Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11-2018

Ðầu tháng 11- 2018, hàng loạt quy định mới có hiệu lực. Những quy định này liên quan đến các lĩnh vực: quy trình thu hồi xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thời gian cấp phép chứng thực chữ ký số, quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều…

Sản phẩm gạo được đóng container để xuất khẩu tại Cảng Tân Cảng-Cái Cui, TP Cần Thơ. Ảnh: T.N

Rút ngắn thời gian cấp phép chứng thực chữ ký số

Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 27-9-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Nghị định này quy định chi tiết về chữ ký số và chứng thư số; việc quản lý, cung cấp và sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Dịch vụ chứng thực chữ ký số là một loại hình dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cung cấp cho thuê bao để xác thực việc thuê bao là người đã ký số trên thông điệp dữ liệu. Dịch vụ chứng thực chữ ký số bao gồm: Tạo cặp khóa hoặc hỗ trợ tạo cặp khóa bao gồm khóa công khai và khóa bí mật cho thuê bao; Cấp, gia hạn, tạm dừng, phục hồi và thu hồi chứng thư số của thuê bao; Duy trì trực tuyến cơ sở dữ liệu về chứng thư số; Cung cấp thông tin cần thiết để giúp chứng thực chữ ký số của thuê bao đã ký số trên thông điệp dữ liệu.

Thời gian thẩm tra hồ sơ và cấp phép chứng thực chữ ký số được rút ngắn từ 60 ngày xuống còn 50 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp phép hợp lệ. Bên cạnh đó, điều kiện cấp chứng thư số cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng phải đảm bảo các điều kiện sau: Có giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp đang còn hiệu lực; hệ thống kỹ thuật thực tế đảm bảo theo đúng hồ sơ cấp phép; khóa công khai trên chứng thư số sẽ được cấp là duy nhất và cùng cặp với khóa bí mật của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đề nghị cấp chứng thư số. Nghị định có hiệu lực thi hành ngày 15-11-2018.

Thu hồi xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn

Ngày 1-11-2018, Thông tư số 23/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về việc thu hồi xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Y tế có hiệu lực thi hành. Thông tư quy định chi tiết hình thức, trình tự, trách nhiệm thu hồi và xử lý sau thu hồi đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Theo đó, Thông tư quy định cụ thể về 2 hình thức thu hồi là thu hồi tự nguyện và thu hồi bắt buộc.

Bên cạnh đó, sản phẩm phải thu hồi được xử lý theo một trong các hình thức sau: Khắc phục lỗi ghi nhãn, chuyển mục đích sử dụng, tái xuất, tiêu hủy. Trường hợp thu hồi tự nguyện, chủ sản phẩm tự lựa chọn áp dụng một trong các hình thức xử lý sản phẩm sau thu hồi. Trường hợp thu hồi bắt buộc, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thu hồi sản phẩm, cơ quan ra quyết định thu hồi phải có văn bản đồng ý với hình thức xử lý sản phẩm sau thu hồi do chủ sản phẩm đề xuất. Trường hợp không đồng ý với hình thức đề xuất của chủ sản phẩm, cơ quan ra quyết định thu hồi phải có văn bản nêu rõ lý do không đồng ý và đưa ra hình thức xử lý sau thu hồi để chủ sản phẩm áp dụng.

Bãi bỏ quy định cấp giấy phép nhập khẩu tự động xe gắn máy phân khối lớn từ 175cm3 trở lên

Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư số 27/2018/TT-BCT bãi bỏ quy định cấp giấy phép nhập khẩu tự động xe gắn máy phân khối lớn từ 175cm3 trở lên. Thông tư này sẽ bãi bỏ Thông tư số 06/2007/TT-BTM ngày 30-5-2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn việc nhập khẩu xe gắn máy phân khối lớn từ 175cm3 trở lên vì trước đây việc nhập khẩu mô tô phân khối lớn được thực hiện theo giấy phép nhập khẩu tự động của Bộ Thương mại và cấm nhập khẩu các loại mô tô đã qua sử dụng. Từ nay, thủ tục nhập khẩu xe gắn máy phân khối lớn từ 175cm3 trở lên được thực hiện tại cơ quan hải quan theo các quy định hiện hành. Thông tư này có hiệu lực ngày 5-11-2018.

Trách nhiệm của thương nhân đầu mối trong xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BCT ngày 1-10-2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Cụ thể: Luật quy định trách nhiệm của các thương nhân đầu mối trong cơ chế đầu mối luân phiên. Theo đó, thương nhân đầu mối ký kết hợp đồng tập trung theo cơ chế đầu mối luân phiên có trách nhiệm thực hiện 2/3 lượng gạo mà các thương nhân được phân giao nhưng không thực hiện hoặc trả lại. Bên cạnh đó, thương nhân đầu mối không ký kết hợp đồng tập trung theo cơ chế đầu mối luân phiên có trách nhiệm cùng thương nhân đầu mối ký kết hợp đồng tập trung và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xây dựng phương án giao dịch, dự thầu; phối hợp với thương nhân đầu mối ký kết hợp đồng tập trung theo dõi tình hình thị trường và các vấn đề liên quan đến đợt đấu thầu; trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam về phương án giao dịch, dự thầu; tham gia chuẩn bị nguồn hàng để thực hiện hợp đồng; cùng thương nhân đầu mối ký kết hợp đồng tập trung tổ chức thực hiện hợp đồng đã ký; thực hiện 1/3 lượng gạo mà các thương nhân được phân giao nhưng không thực hiện hoặc trả lại. Thông tư này có hiệu lực ngày 15-11-2018.

P.NGUYỄN (Tổng hợp)

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/nhieu-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-11-2018-a103383.html