Nhiều công trình trái phép, xuống cấp tại khu du lịch Đồ Sơn

Những lô đất do bộ, ngành quản lý không được đầu tư cùng một số sai phạm trong công tác quản lý, trật tự xây dựng khiến khu du lịch Đồ Sơn (TP Hải Phòng) xuất hiện nhiều công trình trái phép, xuống cấp.

Nhà nghỉ, nhà hàng, địa điểm kinh doanh hoạt động trái phép

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã kiểm tra thực địa công tác quản lý tài sản tại quận Đồ Sơn để triển khai chủ trương xử lý mặt bằng, lập hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất có tổng diện tích rộng 26ha để phục vụ du lịch.

Sau đó, ông Tùng đã kết luận một số sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại các khu vực được kiểm tra.

Nhiều công trình bỏ hoang, thành chỗ chứa rác.

Đáng nói, có hàng chục nhà nghỉ, nhà hàng hoạt động mọc lên sai phép ở khu vực giáp Trung tâm Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp Đồ Sơn, Bộ Xây dựng.

Hiện nay, khu vực này đang có 59 hộ dân sinh sống, trong đó 51 hộ được các cơ quan Nhà nước ký hợp đồng thuê mượn mặt bằng tạm để kinh doanh dịch vụ trong thời điểm từ năm 1992-2001, với thời hạn thuê từ 1-5 năm.

Tuy nhiên, thời hạn thuê đã hết nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng đất, chưa hoàn trả mặt bằng cho quận Đồ Sơn.

Một số ngôi nhà dựng tạm khiến khung cảnh trở nên nhếch nhác.

Một số hộ dân đã tự ý chuyển nhượng cho người khác sử dụng để xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ không giấy phép xây dựng và sai so với giấy phép xây dựng được cấp; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai. Riêng khu vực 203 có 7 hộ, khu Phường Cũ có 1 hộ dân tự ý chiếm đất (từ năm 1998) xây dựng nhà hàng.

Tại khu vực khách sạn Hoa Phượng (đầu khu 1 Đồ Sơn), Trung tâm Dịch vụ và phát triển du lịch Đồ Sơn ký hợp đồng cho 6 hộ dân thuê điểm kinh doanh vào các năm 2006, 2007, với thời hạn cho thuê 1 năm; ký hợp đồng hợp tác đầu tư với 1 hộ dân năm 2014, thời hạn cho thuê 1 năm để kinh doanh nhà hàng.

Theo hợp đồng, thời hạn thuê đất đã hết từ lâu và không có văn bản gia hạn của cơ quan quản lý Nhà nước, tuy nhiên, hiện các hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng để kinh doanh, chưa hoàn trả mặt bằng cho UBND quận Đồ Sơn và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Khu đất rộng khoảng 2.000m2 có nhiều nhà nghỉ, khách sạn nhưng rất ít người đến ở hoặc bỏ hoang.

Còn khu Vạn Tác (khu 1 Đồ Sơn) được giao UBND quận Đồ Sơn để xây dựng hạ tầng giao thông và cơ sở hạ tầng theo Quyết định số 131/QĐ-UB, ngày 24/2/1994. Từ năm 1995-2004, có 33 hộ dân tự ý chiếm đất, xây dựng công trình không phép tại đây.

Từ năm 1998, UBND phường Vạn Sơn lập biên bản các vi phạm hành chính về trật tự xây dựng khu Vạn Tác, nhưng sau đó, các hộ dân vẫn đang sử dụng các diện tích đất trên.

Nhiều nhà hàng, nơi cư trú xuống cấp

Tại khu du lịch Đồ Sơn, hiện có rất nhiều nhà hàng, khách sạn, các cơ sở lưu trú xuống cấp trầm trọng; hệ thống kè biển, đường giao thông nhiều đoạn bị hư hỏng; nhiều ki-ốt, lán tạm lấn chiếm các tuyến đường...

