Nhiều công ty Mỹ ở Trung Quốc mắc kẹt trong làn đạn thương chiến

Khi tuyên bố áp đợt thuế mới nhất lên hàng Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rõ rằng ông sẵn sàng cắt đứt quan hệ Mỹ-Trung nếu cần thiết để thắng cuộc chiến thương mại.

Khách dự triển lãm ô tô Trung Quốc ở Bắc Kinh năm 2018 ngắm xe Mỹ Cadillac Escalade. Đối với hãng General Motors, Trung Quốc là thị trường lớn hơn Mỹ. Ảnh: AP.

Khách dự triển lãm ô tô Trung Quốc ở Bắc Kinh năm 2018 ngắm xe Mỹ Cadillac Escalade. Đối với hãng General Motors, Trung Quốc là thị trường lớn hơn Mỹ. Ảnh: AP.

“Chúng ta không cần Trung Quốc”

“Chúng ta không cần Trung Quốc. Và nói thẳng, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu không có họ”, Tổng thống Mỹ viết trên mạng xã hội Twitter.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều công ty Mỹ cần Trung Quốc và có nguy cơ thua lỗ nếu chiến tranh thương mại kéo dài, báo Mỹ NPR đưa tin ngày 28/8.

Các công ty Mỹ như Starbucks, Nike, Boeing… đang kiếm lợi nhuận đáng kể từ việc phục vụ tầng lớp trung lưu Trung Quốc đông đảo và đang gia tăng.

“Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất đối với nhiều công ty thuộc hàng lớn nhất của Mỹ”, Shaun Rein, giám đốc điều hành của China Market Research Group (công ty nghiên cứu thị trường chuyên khuyến nghị doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc), nhận định.

Tầm quan trọng ngày càng tăng của thị trường tiêu dùng Trung Quốc thường bị bỏ qua trong các tranh cãi chính trị ở Mỹ. Những tranh luận này thường có xu hướng tập trung vào số lượng lớn công việc bị mất khi các công ty Mỹ chuyển sang nướ ngoài tìm kiếm lao động giá rẻ, Patrick Chovanec, chiến lược gia của công ty tư vấn tài chính Mỹ Silvercrest Asset Management (người từng giảng dạy ở Trung Quốc nhiều năm), nhận xét.

“Tôi nghĩ rằng, đó là một trong những điều thường bị lãng quên khi chúng ta nói về chiến tranh thương mại vì nó thường bị đóng khung trong ý outsourcing (thuê nước ngoài gia công). Đúng là outsourcing, nhưng làm ăn ở Trung Quốc có nhiều việc hơn thế”, Chovanec nói.

Hãy xem xét một số thực tế:

-KFC hiện bán được nhiều gà ở Trung Quốc hơn ở Mỹ. “Bất cứ chỗ nào bạn tới ở Trung Quốc cũng có KFC, cũng có Starbucks, cũng có McDonald”, Chovanec nói.

-Cùng với các đối tác Trung Quốc, năm ngoái, General Motors (GM) bán được 3,6 triệu xe hơi ở Trung Quốc, nhiều hơn ở Mỹ. Các dòng xe của GM như Cadillac và các nhãn hàng Boeing rất phổ biến ở Trung Quốc.

-Hơn 1/3 số động cơ của công ty Cummins (có trụ sở ở bang Indiana của Mỹ) được bán ở Trung Quốc năm ngoái. “Chúng tôi có một số cơ sở sản xuất ở đó và khoảng 90-95% sản phẩm chúng tôi sản xuất ở Trung Quốc được bán ở thị trường Trung Quốc”, người phát ngôn của Cummins, Jon Mills, nói. Doanh thu tạo ra ở Trung Quốc giúp trang trải chi phí nghiên cứu và phát triển, và bù đắp khoản lỗ trong giai đoạn làm ăn bết bát ở Mỹ, ông Mills nói.

Tuy thị trường Trung Quốc rộng lớn nhưnng các công ty Mỹ vẫn phải đối mặt nhiều rào cản ở nước này. Các lĩnh vực như ngân hàng vẫn đóng cửa với bên ngoài và nhiều công ty Mỹ muốn hoạt động ở Trung Quốc vẫn bị ép buộc lập liên doanh với đối tác Trung Quốc. Ăn cắp sở hữu trí tuệ vẫn là một vấn nạn lớn.

Phân khúc trung lưu Trung Quốc quá lớn

Nhưng tầng lớp trung lưu của Trung Quốc hiện giờ lớn hơn toàn bộ dân số Mỹ và cơ hội kiếm tiền nằm ở đó, Anna Ashton, giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, nói.

“Phần lớn các công ty của chúng ta liên tục báo cáo hằng năm rằng, hoạt động của họ ở Trung Quốc là có lãi và không chỉ có lãi mà còn có mức lãi cao hơn toàn bộ hoạt động của họ”, bà Ashton nói.

“Tôi tin vào thị trường ở Trung Quốc trong dài hạn. Chúng tôi sẽ mở các cửa hàng mới ở Trung Quốc”, giám đốc điều hành Starbucks, ông Kevin Johnson, nói với hãng tin Mỹ Bloomberg hồi tháng trước.

Nhưng chiến tranh thương mại hiện nay đang bổ sung yếu tố không chắc chắn vào kế hoạch của các giám đốc điều hành. Trước đây, Trung Quốc thể hiện rằng, họ sẽ trả đũa các công ty Mỹ nếu họ cảm thấy khó chịu.

Sau khi Marriott coi Đài Loan là một nước trên website của hãng, chính quyền Bắc Kinh đóng cửa một site đặt phòng online của hãng trong một tuần, ông Shaun Rein nói. Gần đây, chính phủ Trung Quốc nhằm vào các công ty Hong Kong như hãng hàng không Cathay Pacific vì có sự bất ổn chính trị ở đó.

Theo ông Rein, chính phủ trung Quốc có thể gây khó cho các công ty Mỹ bằng cách làm chậm lại quá trình cấp phép mở cửa hàng mới hoặc phạt nặng những lỗi nhỏ.

Phía Trung Quốc thậm chí khuyến khích người tiêu dùng tẩy chay các công ty nước ngoài để trừng phạt quê nhà của họ. Sau khi Hàn Quốc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ sản xuất, Bắc Kinh ra lệnh cho các hãng lữ hành ngừng đưa khách sang Hàn Quốc.

Trung Quốc chưa làm điều gì tương tự với các công ty Mỹ, một phần vì Trung Quốc coi giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, trong đó có nhiều người chỉ trích chính sách thương mại của Tổng thống Trump, là các đồng minh của mình, ông Rein nhận định.

Nhưng nếu căng thẳng thương mại gia tăng, Bắc Kinh có thể nhằm vào doanh nghiệp Mỹ, khiến giá cổ phiếu Mỹ đi xuống và có thể buộc ông Trump cân nhắc lại về chiến tranh thương mại dù ông không quan tâm lắm đến các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc, Chovanec nói.

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/nhieu-cong-ty-my-o-trung-quoc-mac-ket-trong-lan-dan-thuong-chien-1457533.tpo