Nhiều công trình nước sạch ở Hòa Bình xuống cấp nghiêm trọng

Những năm qua, tỉnh Hòa Bình huy động hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, công trình nước tự chảy nhằm cải thiện đời sống nhân dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, sau khi đưa vào hoạt động một số công trình đã không phát huy được hiệu quả, thậm chí có công trình xây xong sử dụng được vài ba tháng rồi... 'đắp chiếu'.

Người dân vùng Thung Rếch, xã Tú Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) phải gạn từng xô nước về sử dụng hàng ngày.

Người dân vùng Thung Rếch, xã Tú Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) phải gạn từng xô nước về sử dụng hàng ngày.

"Khai tử" nhiều công trình

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh Hòa Bình đã huy động nhiều nguồn vốn để xây dựng nhiều loại hình cấp nước sinh hoạt, từ hệ thống nước tự chảy, bể nước mưa đến các công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn. Riêng năm 2012, tỉnh đã huy động với tổng nguồn vốn hơn 308 tỷ đồng để xây dựng, tu sửa các công trình nước hợp vệ sinh. Ðến nay, tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh đạt khoảng 76%, trong đó nguồn nước bảo đảm theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 38%. Không thể phủ nhận những hiệu quả mà nhiều công trình nước hợp vệ sinh ở các vùng nông thôn trên địa bàn mang lại, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, làm thay đổi bộ mặt các vùng nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, nhất là các xã thuộc vùng sâu, xã đặc biệt khó khăn. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn nhiều công trình xây xong được thời gian ngắn đã có nguy cơ "khai tử". Hay nhiều công trình chỉ hoạt động được một thời gian thì các thiết bị hư hỏng, xuống cấp không có tiền tu sửa nên không hoạt động hết công suất. Ðặc biệt, có những công trình chỉ hoạt động được vài ba tháng hoặc vài năm rồi ngừng hoạt động hẳn để phơi mưa, phơi nắng. Ðiển hình như dự án cấp nước tập trung cho thị trấn Ðà Bắc, là dự án được đầu tư bằng nguồn vốn chuyển dân vùng lòng hồ sông Ðà do UBND huyện làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn bảy tỷ đồng. Quá trình triển khai thực hiện, trạm cấp nước được đầu tư một trạm bơm, giếng khoan, trạm điều hành nước, hệ thống đường ống... nhưng do địa hình phức tạp, khoan thăm dò không chính xác và trữ lượng nước tại đó không lớn. Vì vậy, trạm cấp nước chỉ đi vào hoạt động được ba tháng thì ngừng hoạt động do sập giếng khoan. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND thị trấn Ðà Bắc Nguyễn Huy Sướng chia sẻ: Bao nhiêu mong đợi, trông chờ của người dân về một công trình nước hợp vệ sinh sẽ làm thay đổi đời sống nhân dân trên địa bàn vừa lóe lên lại vụt tắt. Hiện nay, thị trấn có khoảng 5.300 nhân khẩu, hầu như không có hộ nào có nước sinh hoạt hợp vệ sinh sử dụng. Thậm chí nước giếng khoan, vào mùa khô nhiều gia đình phải mua với giá 25 nghìn đồng/m3 do không có tiền để khoan giếng, hoặc thửa đất của nhà mình không có mạch nước ngầm.