Mái ngói và khung gỗ của nhà hàng Vạn Vân đã bị đổ sập, phía ngoài được căng dây để ngăn không cho người dân vào.

Theo tìm hiểu của PV, hiện khu du lịch Đồ Sơn có khoảng 134 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó, nhiều cơ sở lưu trú thuộc quản lý của các bộ, ngành án ngữ ở nhiều vị trí đắc địa tại khu I, II, III đã xuống cấp.

Tại di tích lịch sử quốc gia bến Nghiêng, khu vực bia chứng tích những tên thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng nhiều cỏ dại, nhiều đoạn tường gạch xung quanh bị nứt, một số công trình xây dựng bị đổ, khu vực bến có nhiều mảng bê tông bị vỡ.

Bến Nghiêng bị xuống cấp, nhiều mảng bê tông bị lật lên.

Tại khu đất do Thành ủy Hải Phòng quản lý, công trình như khách sạn và nhà hàng Vạn Phong đã xuống cấp nghiêm trọng, vết nứt chạy xung quanh tường. Một ngôi nhà cấp 4 đã bỏ hoang, bên trong để đầy đồ đã không sử dụng được.

Thậm chí, nhà hàng Vạn Vân còn được căng dây xung quanh để ngăn không cho người khác vào. Bởi, nhiều khu vực mái và phần khung gỗ đã bị đổ sập, chưa được sửa chữa.

Hay như khu đất của Bộ Xây dựng tại khu I, phường Hải Sơn rộng 8.555m2 gồm 1 dãy nhà 3 tầng và 1 dãy nhà 4 tầng liền nhau đã được xây dựng khoảng 40 năm trước, nay bỏ hoang nhiều năm, xung quanh cỏ mọc um tùm từ lối vào đến bờ tường.

Hiện tại, ở đây có một số phòng của ngôi nhà đã được một số công nhân xây dựng vào ở tạm.

Nhiều đoạn kè biển ở khu du lịch Đồ Sơn bị hư hỏng, xuống cấp.

Trung tâm Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp thuộc Tổng công ty Chè Việt Nam ở đường Lý Thánh Tông, phường Hải Sơn rất nhếch nhác bởi một số hộ thuê để kinh doanh. Những mảng tường bong tróc, bẩn thỉu.

Còn tại Trung tâm hội nghị và đào tạo cán bộ công đoàn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nằm tại khu I, phường Hải Sơn với diện tích 26.250m2 gồm khu nhà 7 tầng và khu nhà 2 tầng đã không hoạt động, đang trong tình trạng xuống cấp.

Phía trước những dãy nhà này, cỏ mọc um tùm, một số cây bị đổ. Thậm chí, một số khu vực biến thành chỗ đổ rác thải.

Đáng chú ý, một diện tích đất rộng lớn lên đến gần 48ha của Đồ Sơn đã được giao cho các đơn vị quốc phòng và an ninh quản lý như: Đoàn An điều dưỡng 295, Quân khu 3, Binh đoàn Hương Giang, Bộ Tổng tham mưu, Cục Hậu cần, Trung tâm Cung ứng và dịch vụ ngân hàng, Bộ Tư lệnh cảnh vệ (Bộ Công an)… có khoảng hơn 9.000m2 đất được sử dụng làm nhà nghỉ, nhà hàng dịch vụ ăn uống nhưng được đánh giá đã cũ kỹ và không được sửa chữa.

Theo đánh giá của UBND quận Đồ Sơn, có 19 cơ sở kinh doanh không hiệu quả gây lãng phí tài nguyên đất và các dự án, công trình được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng đất hoặc tiến độ đưa đất vào sử dụng chậm thuộc thẩm quyền của TP Hải Phòng quản lý, tổng diện tích 866.437m2.

Quốc Phương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhieu-cong-trinh-trai-phep-xuong-cap-tai-khu-du-lich-do-son-192231207040000782.htm