Nhiều chủ đầu tư nhà chung cư đang xây dựng hệ thống PCCC để đối phó

Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiêp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nhiều chủ đầu tư lắp đặt hệ thống PCCC chỉ để đối phó khi nghiệm thu công trình, nên rất dễ xảy sự cố.

Đã có 13 người thiệt mạng cùng hơn 90 người bị thương trong vụ cháy nghiêm trọng chung cư Carina Plaza ở TP.HCM. Nguy cơ về hỏa hoạn thường xuất hiện ở các dự án chung cư trung cấp và thấp cấp xảy ra liên tiếp những năm gần đây, mà nguyên nhân do chủ đầu tư trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) chỉ mang tính đối phó.

Nguy cơ không chỉ có cháy mà còn nổ

Theo Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Như vậy, trong trường hợp xảy ra cháy nổ ngoài ý muốn, đơn vị bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường.

Hệ thống báo cháy không hoạt động tại thời điểm chung cư Carina Plaza xảy ra cháy nổ đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng với 13 người chết cùng hàng chục người bị thương. Ảnh: VNB.

Hệ thống báo cháy không hoạt động tại thời điểm chung cư Carina Plaza xảy ra cháy nổ đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng với 13 người chết cùng hàng chục người bị thương. Ảnh: VNB.

Tuy nhiên, Nghị định 130/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, thì trường hợp những thiệt hại do cố ý vi phạm những quy định về phòng cháy, chữa cháy sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thiệt hại. Khi đó, dựa theo Thông tư 02/2016/TT-BXD, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại theo thỏa thuận, hoặc theo quy định của pháp luật.

Đến ngày 15/04/2018 tới đây, Nghị định 130/2006/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực thi hành, và được thay thế bởi Nghị định 23/2018/NĐ-CP.

Nghị định 23/2018 cũng quy định chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Tuy nhiên, không ít chủ đầu tư đang bỏ qua trách nhiệm này, dẫn đến sự cố nghiêm trọng, mà vụ cháy chung cư Carina Plaza mới đây là điển hình.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng nhiều hội thảo về an toàn PCCC ở các dự án đã bị chủ đầu tư không quan tâm. Ảnh: Tiến Tuấn.

Chiều 23/3, chia sẻ với Zing.vn, lãnh đạo Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết đã tổ chức rất nhiều hội thảo, tọa đàm để bàn về vấn đề PCCC tại các dự án trên địa bàn, nhưng mức độ quan tâm của chủ đầu tư dường như không nhiều và cũng không coi trọng.

Hiệp hội cho biết với những vụ cháy cụ thể như Carina Plaza, chủ đầu tư là đơn vị cần phải nhận trách nhiệm đầu tiên, thứ hai là Ban quản trị chung cư, tiếp đó là đơn vị quản lý vận hành. Ngoài ra, trách nhiệm còn phải kể đến các cơ quan PCCC của địa phương.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, vụ cháy chung cư Carina mới là sự cố liên quan đến cháy, sắp tới nguy cơ sẽ còn nhiều hơn với các sự cố phát sinh liên quan tới nổ. Bởi rất nhiều dự án đưa vào sử dụng hệ thống gas trung tâm với hệ thống đường dẫn nhiên liệu đi vào từng căn hộ, thì mức độ rủi ro có thể lớn hơn.

Thiết bị PCCC chỉ hoạt động được khi nghiệm thu công trình!

HoREA cho rằng Luật nhà ở và Luật xây dựng vẫn còn thiếu các vấn đề về quản lý chung cư, trong khi tranh chấp ở chung cư ngày một leo thang. Vì vậy các vấn đề cấp bách liên quan đến tính mạng của người dân phải đưa vào luật, chứ không thể để ở hình thức văn bản dưới luật được.

Hiệp hội BĐS TP.HCM khẳng định nhiều dự án nhà chung cư đang có tình trạng chủ đầu tư trang bị thiết bị PCCC chỉ để đối phó khi bàn giao căn hộ. Ảnh minh họa: Lê Quân.

Ngay cả luật PCCC vẫn chỉ nói chung chung chứ chưa có các quy định chi tiết. Vì vậy vấn đề tranh chấp chung cư và phòng chống cháy nổ cần phải được luật hóa, để chủ đầu tư có trách nhiệm hơn.

“Hiện nay, chủ đầu tư đang rất thiếu trách nhiệm trong việc PCCC. Nhiều nơi trang bị các hệ thống và thiết bị rẻ tiền, thiếu chất lượng. Thậm chí trang bị để đối phó với chuyện nghiệm thu bàn giao căn hộ, khi nghiệm thu thì vận hành được, đến khi có sự cố thì không", ông Lê Hoàng Châu nói.

Toàn cảnh vụ cháy chung cư Carina Plaza khiến 13 người chết Vụ cháy bùng phát vào khoảng 1h30 sáng 23/3, khói bốc lên khiến nhiều người bị ngạt. Đây là vụ cháy nghiêm trọng nhất trong 15 năm qua ở Sài Gòn.

Trách nhiệm PCCC của chủ đầu tư phải đưa vào luật

Ông cho rằng trách nhiệm của chủ đầu tư cũng cần phải được thể hiện rõ, thông qua việc kiểm tra thường xuyên, xem hệ thống PCCC có hoạt đông hay không? Thiết bị PCCC phải thay đổi vật tư thường xuyên để đảm bảo hoạt động liên tục được. Nhưng đến nay phần lớn chủ đầu tư vẫn bỏ qua chuyện này.

Ngoài ra, người đứng đầu HoREA cũng kiến nghị các cơ quan PCCC phải đi kiểm tra an toàn cháy nổ thường xuyên trong dự án căn hộ. Một vấn đề nữa là diễn tập PCCC mới chỉ phần lớn lựa chọn các tòa nhà là trụ sở văn phòng, trong khi các khu dân cư nguy cơ cháy nổ cao thì lại rất ít khi thực hiện.

“Số lượng chung cư ngày một nhiều nên nếu các vấn đề này không được luật hóa rất khó để quản lý và nâng cao ý thức của chủ đầu tư và người dân. Nếu cần thiết phải đưa vào giáo dục ngoại khóa ở học đường về kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố trong chung cư, để hạn chế tối đa rủi ro", ông Châu nhấn mạnh.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhieu-chu-dau-tu-nha-chung-cu-dang-xay-dung-he-thong-pccc-de-doi-pho-post828612.html