Nhiều cổ phiếu 'khăn gói' rời sàn

Trong những ngày gần đây, nhiều cổ phiếu đã phải nhận quyết định hủy niêm yết bắt buộc từ cơ quan quản lý do không thể khắc phục được những vấn đề tồn đọng để đảm bảo quyền và lợi ích cho nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có nhiều lý do để cổ phiếu rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc nhưng có một thực tế là trong bối cảnh thị trường không còn nhiều chỗ cho những mã cổ phiếu kém cỏi thì việc “khăn gói” rời sàn là đúng với quy luật.

Việc niêm yết cổ phiếu có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng nếu không biết nắm bắt cơ hội thì cũng chính là nơi “chôn vùi” hình ảnh nhanh chóng.

Lỗ chồng lỗ

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định hủy niêm yết gần 6,5 triệu cổ phiếu S74 của CTCP Sông Đà 7.04 từ ngày 3/6, ngày giao dịch cuối cùng là ngày 2/6 do thua lỗ trong 3 năm liên tiếp thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Theo báo cáo tài chính (BCTC) năm 2020 đã kiểm toán, công ty báo lỗ năm 2020 là gần 2,15 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 2,93 tỷ đồng và năm 2018 lỗ 2,934 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2020, vốn chủ sở hữu giảm hơn 2 tỷ từ 118,70 tỷ xuống 116,55 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lỗ 18,72 tỷ đồng.

Ngoài ra, bên kiểm toán cũng có ý kiến kiểm toán ngoại trừ về việc công ty chưa xem xét trích lập dự phòng đầu tư vào CTCP Sông Đà 7.02 (công ty liên kết), dự phòng công nợ phải thu khó đòi và khả năng hoạt động liên lục của công ty tại BCTC năm 2019.

Dù BCTC năm 2020 vẫn được trình bày trên cơ sở giả định về khả năng hoạt động liên tục nhưng với những thủ tục đã thực hiện, bên kiểm toán không thể đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề này trên BCTC kèm theo của công ty.

Tương tự, HNX đã có thông báo chính thức về việc hủy niêm yết cổ phiếu NGC của CTCP Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền từ ngày 21/5.

Nguyên nhân do lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 của doanh nghiệp thủy sản ghi nhận hơn 31 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp (23 tỷ đồng). Khoản lỗ lũy kế của công ty đã vượt quá vốn chủ sở hữu hơn 8 tỷ đồng, còn nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn hơn 45 tỷ đồng.

Chung số phận, không chỉ ghi nhận lỗ liên tục 3 năm liền, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 lên gần 36 tỷ đồng, kiểm toán viên dường như đã “hết lời” khi liên tục đưa ra cơ sở của ý kiến ngoại trừ, thậm chí là nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của CTCP An Tường An (mã: ATG).

Ngày 12/4 vừa qua, HoSE cũng đã ra thông báo sẽ làm thủ tục hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu ATG.

Pha “lật ngược thế cờ” từ kiểm toán cũng khiến cổ phiếu PXT của CTCP Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí bị bắt buộc phải hủy niêm yết từ ngày 28/5 tới đây.

Dù trên BCTC kiểm toán 2018, công ty ghi nhận lãi ròng gần 2 tỷ đồng nhưng trên cơ sở ý kiến ngoại trừ, đơn vị kiểm toán cho rằng PXT đã lỗ 1.82 tỷ đồng. Hai năm tiếp theo (2019 và 2020), công ty lần lượt ghi nhận lỗ ròng gần 22 tỷ đồng và hơn 18 tỷ đồng. Do kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tục, HoSE sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu PXT theo quy định.

Trước đó, hơn 5 triệu cổ phiếu LO5 của Lilama 5 đã nói lời tạm biệt với HNX vào ngày 5/5 do 3 năm liền lỗ chồng lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế lên 90 tỷ đồng.

"Nhanh chân" như Chủ tịch Tập đoàn Trường Tiền

Việc những cổ phiếu kém chất lượng bị đào thải là điều tất yếu nhưng không phải ai cũng nhanh chân “rời bến” được như Chủ tịch CTCP Tập đoàn Trường Tiền khi cuối tháng 11/2020, ông Lê Khánh Trình đã thực hiện bán ra toàn bộ hơn 1,7 triệu cổ phiếu MPT đang nắm giữ, tương đương 10,21% vốn.

