Nhiều chính sách mới đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trong phiên thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, giải trình trước Quốc hội các nội dung liên quan đến thực trạng kinh tế - xã hội, các chủ trương, giải pháp lớn về đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, chủ trương là nhất quán, kết quả đạt được đáng ghi nhận. Trong giai đoạn 2016-2020, Đảng, Nhà nước tiếp tục có nhiều chính sách, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Đỗ Văn Chiến: Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta gồm 5.259 xã, ở 457 huyện, thuộc 52 tỉnh, thành phố, với 13,4 triệu người, sinh sống chủ yếu ở nơi khó khăn nhất, địa hình chia cắt, giao thông cách trở, đất rộng, người thưa. Hiện có 2.400 xã, 3.100 thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn. Cụ thể, dù rất cố gắng nhưng giai đoạn 2011-2015, ngoài Chương trình 135 bố trí đủ vốn (16.762 tỷ đồng), các chính sách còn lại chỉ cân đối được 7.557 tỷ/14.615 tỷ theo đề án được phê duyệt, tương ứng 51,7%.

“Tuy còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta cũng phải khẳng định, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi’ - Đồng chí Chiến khẳng định và đánh giá, kết quả của công tác dân tộc, so với yêu cầu chưa đạt, song vùng dân tộc thiểu số đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, Nhà nước đã đầu tư định canh, định cư cho 30.000 hộ; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho 12.000 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề 7.000 hộ; 80 xã, 372 thôn, bản đã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% năm 2011 xuống còn 16,8% cuối năm 2015.

Qua tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015, Ủy ban Dân tộc đã chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và đã tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế theo hướng chuyển từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình sang hỗ trợ cho cộng đồng, tạo sinh kế nhằm khắc phục tình trạng không hộ nào muốn thoát nghèo; từ việc cho không sang cho vay với lãi suất ưu đãi để khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; từ hỗ trợ lâu dài sang hỗ trợ có điều kiện (hỗ trợ từ 3-5 năm và phải cam kết thoát nghèo còn với những hộ già cả, không còn sức lao động, không nơi nương tựa, hộ tàn tật,... được chuyển sang hưởng chính sách xã hội.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách rất quan trọng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi với mục tiêu thực hiện tốt chủ trương, giải pháp lớn về đại đoàn kết các dân tộc, quan tâm đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.

Trong đó, nhóm chính sách chung bao gồm, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với yêu cầu phân bổ nguồn lực cho vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi phải được ưu tiên cao hơn 2-4 lần so với nơi khác; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó, vùng dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng Dự án hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo 30a (tổng vốn 18.745 tỷ đồng) và Dự án Chương trình 135 với 3 hợp phần (tăng 1 hợp phần so với giai đoạn 2011-2015) với số vốn kế hoạch 15.936 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách đặc thù, trong đó, đáng chú ý là các chính sách: Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020; Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025, trong đó hỗ trợ trực tiếp cho 12 dân tộc rất ít người ở 194 thôn, bản thuộc 93 xã ở 37 huyện của 12 tỉnh với vốn kế hoạch 1.800 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, tập trung hỗ trợ gạo, tiền ăn, tiền thuê chỗ ở, tiền thuê người nấu ăn cho các em.

Đặc biệt, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bố trí 6.000 tỷ đồng đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học, chủ yếu cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài các chính sách trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Chính phủ cũng đã ban hành chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025 và một số chính sách khác đã được các Bộ, ngành đã thống nhất trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-chinh-sach-moi-doi-voi-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-78017.html