Nhiều cơ hội học tập cho du học sinh về nước

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến việc học tập của một số du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đã bị ảnh hưởng. Trước tình hình nêu trên, nhiều gia đình có nguyện vọng chuyển con em về nước để tiếp tục học tập. Tuy nhiên, vấn đề tuyển sinh, công nhận tín chỉ, chất lượng các chương trình liên kết quốc tế của các trường đại học trong nước… đang là điều khiến phụ huynh và học sinh băn khoăn, lo lắng.

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến việc học tập của một số du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đã bị ảnh hưởng. Trước tình hình nêu trên, nhiều gia đình có nguyện vọng chuyển con em về nước để tiếp tục học tập. Tuy nhiên, vấn đề tuyển sinh, công nhận tín chỉ, chất lượng các chương trình liên kết quốc tế của các trường đại học trong nước… đang là điều khiến phụ huynh và học sinh băn khoăn, lo lắng.

Nắm bắt được tâm lý nêu trên, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học (ÐH) về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19. Theo đó, Bộ GD và ÐT đề nghị các trường xem xét, tiếp nhận các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, có đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Quá trình này cần phù hợp điều kiện tuyển sinh và năng lực đào tạo của trường. Người học được tiếp nhận phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến. Trưởng phòng Ðào tạo Trường ÐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Ðiền cho biết: Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ GD và ÐT, nhà trường đã triển khai kế hoạch chi tiết và hướng dẫn cụ thể cho các sinh viên về mặt thủ tục, để các em có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện chuyển đổi chương trình ở trường. Ðến thời điểm này, Trường ÐH Bách khoa có 10 chương trình liên kết quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau, có chương trình do nước ngoài cấp bằng, có những chương trình liên kết với nước ngoài theo hình thức công nhận các tín chỉ lẫn nhau. Sinh viên có thể lựa chọn hình thức thi tuyển đầu vào hoặc các em có thể học ở trường một học kỳ để nhận chứng chỉ hoàn thành môn học.

Còn theo Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ÐH Ngoại thương Vũ Thị Hiền, trường đã công bố kế hoạch rộng rãi đến các du học sinh và sinh viên quốc tế biết để có kế hoạch học tập trong thời gian tới. Theo đó, có hai phương án để du học sinh lựa chọn, một là du học sinh học tập ngắn hạn tại trường, kết thúc sẽ nhận được các tín chỉ và được công nhận đối với các trường mà các du học sinh đang theo học tại nước ngoài. Hai là các du học sinh có thể quyết định học tại Việt Nam để lấy bằng được đào tạo liên kết với nước ngoài. Không chỉ Trường ÐH Bách khoa Hà Nội, ÐH Ngoại thương, nhiều trường ÐH đã chuẩn bị nhiều chương trình học phong phú giúp sinh viên có thể lựa chọn các chương trình học tương đồng với chương trình các em học ở nước ngoài. ÐH Quốc gia Hà Nội đã có công văn chỉ đạo các trường ÐH thành viên, các khoa trực thuộc xây dựng, công bố từng chương trình, loại hình đào tạo và hướng dẫn chi tiết để sinh viên lựa chọn… Trường ÐH Kinh tế quốc dân thông báo tiếp nhận các du học sinh Việt Nam dựa trên kết quả học tập, số tín chỉ du học sinh đã tích lũy trong thời gian học ở nước ngoài để xem xét miễn giảm hoặc học bổ sung tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành. Hiện tại, Trường ÐH Kinh tế quốc dân Hà Nội đang triển khai 15 chương trình liên kết đào tạo quốc tế ở tất cả các bậc đào tạo như ÐH, thạc sĩ và tiến sĩ. Ở bậc ÐH, trường liên kết đào tạo với bảy đối tác nước ngoài với chín chương trình. Ở bậc sau ÐH, trường liên kết đào tạo với sáu đối tác nước ngoài sáu chương trình.

Để giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của du học sinh và phụ huynh, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ÐH (Bộ GD và ÐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết: Vụ Giáo dục ÐH sẵn sàng hỗ trợ các trường ÐH, sinh viên bằng việc hỗ trợ kiểm tra thông tin về các trường nước ngoài, danh sách các trường được công nhận, hệ thống tín chỉ tương đồng. Thông tin về chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục Việt Nam cũng được đăng tải công khai, minh bạch. Ngoài ra, trong quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài, có hướng dẫn thủ tục khi các em học sinh muốn quay trở lại nhập học tại Việt Nam. Với những quy định cụ thể như vậy, các sinh viên có thể yên tâm về thủ tục nhanh gọn, các trường ÐH ở Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ hết sức. Hiện nay, cả nước có tổng số 352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động với số lượng sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đang theo học là hơn 27 nghìn người... Trong đó, ở bậc ÐH có 195 chương trình, thạc sĩ có 150 chương trình và tiến sĩ có bảy chương trình, điều này giúp du học sinh có nhiều lựa chọn khi về nước. Tuy nhiên, người học có dự định theo học chương trình liên kết đào tạo cần lưu ý lựa chọn các chương trình liên kết đào tạo hợp pháp, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục ÐH tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế của Bộ GD và ÐT là rất kịp thời. Tuy nhiên, các trường cần thực hiện theo đúng quy định tuyển sinh, quy chế đào tạo tín chỉ và quy định nội bộ của nhà trường. Ðồng thời, căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở các cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành.

Quỳnh Nguyễn và Nguyên Khôi

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/nhieu-co-hoi-hoc-tap-cho-du-hoc-sinh-ve-nuoc-614217/