Nhiều chuyển biến tích cực

Những ngày đầu năm, người dân khắp cả nước nô nức đi lễ hội. Ở Hà Nội, phủ Tây Hồ và Chùa Hương là hai trong số những danh lam thắng cảnh, địa điểm linh thiêng thu hút du khách. Theo ghi nhận của phóng viên, đã có nhiều chuyển biến tích cực tại các lễ hội này.

Đảm bảo an toàn cho du khách tại Chùa Hương

Sáng 29/1/2017, tức ngày mùng 2 Tết Đinh Dậu, Ban Tổ chức (BTC) lễ hội Chùa Hương đã tổ chức lễ ra quân phục vụ du khách. Lễ hội Chùa Hương năm nay, được huyện Mỹ Đức xác định là lễ hội “Kỷ cương, văn minh, du lịch” gắn liền với kỷ cương hành chính. Với chủ đề trên, BTC đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phục vụ lễ hội nâng cao ý thức, văn minh ứng xử đối với du khách.

Có thể nhận thấy nhiều chuyển biến tích cực tại lễ hội Chùa Hương năm nay. Các tuyến đường từ Tế Tiêu đi Hương Sơn được mở rộng, trang trí khẩu hiệu rực rỡ. Gần 5.000 thuyền, đò của xã Hương Sơn được sơn màu xanh, có đủ phao cứu sinh, giỏ đựng rác và vận chuyển khách đúng quy định của BTC. Lễ hội Chùa Hương 2017, BTC kiên quyết xử lý các xuồng máy gắn động cơ vận chuyển khách trên dòng suối Yến.

Lễ khai hội Chùa Hương.

Để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho du khách, ngày 31/1, tức ngày mùng 4 Tết, Công an huyện Mỹ Đức đã huy động 182 cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại các cổng, bến, trạm và trên toàn tuyến tại xã Hương Sơn. Lực lượng công an có trách nhiệm tuần tra, kiểm soát về an ninh trật tự, xử lý kịp thời tình trạng ép khách, ép giá, gây rối trật tự công cộng tại lễ hội. Bên cạnh đó, lực lượng Công an huyện Mỹ Đức tăng cường phối hợp với Công an huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Kim Bảng (Hà Nam) tập trung giải tỏa hành lang giao thông, đảm bảo hè thông, đường thoáng cho du khách về trẩy hội. Trong khu vực lễ hội, Công an huyện Mỹ Đức đã thành lập 18 tổ tuần tra. Kiên quyết xử lý tình trạng trộm cắp, móc túi, lừa đảo, mê tín dị đoan… Đặc biệt, công tác an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ được quan tâm chu đáo. Cán bộ, chiến sỹ công an liên tục tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt quy định của BTC. Các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ cũng lắng nghe những phản hồi của du khách để đề xuất hướng giải quyết với lãnh đạo công an huyện.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội Chùa Hương: Từ đầu lễ hội đến nay, BTC đã làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến Thành phố kiểm tra công tác quản lý, tổ chức. Các đoàn đều có biên bản làm việc, ghi nhận, biểu dương kết quả có sự chuyển biến tốt hơn các mùa lễ hội trước. Du khách tham gia chảy hội Chùa Hương đều có phản hồi đánh giá tích cực đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên dòng suối Yến, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh công cộng miễn phí, nâng cao chất lượng phục vụ và đúng tiêu chí “Lễ hội Kỷ cương, văn minh, du lịch”…

Nhiều điểm mới tại phủ Tây Hồ

Tại phủ Tây Hồ những ngày đầu năm, có thể thấy nhiều điểm mới trong công tác quản lý cũng như ý thức của nhân dân tham gia lễ hội. Theo quan sát của phóng viên, mặc dù rất đông người dân đi lễ nhưng ai cũng có ý thức, có văn hóa. Từ việc đốt nhang, sắp lễ, đứng khấn… cho đến trang phục ăn mặc đều thể hiện sự nghiêm túc tại chốn tâm linh. Theo ông Trương Tín Hồi, Phó trưởng Ban quản lý di tích phủ Tây Hồ: Mỗi ngày, phủ Tây Hồ đón khoảng 20.000 lượt khách thăm. Năm nay, bên cạnh việc tuyên truyền trên loa phát thanh, công khai dán ảnh số đối tượng trộm cắp, móc túi từng bị bắt để cảnh báo người dân, lực lượng cảnh sát hình sự được chỉ đạo tăng cường tuần tra bí mật, theo dõi, phát hiện các đối tượng nghi vấn qua hệ thống camera giám sát đặt ở nhiều nơi. Ngoài ra, để phòng chống cháy nổ, Ban quản lý yêu cầu nhân dân thắp hương, thắp nến, mang đồ mã, kinh sách đặt lên bàn thờ. Đồng thời nghiêm cấm việc lên đồng, hầu bóng, đốt mã, xóc thẻ, xem bói, bán sách mê tín dị đoan…