Cũng từ nguồn vốn chuyển dân vùng lòng hồ sông Ðà từ năm 1994 tính đến nay, Nhà nước đã đầu tư xây dựng cho người dân vùng Thung Rếch xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi ba hệ thống công trình nước hợp vệ sinh với một số bể chứa có dung tích lớn. Theo thiết kế, các công trình này sẽ đáp ứng nhu cầu nước vào mùa khô cho khoảng hơn 80% số hộ dân ở đây nếu hoạt động hết công suất. Trong đó, xóm Kim Bắc I, xã Tú Sơn được đầu tư xây dựng hai hệ thống bể nước sinh hoạt với bốn bể trong đó có hai bể với dung tích 20 m3 và hai bể được xây dựng với dung tích 60 m3. Ðiều đáng nói là chỉ qua một thời gian đưa vào sử dụng đến nay chỉ còn duy nhất một bể hoạt động, nhưng lượng nước về bể cũng rất kém, chỉ đủ phục vụ một số hộ dân. Bên cạnh đó, hai bể nước với dung tích 60 m3 đã từ lâu không còn tác dụng trữ nước. Hiện nay, các bể chứa bị hư hỏng, không được sửa chữa nên đã xuống cấp. Vì vậy dẫn đến nghịch lý người dân thiếu nước sinh hoạt ngay cạnh công trình nước. Theo lãnh đạo xã Tú Sơn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là quá trình thi công xây dựng, nhà thầu làm ẩu nên chất lượng kém. Do đó, khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn hệ thống bể đã xuống cấp, bị nứt vỡ, rò rỉ nước. Mặc dù đơn vị thi công đã khắc phục, sửa chữa nhưng tình trạng rò rỉ nước vẫn không được dứt điểm nên bị thấm, nứt không giữ được nước; hệ thống ống dẫn, van cũng kém chất lượng. Thiếu nước, nên các hộ dân trong vùng phải dùng nguồn nước giếng khoan. Nhưng nguồn nước giếng khoan cũng ít nên hằng ngày các hộ đến xin nhau nước về dùng trong sinh hoạt, còn chuyện tắm rửa thì phải hạn chế.

Giải pháp khắc phục

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Quách Tự Hải cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số công trình nước hợp vệ sinh trên địa bàn đã và đang không phát huy hiệu quả hoặc "đắp chiếu" sớm là do ý thức của người dân trong việc bảo vệ, bảo quản công trình, đường ống nước chưa cao. Chính quyền cấp xã sau khi được giao tiếp nhận, quản lý khai thác vận hành công trình còn chưa quan tâm sâu sát. Trong khi đó, nguồn vốn cho duy tu, bảo dưỡng thường xuyên không có dẫn đến các công trình bị xuống cấp hoặc hư hỏng hoàn toàn chỉ sau một thời gian sử dụng. Bên cạnh đó cũng còn có một số yếu tố khác như trên địa bàn các công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh chủ yếu là các công trình nước tự chảy nên khi xảy ra biến đổi khí hậu, nguồn nước cạn kiệt cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của các công trình.

Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, chỉ có một số ít công trình được thiết kế là xây dựng đầu mối, khu xử lý và lắp đặt tuyến ống các trục chính, phần còn lại nhân dân đóng góp mua đồng hồ để dẫn nước về nhà sử dụng. Ða phần các công trình còn lại là sử dụng các bể chứa nước tập trung cấp nước cho mấy cụm dân cư, dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc". Vì không có tiền duy tu, sửa chữa cho nên theo thời gian, công trình cũng hỏng luôn, hoặc mất trộm các thiết bị không thể hoạt động được. Cũng theo ông Hải, để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo nhà thầu và chủ đầu tư khảo sát thiết kế kỹ các dự án xây dựng công trình nước hợp vệ sinh trước khi xây dựng; không xây dựng các bể tập trung mà phải lắp đặt các đường ống đến từng hộ dân và lắp các đồng hồ để đo đếm nước, nhằm nâng cao ý thức của người dân cũng như đóng góp một phần kinh phí cho việc duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng, thuê công nhân vận hành, quản lý máy tại công trình. Tuy nhiên, phần kinh phí này là do địa phương tự xây dựng để phù hợp hoàn cảnh, tính chất từng vùng...

Theo kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Hòa Bình phấn đấu tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn đạt khoảng 90%. Vậy cứ theo chiều hướng một số công trình nước hợp vệ sinh đầu tư xong không phát huy hiệu quả hay thiếu sự quản lý cũng như kinh phí tu sửa, bảo dưỡng khi hỏng hóc liệu chỉ tiêu đề ra có đạt được?

Bài và ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/20398102-.html