Nhiều cơ hội để nam giới được làm cha

Việc phát triển các kỹ thuật thu tinh trùng cho những bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch được Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội (Viện MPLSQĐ – Trước đây là Trung tâm Công nghệ Phôi, Học viện Quân y) thực hiện thành công đã đem lại cơ hội làm cha cho nhiều nam giới. Đây cũng là 1 trong 3 trung tâm hỗ trợ sinh sản đầu tiên tại Việt Nam.

Theo Thượng tá, PGS, TS Trịnh Thế Sơn, Phó giám đốc Viện MPLSQĐ, tình trạng nam giới không có tinh trùng trong tinh dịch (Azoospermia) là rối loạn sinh tinh nặng nề nhất ở nam giới. Ước tính khoảng 10-20% bệnh nhân nam giới vô sinh ở nước ta được chẩn đoán là không có tinh trùng trong tinh dịch. Nguyên nhân gây nên tình trạng vô tinh khá đa dạng, nhưng tập trung ở 2 nhóm chính: Do tắc đường đi của tinh trùng hoặc không do tắc đường đi của tinh trùng. Qua nghiên cứu cho thấy, nam giới bị vô tinh do tắc chủ yếu từ bẩm sinh, viêm nhiễm đường sinh dục hoặc chấn thương. Còn vô sinh không do tắc lại chủ yếu là các bất thường về nhiễm sắc thể, rối loạn nội tiết, quai bị biến chứng, tiếp xúc với chất độc và kim loại nặng… Trước đây, nam giới vô tinh không thể có cơ hội làm cha, song hiện nay, nhờ tiến bộ mới trong y học, bệnh nhân vô tinh có thể có cơ hội có con của chính mình.

 Một ca phẫu thuật thu tinh trùng.

Một ca phẫu thuật thu tinh trùng.

Xuất phát từ thực tế và để chia sẻ, giúp đỡ người bệnh, thời gian qua, Viện MPLSQĐ đã tiên phong, trở thành một trong những trung tâm đi đầu về hỗ trợ sinh sản. Vượt qua khó khăn, đội ngũ lãnh đạo và các chuyên gia của viện luôn trăn trở, nghiên cứu, làm thế nào để giúp người bệnh không có tinh trùng trong tinh dịch có cơ hội làm cha sinh học. Dấu ấn đầu tiên là năm 2004, tại Học viện Quân y, nghiên cứu sinh Lê Văn Vệ cùng với các bác sĩ của Viện MPLSQĐ thực hiện kỹ thuật nối ống dẫn tinh, PESA, MESA và TESE trích xuất tinh hoàn từ mào tinh và tinh hoàn đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, PESA là kỹ thuật trích xuất tinh trùng từ mào tinh hoàn qua da mang lại hiệu quả cao, có thể thực hiện nhiều lần. MESA là kỹ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh bằng vi phẫu thuật, thực hiện bằng cách: Sau khi màng tinh hoàn mở ra, toàn bộ mào tinh được quan sát dưới kính vi phẫu 16-20 lần, sau đó mở mào tinh, hút dịch mào tinh và thu tinh trùng. Còn TESE là lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng phẫu thuật xẻ tinh hoàn, tinh hoàn được bộc lộ, các mẫu mô tinh hoàn sẽ được lấy ra, tách tìm tinh trùng. Đây là những kỹ thuật hết sức mới mẻ, do đó, đội ngũ chuyên môn đã mày mò, tìm tòi, nghiên cứu và thực hiện thành công quy trình kỹ thuật nối ống dẫn tinh, PESA, MESA và TESE mang lại niềm vui cho nhiều nam giới khi được làm cha.