Một trong những điểm sáng đáng ghi nhận tại phủ Tây Hồ năm nay được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ là hoạt động trông, giữ xe miễn phí. Năm nay, lực lượng công an quận và đoàn thanh niên quận Tây Hồ căng người bố trí các kíp trực để hướng dẫn người dân gửi xe, không để xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ tại đường vào cũng như đường ra của phủ. Việc trông giữ xe miễn phí bắt đầu từ 23h ngày 30 Tết cho đến ngày mùng 6 Tết. Quận đoàn đã huy động thanh niên của 8 phường trong quận phối hợp với lực lượng công an quận và đoàn viên thanh niên của công an quận tiến hành trông, giữ xe cho người dân. Cùng với hoạt động trông xe miễn phí, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường… bên ngoài khu di tích phủ Tây Hồ đã mở đầu cho một năm lễ hội với nhiều thiện cảm đối với người dân.

Nhằm hạn chế đặt tiền lễ phản cảm tại các lễ, hội, thời gian qua Ban Quản lý một số chùa, đền, đình… đã có những hoạt động tuyên truyền, vận động du khách cũng như có nhiều hành động cụ thể làm giảm thiểu tối đa tình trạng trên.

Điển hình như, Ban quan lý thực hiện đặt hòm công đức, thường xuyên cử người thu gom tiền tại các ban lễ, phát loa kêu gọi người dân không vất tiền, dắt tiền vào tượng Phật… Cụ thể như ở chùa Hương, Ban quản lý đã đặt những bát lớn bằng đồng lên ban lễ để hạn chế tình trạng người dân đặt tiền lễ lên hoa quả, tượng Phật… Chính những hành động thiết thực, sát sao đã tác động lớn tới ý thức của những du khách về cửa chùa.

Về vấn đề này, TS Trần Văn Phương – Trưởng khoa quản lý Văn hóa (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: Việc đặt tiền chốn cửa Phật là một hoạt động mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam, việc làm này thể hiện lòng thành tâm của con người trước chốn cửa Phật. Tôi hoàn toàn ủng hộ và đánh giá rất cao động cơ, mục đích cũng như ý nghĩa nhân văn của hành động ấy. Tôi chỉ không thích cách người Việt thể hiện điều ấy trong sinh hoạt tâm linh.

Hồng Hải

Bên cạnh những tích cực trên, mặt trái tại các lễ hội vẫn tiếp tục diễn ra. Ngoài việc tranh nhau cướp lộc thì lợi dụng lễ hội một số hộ kinh doanh đã trục lợi du khách bằng các hình thức chặt chém. Điển hình như tại các bãi gửi xe xung quanh khu vực Tổ đình Phúc Khánh (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) nằm giáp danh phường Ngã Tư Sở những ngày này, hàng nghìn người dân đến thắp hương, vãn cảnh, kéo theo đó là nhu cầu gửi xe cũng tăng vọt. Một số nhà dân ở gần chùa Phúc Khánh tự ý mở các điểm trông giữ xe và thu 10.000 đồng/xe/lượt.

Trước thực trạng nêu trên, qua công tác kiểm tra ngày 2/2, Đoàn khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP Hà Nội và Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố phát hiện nhiều điểm trông giữ xe phát hành vé không đúng quy định, vi phạm quy định giá dịch vụ. Kiểm tra, khảo sát điểm trông giữ xe trên hè phố Lý Thường Kiệt (chùa Quán Sứ), đơn vị phụ trách bãi xe đã xuất trình giấy phép sử dụng tạm thời hè phố để trông giữ xe đạp - xe máy.

Tuy nhiên, bãi xe đã không tuân thủ đúng quy định quản lý nhà nước về giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy như: thu giá xe máy cao hơn quy định 7.000 đồng/xe máy; không có biển niêm yết, công khai giá; vé phát hành không đúng quy định. Tại điểm trông giữ xe của Công ty Thương mại Ngọc Liệp (bãi trông giữ xe quanh vỉa hè Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Thời điểm kiểm tra, người phụ trách bãi giữ xe đã xuất trình được giấy phép. Tuy nhiên, bãi đỗ xe không thực hiện nghiêm việc bảng niêm yết giá; thu cao hơn giá quy định 4.500 đồng/xe máy; vé phát hành không đúng quy định.

Tại các điểm kiểm tra, Đoàn khảo sát đã tiến hành lập biên bản ghi nhận tình hình, yêu cầu truy thu số tiền chênh lệch của các bãi trông xe thu cao hơn quy định và căn cứ các quy định của pháp luật để tiến hành xử phạt. Đoàn khảo sát yêu cầu các bãi trông giữ xe phải thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về giá dịch vụ trông giữ ô tô, xe máy, xe đạp và sẽ yêu cầu xử lý nghiêm nếu các bãi trông giữ xe tái phạm. Đồng thời, đề nghị Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các điểm vi phạm trong việc việc thu giá vé xe đạp, xe máy, ô tô không đúng quy định.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-48530-48530.html