Nhiều cơ hội sang Nhật Bản làm việc

Nhật Bản vừa thông qua chính sách mới đối với lao động nước ngoài, trong đó có hàng loạt điều kiện nới lỏng cho nhóm lao động phổ thông. Tuy vậy, để giữ được thị trường việc làm này, Việt Nam cần sự phối hợp của nhiều phía.

Lao động được đào tạo tại các doanh nghiệp trước khi sang Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh. Ảnh: Lý Hà

Thời gian làm việc dài hơn

Theo báo Japan Times, ngày 15-6 vừa qua, Hội đồng Kinh tế và chính sách tài chính của Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe làm chủ tịch, đã thông qua một loạt chính sách liên quan tới việc cấp visa cho lao động phổ thông người nước ngoài. Chính phủ của ông Abe dự kiến cho tới năm 2025 sẽ xem xét và cho phép khoảng 500.000 lao động phổ thông nước ngoài được làm việc tại Nhật Bản trong các lĩnh vực đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng gồm xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng, khách sạn và đóng tàu.

Nhưng theo ông Yoshio Kimura, Chủ nhiệm Ủy ban đặc biệt phụ trách các vấn đề liên quan tới lao động nước ngoài của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do, con số 500.000 người lao động vừa nêu là không đủ! “Một số người không hiểu về thực tiễn (nền kinh tế Nhật Bản) đã đưa ra con số đó”, ông bình luận. Bởi từ hai năm trước, ủy ban của ông Kimura đã kêu gọi Chính phủ Nhật tạo điều kiện cho phép hơn 900.000 lao động nước ngoài được phép tới Nhật Bản làm việc. “Trong khoảng 100 năm tới, dân số Nhật Bản sẽ chỉ còn khoảng 40 triệu người (so với 126 triệu người hiện nay). Chắc chắn nước Nhật sẽ phải cần thêm lao động nước ngoài, cần những người trẻ có thể giúp đỡ những người lớn tuổi”, ông nói.

Bất chấp dân số trong độ tuổi lao động giảm mạnh, trước đây, Chính phủ Nhật cấm lao động phổ thông người nước ngoài được vào đất nước Nhật làm việc. Tuy nhiên trên thực tế họ lại cấp visa cho hàng trăm ngàn lao động nước ngoài dưới dạng visa du học sinh và visa thực tập sinh vào làm việc chủ yếu tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Còn theo chính sách mới được thông qua, Chính phủ Nhật dự kiến sẽ cấp thêm loại visa mới có thời hạn năm năm cho lao động nước ngoài không chuyên nghiệp. Những người xin cấp loại visa này sẽ phải vượt qua kỳ thi kiểm tra các kỹ năng liên quan và đáp ứng một trình độ tiếng Nhật nhất định để được phê duyệt hồ sơ. Trong khi đó, cơ quan nhập cư của Nhật Bản đang có kế hoạch cho phép những thực tập sinh đã làm việc ở Nhật ba năm được miễn các kỳ thi này. Với những người lao động vượt qua được các kỳ thi khác trong thời hạn năm năm được cấp visa, giới hạn thời gian ở lại Nhật của họ sẽ được xóa bỏ, và trong một số trường hợp, gia đình của họ sẽ được phép tới định cư tại nước Nhật.

Đánh giá về chính sách mới này của Nhật Bản, ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAX), cho rằng đây cũng là xu hướng chung mà nhiều nơi trên thế giới đang áp dụng đối với lao động nước ngoài. Đài Loan, nơi tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất hiện nay, còn nâng thời hạn cấp visa cho lao động nước ngoài lên tới 12 năm. Thời gian làm việc dài sẽ giúp người lao động Việt Nam yên tâm làm việc hơn; có thêm cơ hội tích lũy tài chính, tay nghề và ngoại ngữ, khi trở về nước, cơ hội việc làm của họ cũng sẽ cao hơn. Hiện nay, để đào tạo một người sang Nhật Bản làm việc ở diện thực tập sinh phải mất từ 6-8 tháng, mà nếu chỉ được sang ba năm rồi phải trở về thì chưa hấp dẫn người lao động.

Còn về phía những doanh nghiệp sử dụng lao động, việc nâng thời hạn visa làm việc cho người lao động nước ngoài cũng giúp họ không phải mất thêm tiền và thời gian để tuyển người mới.

Cần sự phối hợp để giữ thị trường

Ông Trần Thanh Lương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế TIC chuyên đưa lao động sang Nhật Bản làm việc, cho biết nhu cầu về lao động tại Nhật ngày càng tăng, vấn đề là lao động Việt Nam có đáp ứng được các điều kiện hay không. Hiện nay, thực tập sinh sang Nhật làm rất nhiều ngành nghề như cơ khí, điện tử, xây dựng, chế biến thủy sản, nông nghiệp. Đặc biệt, nhu cầu về điều dưỡng viên và hộ lý rất lớn do tình trạng già hóa dân số ở nước này.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Thành Trung, Phó ban Xuất khẩu lao động của Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, với chính sách mới của Nhật, không phải nghiễm nhiên tất cả thực tập sinh sẽ được gia hạn visa từ ba năm lên năm năm. Để được gia hạn visa thêm hai năm nữa, ngoài việc thực tập sinh phải vượt qua kỳ thi tay nghề và kỳ thi ngoại ngữ thì chủ sử dụng lao động cũng phải có nhu cầu cần họ làm việc thêm hai năm. Khi người chủ muốn giữ người lao động làm việc thêm hai năm, họ phải trả cho người lao động mức lương mới - cao hơn mức cũ, tuy nhiên, nhiều ông chủ không sẵn sàng làm việc này, vì họ không có nhu cầu tuyển lao động có chuyên môn cao.

Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, tuy thị trường việc làm ở Nhật Bản là rất tiềm năng nhưng giữ được thị trường này là chuyện không đơn giản. Hiện nay, diện thực tập sinh do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa người sang, còn diện du học sinh là do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm. Đối với lực lượng du học sinh, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ quản lý được khâu đưa người đi, còn việc quản lý ở phía tiếp nhận vẫn bỏ ngỏ. Do vậy, trong thời gian tới rất cần có sự kết hợp đồng bộ giữa hai bộ để giữ vững và phát triển thị trường việc làm ở Nhật Bản cho người lao động Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm tháng đầu năm 2018 có hơn 48.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Đài Loan và Nhật Bản là hai thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274361/nhieu-co-hoi-sang-nhat-ban-lam-viec-.html