Nhiều chuyên gia giao thông băn khoăn việc 'đẩy' bến xe ra khỏi nội đô

Việc đẩy bến xe ra xa trung tâm được cho là giảm mật độ xe ra vào thành phố, nhưng thực tế sẽ làm tăng đáng kể số lượng hành trình của hành khách từ trung tâm thành phố tới bến xe và ngược lại.

Quy hoạch bến xe khách chưa hợp lý?

Kinh doanh vận tải đường bộ hiện phát sinh nhiều bất cập và khó khăn là phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải tại hội thảo “Cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của DN vận tải, DN bến xe”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam vừa tổ chức.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, ngành GTVT được ví như mạch máu của cơ thể, có đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước. Nhưng iao thông đường bộ vẫn được xem là nút thắt của nền kinh tế, chi phí vận tải xếp mức cao so với khư vực, khả năng kết nối với đường sắt, dường hàng không, đường thủy còn kém…

Để đầu tư cho vận tải, không thể chỉ trông vào ngân sách mà cần xã hội hóa. Tuy nhiên, để kêu gọi người dân đầu tư thì chính sách phải ổn định, nhưng thực tế hiện nay, còn nhiều quy định pháp luật chưa bắt kịp thực tiễn, cần sửa đổi. Để có thể xây dựng được chính sách phù hợp, ông Tuấn cho rằng, rất cần sự tương tác chủ động của DN.

Bến xe Giáp Bát luôn tấp nập xe ra vào bến

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, vận tải ô tô có 3 mảng quan trọng là vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho vận tải. Trong đó, mảng dịch vụ phục vụ cho vận tải là bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ đang ít được đề cập tới.

Hiện, tình trạng xe dù, bến cóc lại xuất hiện, khó kiểm soát theo ông Thanh có nguyên nhân từ việc quy hoạch bến xe khách chưa hợp lý, các địa phương đều đẩy bến xe ra xa thành phố, chưa có biện pháp hữu hiệu trong kiểm tra giám sát và xử lỳ vi phạm, tâm lý hành khách ngại đến bến để đi xe…

Ông Thanh cho hay, các nước tiên tiến trên thế giới như Nga, Séc, Hàn Quốc, hay Trung Quốc, Thái Lan thì bến xe khách được xây dựng tại trung tâm thành phố và nhiều bến xe được xây dựng cao tầng với diện tích không thật lớn.

Phát triển hạ tầng giao thông phải là chiến lược quan tâm hàng đầu

Chủ tịch Hiệp hội Bến xe khách Việt Nam - ông Nguyễn Anh Dũng cho rằng, cơ chế quản lý bến xe cần phải sửa đổi, vì với thực trạng hiện nay DN bến xe chỉ tồn tại chứ không thể phát triển.

Theo ông Dũng, quy hoạch bến xe đang đặt ra nhiều vấn đề khi bến xe bị đưa ra ngoài thay vì ở trung tâm nội đô và thời hạn sử dụng chỉ 20 năm là bất hợp lý. Bởi, đầu tư bến xe là hạng mục đầu tư lớn, phải có đủ thời gian để DN thu hồi vốn và đạt lợi nhuận hợp lý thì mới thu hút được đầu tư.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên phụ trách công tác khách vận Vụ Vận tải, Bộ GTVT cũng nhìn nhận, việc đẩy bến xe ra xa trung tâm được cho là giảm mật độ xe ra vào thành phố, nhưng thực tế sẽ làm tăng đáng kể số lượng hành trình của hành khách từ trung tâm thành phố tới bến xe và ngược lại.

Nhiều DN vận tải cho rằng kinh doanh vận tải hiện gặp nhiều khó khăn

Theo ông Thủy, thành phố Hà Nội cần hình thành những cụm đầu mối giao thông tại các địa điểm khác nhau trong nội đô, mỗi cụm gồm các công trình như ga tàu, bến xe liên tỉnh, bến bus, bến metro, điểm đỗ taxi và phương tiện cá nhân, tạo sự kết nối, liên thông, trung chuyển thuận lợi cho hành khách.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cho rằng, Hà Nội phát triển, mở rộng di chuyển, xây dựng thêm bến xe là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên việc mở rộng di chuyển bến xe khách từ nội đô, gần vành đai 2 cũng xuất hiện một số hệ quả nhất định.

“Chuyển bến xe Kim Liên về bến xe Giáp Bát, giảm ùn tắc trên đường Trần Nhân Tông nhưng lại gây ùn tắc trên đường Giải Phóng. Chuyển bến Kim Mã về Mỹ Đình lại gây ùn tắc trên đường vành đai 3. Việc chuyển bến xe Bến Nứa về Gia Lâm làm giảm ùn tắc tại chợ Bắc Qua, nhưng lại xuất hiện nhiều bến dù trong nội đô”, ông Liên nói.

“Lập bến xe mới, di chuyển bến xe ra xa trung tâm có giảm ùn tắc ở một số điểm nhưng lại gây ùn tắc ở nơi khác, nó giống như chiếc xăm xe đạp bóp chỗ này, nó lại phình chỗ khác”, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội khẳng định.

Theo ông Liên, ùn tắc giao thông trước hết là do phương tiện cá nhân vượt quá năng lực hạ tầng giao thông. Do đó cần quan tâm phát triển hạ tầng giao thông (là chiến lược quan tâm hàng đầu); hạn chế phát triển phương tiện cá nhân; tổ chức điều hành hợp lý, khoa học; nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân; kiểm tra xử lý vi phạm giao thông phải công khai, minh bạch.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhieu-chuyen-gia-giao-thong-ban-khoan-viec-day-ben-xe-ra-khoi-noi-do-121498.html