua các kết quả kiểm định chất lượng và xếp hạng ĐH.

Năm 2015, đã thành lập được 5 Trung tâm Kiểm định chất lượng GD&ĐT. Cho đến nay, 117 cơ sở giáo dục ĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng bởi các tố chức kiểm định trong nước và 6 cơ sở giáo dục ĐH được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH Pháp (HCERES) và Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AƯN-QA). Ngoài ra, nhiều chương trình đào tạo đã được các tổ chức kiểm định trong nước và quốc tế đánh giá, công nhận. Tỷ lệ giảng viên ĐH đạt chuẩn (có học vị từ thạc sĩ trở lên) tăng mạnh.

Kết quả này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và nhiệm vụ chính trị của ngành Giáo dục nói riêng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhieu-chi-so-ve-giao-duc-tieu-hoc-viet-nam-duoc-danh-gia-cao-trong-khu-vuc-4051388-v.html