Nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp Cần Thơ lắp đặt điện mặt trời áp mái

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ, cho biết quan điểm của thành phố đối với loại hình năng lượng nhiều tiềm năng này, đặc biệt là các mô hình quy mô lớn.

Ngày 16.5, trao đổi với báo chí, ông Toại cho biết: TP.Cần Thơ có tiềm năng phát triển điện mặt trời. Tuy nhiên, đất đai là tài nguyên để sản xuất nông nghiệp nên ưu tiên của thành phố là phát triển mô hình điện mặt trời trên mái nhà (điện áp mái), không phát triển mặt trời trên đất nông nghiệp đặc biệt là đất trồng lúa 3 vụ.

Sử dụng điện xanh tạo giá trị thặng dư cho sản phẩm

Ông Nguyễn Hữu Trung, ở phường Hưng Thạnh (Cái Răng, TP.Cần Thơ) cho biết: đã đầu tư hệ thống này từ tháng 11.2018 với tổng công suất 5,1 kWp, trung bình sản xuất được mỗi ngày từ 20-25 kWh điện, những ngày có mưa nhiều cũng đạt 17-18 kWh điện. Tính ra, mỗi tháng cũng giúp gia đình thu nhập thêm khoảng 1,5 triệu đồng. Theo tính toán của ông Trung, khoảng 5 năm sau sẽ thu hồi vốn đầu tư và từ đó về sau hoàn toàn là lợi nhuận. Trong khi tuổi thọ của hệ thống lên đến 20 năm, theo cam kết của đơn vị lắp đặt. Chính vì vậy mà ông đang chuẩn bị tiền để lắp thêm 5 kWp.

Mô hình điện áp mái, với các cơ sở sản xuất kinh doanh còn mang đến giá trị vô hình. Theo ông Lê Trọng Nhân, Phó giám đốc khách sạn Ninh Kiều Riverside : Đơn vị lắp đặt hệ thống điện áp mái 78 kWp, ngoài giá trị kinh tế mang lại thì cũng giúp doanh nghiệp đạt được tiêu chí khách sạn sử dụng năng lượng xanh. Điều này giúp nâng cao giá trị hình ảnh của khách sạn trong mắt khách hàng và các tiêu chuẩn khách sạn mới hiện nay.

Vì thế, chiến lược của TP.Cần Thơ là khuyến khích người dân phát triển các mô hình điện mặt trời quy mô lớn từ vài chục đến vài trăm kWp trên các cơ sở sản xuất, nhà xưởng, công sở…

Giám sát chất lượng tấm pin năng lượng

Theo báo cáo của Công ty điện lực TP.Cần Thơ, đến thời điểm hiện tại có 95 khách hàng sản xuất điện áp mái, với tổng công suất 1.096 kWp, tổng sản lượng điện sản xuất từ đầu năm đến nay bán cho ngành điện đạt 289.529 kWh. Trong số 95 khách hàng sản xuất điện áp mái có 2/3 khách hàng là hộ dân chủ yếu phục vụ sinh hoạt, còn lại là các cơ sở kinh doanh.

Sở Công thương và ngành điện TP.Cần Thơ đánh giá, điện mặt trời và mô hình điện áp mái là xu hướng đang phát triển mạnh. Chính vì vậy, nhiều người có lo ngại về chất lượng của các tấm pin là điều có cơ sở. “Các nhà cung cấp khác nhau, chất lượng (về tuổi thọ, hiệu suất sản xuất) sẽ khác nhau là điều bình thường. Chúng tôi đã giao Phòng Khuyến công, kết hợp với ngành điện để theo dõi, cập nhật các quy định của Bộ Công thương để kịp thời bám sát thị trường và thông tin đầy đủ đến khách hàng”, ông Toại nêu giải pháp.

Ông Toại nói thêm: Chúng tôi cũng có lo lắng với xu hướng hiện nay, có thể nhiều nhà cung cấp sẽ vì lợi nhuận mà nhập các sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm Trung Quốc không đạt yêu cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xu thế phát triển điện xanh, sạch. Chính vì vậy chúng tôi cũng yêu cầu cơ quan chức năng “bám sát” thị trường và cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân, để bà con an tâm đầu tư, đạt hiệu quả cao.

Chí Nhân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nhieu-co-so-kinh-doanh-doanh-nghiep-can-tho-lap-dat-dien-mat-troi-ap-mai-1082388.html