Nhiều chính sách sẽ sớm được sửa đổi, thay thế Nghị định 67

Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP nhằm xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó có nội dung hỗ trợ ngư dân.

Sớm gỡ khó cho “tàu 67”

Thông tin trên đã được các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận thông tin đến ngư dân trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại các địa phương như Mũi Né, Phú Quý, Tuy Phong… Năm 2016, nhiều con “tàu 67” vỏ gỗ lẫn vỏ thép trị giá hàng tỷ đồng bề thế được hạ thủy, vươn khơi mang theo bao hy vọng của bà con ngư dân vừa khai thác thủy sản vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo và sớm trả nợ ngân hàng. Thế nhưng, thời tiết, ngư trường ngày càng cạn kiệt, thêm vào đó, giá nhiên liệu leo thang, giá thủy sản lao dốc khiến nhiều chủ “tàu 67” làm ăn không hiệu quả, buộc phải nằm bờ và dẫn đến nợ xấu ngân hàng kéo dài đến nay.

Tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Quý.

Tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Quý.

Toàn tỉnh Bình Thuận đã thực hiện đóng mới 114 “tàu 67” và nâng cấp, cải hoán được 6 chiếc, trong đó huyện đảo Phú Quý chiếm số lượng nhiều nhất, với hơn 100 chiếc. Trong số tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 chỉ có 13 trường hợp thực hiện trả nợ đúng hợp đồng tín dụng, 16 tàu hiện nằm bờ dừng hoạt động và có đến 67 tàu hoạt động không hiệu quả, phải cơ cấu nợ nhiều lần. Chi nhánh Ngân hàng Agribank Bình Thuận là ngân hàng thương mại duy nhất thực hiện cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Agribank Bình Thuận, số tiền cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 lũy kế từ đầu chương trình hơn 1.000 tỷ đồng. Số tiền thu nợ gốc lũy kế từ đầu chương trình đến ngày 31/12/2023 là 182,4 tỷ đồng (gồm thu nợ từ bảo hiểm đền bù thiệt hại do tai nạn cháy, chìm tàu là 48,1 tỷ đồng; thu nợ từ khách hàng trả nợ là 134,3 tỷ đồng, trong đó có 3 tàu đã trả hết nợ vay với số tiền 10,5 tỷ đồng).

Toàn huyện Phú Quý có hơn 100 chiếc “tàu 67”. Ảnh: N.Lân

Toàn huyện Phú Quý có hơn 100 chiếc “tàu 67”. Ảnh: N.Lân

Trước tình cảnh trên, ngư dân Bình Thuận đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Trong đó, có quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay. Ngoài ra, cần quan tâm hỗ trợ đối với trường hợp ngư dân khó khăn, không còn nhà ở sau khi bị kê biên, thu hồi nhà, đất để trả nợ ngân hàng vì không có khả năng trả nợ sau khi vay vốn đóng “tàu 67”. Đề nghị tỉnh quan tâm có ý kiến với các ngân hàng, có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để giảm bớt khốn khó cho người dân.

Bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận thông tin đến cử tri Mũi Né.

Bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận thông tin đến cử tri Mũi Né.

Sẽ có nghị định mới thay thế

Liên quan đến vấn đề này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã kiến nghị nhiều lần trong các kỳ họp trước. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Nghị định số 67 và xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, trong đó chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế để xử lý các khoản nợ vay. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của từng khách hàng vay vốn theo Nghị định 67; theo dõi nợ quá hạn, nợ xấu; tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để xác định rõ nguyên nhân chủ tàu chưa trả nợ vay đúng hạn, phân loại để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả đối với từng trường hợp. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng trong trường hợp ngư dân gặp khó khăn chưa trả được nợ vay khi đến hạn như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau; tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã phối hợp cùng địa phương hướng dẫn ngư dân tổ chức hoạt động sản xuất trên biển để nâng cao hiệu quả khai thác, đặc biệt là các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67.

Nghị định mới thay thế Nghị định 67 sẽ tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.

Nghị định mới thay thế Nghị định 67 sẽ tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67 trình Chính phủ ban hành. Trong đó, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hưởng hỗ trợ lãi suất cho vay để các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay; Có cơ chế cho phép chuyển nhượng tàu cá nhằm tháo gỡ các khoản vay nợ xấu; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép; Duy trì chính sách hỗ trợ bảo hiểm, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn. Dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67 đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Sau khi nghiên cứu, tiếp thu và giải trình ý kiến thẩm định, ngày 25/11/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có tờ trình báo cáo Chính phủ và tiếp tục hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Đây sẽ là chính sách góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản, trong đó sẽ khai thác kinh tế biển hiệu quả, bền vững theo định hướng bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học như Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nhieu-chinh-sach-se-som-duoc-sua-doi-thay-the-nghi-dinh-67-118931.html