Trong phiên giao dịch 25/11, MPT ghi nhận tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận bằng đúng lượng cổ phiếu ông Trình bán ra với giá trị đạt hơn 2,6 tỷ đồng, tương ứng với 1.500 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các cổ đông là ông Bùi Việt Quân và ông Vũ Hoài Vũ cũng đã liên tiếp bán hết lượng cổ phiếu MPT đang nắm giữ và rút tên khỏi danh sách cổ đông lớn tại Tập đoàn Trường Tiền.

Giao dịch giữa các cổ đông lớn của doanh nghiệp sẽ không có gì đáng bàn cãi nếu như vừa qua HNX không chính thức ban hành quyết định việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu MPT.

Theo đó, hơn 17 triệu cổ phiếu MPT sẽ chính thức rời sàn kể từ ngày 25/5 do đơn vị kiểm toán đã từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2020 của công ty.

Việc từ chối đưa ra ý kiến được đơn vị kiểm toán dựa trên cơ sở nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty do không thể xác định số dư hàng tồn kho cũng như khả năng thu hồi công nợ phải thu và công nợ phải trả.

Năm 2020, Trường Tiền thực hiện được gần 14 tỷ đồng doanh thu thuần, lao dốc 91% so năm 2019. Thu không đủ bù chi cùng khoản lỗ từ hoạt động khác 1,4 tỷ đồng đã khiến Trường Tiền lỗ ròng hơn 1 tỷ đồng, trong khi năm 2019 vẫn có lãi hơn 2 tỷ đồng.

Theo đơn vị kiểm toán, do Trường Tiền đang trong quá trình dừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính (may trang phục, sản xuất sợi, vải dệt...) và không tiến hành thực hiện kiểm kê hàng tồn kho vào thời điểm cuối năm nên đơn vị kiểm toán không thể tham gia chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho tại thời điểm này.

Bằng các thủ tục kiểm toán thay thế, đơn vị kiểm toán cũng không thể đưa ra ý kiến về số lượng hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2020 với giá trị được ghi nhận là 36 tỷ đồng.

“Trái đắng” cổ đông nhỏ

Thực tế, theo quy định hiện hành, sau khi hủy niêm yết, các doanh nghiệp sẽ được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để duy trì thanh khoản cổ phiếu. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, cổ phiếu có thanh khoản hay không hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng hồi phục của doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp đã cạn về tài chính, khả năng hoạt động không hiệu quả thì đưa lên sàn UPCoM chẳng khác gì thêm “rác” vào sàn này.

Bộ phận bị thiệt thòi nhiều nhất trước các “án” hủy niêm yết không phải ai khác chính là các cổ đông nhỏ lẻ. Bởi hầu hết trước khi hủy niêm yết đều rơi vào tình trạng thị giá tụt dốc không phanh, mức giá thường dưới giá niêm yết rất nhiều, thanh khoản èo uột, nhiều cổ phiếu có khối lượng giao dịch bằng 0.

Hoặc ngược lại có nhiều trường hợp các cổ phiếu trước thời điểm hủy niêm yết còn xảy ra hiện tượng tăng giá vì có những thông tin đồn đoán về việc có nhà đầu tư mới sẽ tái cấu trúc, được công ty lớn thâu tóm... và khiến cho nhà đầu tư lao vào gom cổ phiếu như con thiêu thân để rồi sau đó phải “ôm hận”.

Điển hình như trường hợp của cổ phiếu MPT, khi ngay từ đầu năm 2021 những cảnh báo về việc bị hủy niêm yết của mã này đã được đưa ra rất nhiều nhưng thị giá của MPT vẫn tăng mạnh và đạt được mức giá đỉnh 2 năm 4.200 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 7/4.

Tuy nhiên, ngay sau đó, các nhà đầu tư đã phải chứng kiến đà lao dốc của MPT với nhiều phiên giảm sâu, thậm chí giảm sàn liên tiếp. Hiện, MPT đang giao dịch tại mức giá 2.200 đồng/cp, giảm gần 48% so với đỉnh.

Theo Minh Khuê/vnbusiness.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/nhieu-co-phieu-khan-goi-roi-san-333741.html