Nhiều công trình cấp nước ở miền núi hư hỏng và hoạt động kém hiệu quả

Những năm qua, thông qua các chương trình, dự án, các huyện miền núi được đầu tư xây dựng hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ người dân, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân ở miền núi được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình không phát huy hiệu quả và bị hư hỏng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay 11 huyện miền núi của tỉnh có 547 công trình cấp nước nông thôn tập trung, trong đó chỉ có 35 công trình đang hoạt động bền vững, 331 công trình hoạt động kém bền vững, 181 công trình đã bị hư hỏng hoàn toàn, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, trong khi người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt.

Nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung tại huyện Thường Xuân hoạt động kém hiệu quả.

Nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung tại huyện Thường Xuân hoạt động kém hiệu quả.

Năm 2009, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình 134, huyện Thường Xuân được đầu tư xây dựng 11 công trình nước sinh hoạt tập trung. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các công trình đều bị hư hỏng.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân, nguyên nhân các công trình nước sinh hoạt tập trung không phát huy hiệu quả và bị hư hỏng là do các công trình được giao cho thôn, bản quản lý, quá trình sử dụng đã lâu nên các hạng mục bị xuống cấp, lại không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và ý thức bảo quản chưa tốt.

Công trình cấp nước tại xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) bị hư hỏng hoàn toàn.

Tương tự, tại huyện Quan Hóa, từ Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, huyện được đầu tư 88 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, với 729 bể chứa nước. Tuy nhiên, hiện nay có đến 355 bể chức nước đã bị hư hỏng hoàn toàn, số còn lại không có khả năng tích nước, hoặc dẫn nước kém… Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua ống lấy nước trực tiếp từ mó nước, hoặc góp tiền khoan giếng, mua máy lọc nước.

Cùng chung thực trạng này, trên địa bàn huyện Lang Chánh, có khoảng 40 công trình nước sinh hoạt tập trung, trong đó có tới hơn 18 công trình đã bị hư hỏng, bỏ hoang. Số còn lại hầu hết là không bảo đảm công năng để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân theo thiết kế.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, nguyên nhân các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở các huyện miền núi bị xuống cấp, bỏ hoang, là do công tác khảo sát, thiết kế và lập dự án chưa phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất và nguồn nước nên chất lượng nước không bảo đảm; không đủ nước cung cấp theo thiết kế. Cùng với đó, thời tiết cực đoan, mưa lớn, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ công trình; mực nước tại các đập chứa, các khe, suối giảm đáng kể, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng cao, nên nhiều công trình không đủ nguồn nước cung cấp hoặc chỉ đủ cho một số cụm dân cư, làm giảm hiệu quả đầu tư của công trình.

Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhieu-cong-trinh-cap-nuoc-o-mien-nui-hu-hong-va-hoat-dong-kem-hieu-qua/27541.htm