Nhiều công trình giao thông chậm tiến độ

Trước tình trạng nhiều dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra mốc thời gian cụ thể cho từng dự án, yêu cầu các sở, ngành gấp rút thực hiện.

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, dự án nâng cấp đường Lương Ðịnh Của (đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Ðịnh, quận 2) có tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Sau khi được mở rộng, tuyến đường này sẽ kết nối giữa đại lộ Ðông - Tây và cầu Thủ Thiêm để vào trung tâm thành phố. Còn đường Trần Não kết nối từ đại lộ Ðông - Tây để ra cầu Sài Gòn và xa lộ Hà Nội. Sau khi hoàn thành, cầu Sông Tranh và đường Lương Ðịnh Của sẽ nối thông các dòng xe từ trung tâm TP Hồ Chí Minh qua cầu Thủ Thiêm 1, 2 đến nút giao với đại lộ Mai Chí Thọ lên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và ngược lại. Trong tương lai, cùng với bốn tuyến đường chính của khu đô thị Thủ Thiêm, hai tuyến đường Trần Não và đường Lương Ðịnh Của sẽ là những tuyến đường huyết mạch của quận 2.

Dù là dự án quan trọng, thế nhưng tính đến nay, dự án này đã chậm tiến độ bốn năm so với kế hoạch. Chị Mỹ Lệ là một trong 36 hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng cho dự án với hy vọng, dự án được đầu tư xây dựng sẽ giải quyết được tình trạng kẹt xe, ngập nước tại khu vực này. Tuy nhiên, đã ba năm nay, chị Lệ ngán ngẩm vì công trình thi công ngổn ngang, ổ gà, ổ voi, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra… Theo Trưởng ban điều hành Dự án đường bộ 2 (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh) Lê Ngọc Hùng, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là do thiếu mặt bằng để thi công. Ðến nay, tổng mặt bằng được quận 2 bàn giao mới đạt khoảng 60% và toàn bộ mặt bằng phạm vi dự án 87 ha chưa được bàn giao cho nên việc thi công phải cầm chừng. Ông Hùng cam kết, dự án sẽ hoàn thành trong vòng sáu tháng kể từ ngày quận 2 bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư. Tương tự, tình trạng chậm bàn giao mặt bằng khiến công trình thi công dở dang cũng diễn ra tại dự án cầu Nam Lý (đường Ðỗ Xuân Hợp, quận 9). Dự án xây dựng cầu Nam Lý có tổng chiều dài cầu là 448,9 m với tổng mức đầu tư 857 tỷ đồng do Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công vào tháng 10-2016, thời hạn thi công một năm 6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay dự án mới thi công được khoảng 50% và chưa hẹn ngày hoàn thành.

Theo ghi nhận, hiện nay các trụ cầu đang trong tình trạng phơi nắng, các thanh sắt hoen gỉ, rào chắn mục nát xập xệ, các thiết bị thi công công trình đắp chiếu gần một năm nay không một bóng người làm việc. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên tại khu vực này khiến người dân bức xúc. Theo chủ đầu tư, công trình không thể thi công tiếp vì không có mặt bằng. Hiện nay còn 52 trong số 67 hộ dân thuộc quận 9 chưa di dời do không đồng ý giá đền bù. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu, trong quý I - 2020 chủ đầu tư phải hoàn thành công trình này.

Cũng tại quận 9, dự án cầu Tăng Long cũng mới hoàn thành được 50% công trình. Nửa còn lại đang chờ mặt bằng. Dự án được khởi công từ tháng 12-2017, dự kiến hoàn thành cuối năm 2019. Nhưng đến nay vẫn đang chờ duyệt giá để thực hiện giải phóng mặt bằng, do khu vực đó không có giao dịch đất trồng cây hằng năm làm cơ sở cho xác định giá đền bù. Việc chậm giải phóng mặt bằng ảnh hưởng tiến độ hoàn thành dự án, có thể phải kéo dài đến hết năm 2020.

Tại quận Thủ Ðức, dự án đoạn kết nối từ đường Phạm Văn Ðồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1 dài 2,75 km cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ nhiều năm do vướng giải phóng mặt bằng. Hiện dự án mới có 258 trong số 466 hộ bàn giao mặt bằng (60%), ngoài ra còn vướng các khó khăn khác về hạ tầng kỹ thuật như đường dây điện, cáp quang, đường ống nước…, một số đoạn bàn giao không liền mạch cho nên không thể triển khai thi công xây dựng. Chủ đầu tư cam kết, nếu kịp nhận mặt bằng vào cuối năm 2019, công tác di dời hạ tầng thuận lợi thì phải mất thêm một năm nữa để hoàn thành đoạn tuyến 2,75 km này.

Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc cho biết, hiện nay có khoảng 80 dự án giao thông chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng. Ðể tháo gỡ, thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố thực hiện cơ chế, quy trình "đặc thù" để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn. Cụ thể, thành phố sẽ chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hằng năm để làm cơ sở lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường hỗ tái định cư cho những người dân đồng ý. Mục tiêu của cơ chế, quy trình nhằm rút ngắn một phần ba thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42482402-nhieu-cong-trinh-giao-thong-cham-tien-do.html