Không dừng lại ở đó, với khao khát cống hiến cho nền y học nước nhà, năm 2010, Viện MPLSQĐ lại tiếp tục cử bác sĩ sang Đại học Munster (Đức), học hỏi kỹ thuật thực hiện tìm tinh trùng dưới kính vi phẫu (Micro TESE) và Thượng tá, PGS, TS Trịnh Thế Sơn là người được giao trọng trách đặc biệt trong lần này. Với sự cần cù, chăm chỉ của mình, anh đã được rất nhiều bác sĩ nước bạn mến mộ, ủng hộ. Trong đó có GS Stefan Schlatt, Giám đốc Trung tâm Nam học và Y học sinh sản thuộc Đại học Munster (nơi soạn và phát hành hướng dẫn tinh dịch đồ của WHO 2010) và Tổng thư ký Hội nam học thế giới, Phó tổng thư ký Hội nam khoa châu Âu, Đại học Munster truyền thụ kinh nghiệm, kỹ thuật Micro TESE cho ê-kip đến từ viện. “Phẫu thuật thu tinh trùng là kỹ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ cao, không những thế phải cần có cả một ê-kíp để làm toàn bộ các công đoạn, từ lúc phẫu thuật đến lúc tìm được tinh trùng trong la-bo thụ tinh ống nghiệm. Cũng là do cái duyên của nghề, tôi được đào tạo tại Đức, nơi mà nam khoa học phát triển ở trình độ cao và được người thầy của tôi là GS Stefan Schlatt, một trong những người rất có kinh nghiệm trong Micro TESE trực tiếp truyền dạy. Về Micro TESE, được thực hiện dưới kính vi phẫu phóng đại 20-40 lần, tìm các ống sinh tinh triển vọng đó là các ống cuộn nhiều, nằm độc lập, lớn, màu trắng đục. Kỹ thuật này làm tăng tỷ lệ thu tinh trùng, tăng số lượng tinh trùng thu được, giảm tới 70 lần mô tinh hoàn lấy ra và là kỹ thuật tân tiến nhất hiện nay”, Thượng tá, PGS, TS Trịnh Thế Sơn chia sẻ.

Thượng tá, PGS, TS Trịnh Thế Sơn (người đứng giữa) cùng các bác sĩ ở Đại học Munster (Đức).

Sau hàng loạt những khó khăn, năm 2012, Viện MPLSQĐ đã ghi dấu ấn trên bản đồ ngành y bằng việc làm ca Micro TESE đầu tiên ở Việt Nam. Từ đó đến nay, kỹ thuật này trở nên thường quy và hàng năm viện đều tiến hành không dưới 300 ca trích xuất tinh trùng cho nam giới vô tinh. Song song với đó, viện thực hiện chuyển giao quy trình kỹ thuật cho các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và cả nước.

Không dừng ở kỹ thuật, Viện MPLSQĐ đã phát triển, nghiên cứu sâu hơn với đề tài cấp Thành phố Hà Nội, đó là “Ứng dụng quy trình kỹ thuật Micro TESE để thu nhận tinh trùng từ tinh hoàn của bệnh nhân vô tinh không do tắc tại Hà Nội” do Thượng tá, PGS, TS Trịnh Thế Sơn làm chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm là PGS, TS Quản Hoàng Lâm, dự kiến nghiệm thu vào cuối năm 2019. Cùng với đó là luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Vũ Thu Trang với công trình “Nghiên cứu hình thái cấu trúc, siêu cấu trúc tinh trùng, mô tinh hoàn và hiệu quả thu tinh trùng ở bệnh nhân vô tinh không do tắc bằng Micro TESE”.

Với đặc thù riêng, việc làm chuyên môn kỹ thuật trong y học đã khó, song đem những kỹ thuật mới, tiên tiến về Việt Nam lại là bước đi khó hơn muôn lần. Và với đội ngũ những người thầy thuốc ở Viện MPLSQĐ, để gặt hái được những thành công ấy, không chỉ có mồ hôi, công sức, sự nhiệt huyết, tận tâm, mà đó còn là sự cống hiến hết mình cùng khát vọng cháy bỏng, đem lại niềm vui làm cha cho người bệnh cũng như đóng góp vào thành tựu của ngành y Việt Nam.

Với quan điểm luôn hết lòng vì người bệnh, làm những gì tốt nhất cho người bệnh, đội ngũ lãnh đạo gồm cố GS Trần Văn Hanh, PGS,TS Quản Hoàng Lâm cùng các bác sĩ giàu kinh nghiệm như GS Nguyễn Đình Tảo, PGS, TS Trịnh Thế Sơn, TS Nguyễn Thanh Tùng, TS Trịnh Quốc Thành, TS Đoàn Thị Hằng, TS Dương Đình Hiếu luôn luôn học hỏi, làm chủ kỹ thuật thu tinh trùng cho nam giới vô tinh.

Bài và ảnh: SƠN THÁI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/nhieu-co-hoi-de-nam-gioi-duoc-lam-cha-606171