Nhiều công ty, tập đoàn dầu khí thua lỗ, phá sản vì Covid-19

Đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát đợt thứ hai sau khi đã hoành hành trên khắp thế giới từ đầu năm 2020 đến nay. Sự phong tỏa đi lại, đình chỉ các hoạt động sản xuất trên toàn thế giới để chống dịch đã khiến nhu cầu sử dụng năng lượng sụt giảm chưa từng thấy và đã kéo theo giá dầu khí sụp đổ. Vừa mới hồi phục sau cuộc khủng hoảng giá dầu cách nay 5 năm, hầu hết các công ty, tập đoàn dầu khí trên toàn thế giới đều rơi vào tình trạng khốn đốn, thậm chí phá sản.

Đại dịch Covid-19 khiến giá dầu sụp đổ

Đại dịch Covid-19 khiến giá dầu sụp đổ

Mới đây, ngày 28/6, Chesapeake Energy đã nộp đơn xin phá sản do nợ nần và do tác động của virus corona đối với ngành năng lượng. Như vậy, Chesapeake Energy cho đến nay là tập đoàn dầu khí đá phiến lớn nhất Hoa Kỳ nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Trước Chesapeake Energy, Tập đoàn Texan Diamond Offshore, chuyên về khoan nước sâu, ngày 26/4 cũng đã nộp đơn xin phá sản dưới áp lực của "cuộc chiến giá dầu" và đại dịch virus corona. Tập đoàn dầu khí Whites, chuyên về dầu đá phiến ở Bắc Dakota và Colorado (phía tây), đã nộp đơn xin phá sản vào cuối tháng 3/2020.

Hai công ty dịch vụ dầu khí lớn nhất thế giới là Halliburton và Schlumberger cảnh báo về một cuộc khủng hoảng dầu khí đá phiến lớn hơn so với cuộc khủng năm 2015 tại Mỹ và Canada. Schlumberger cho biết, số lượng giàn khoan tại Mỹ đang giảm nhanh trong bối cảnh giá dầu thấp hiện nay và có thể xuống mức thấp nhất năm 2016. Các công ty dịch vụ dầu khí đang gặp khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động trong khi không nhận được nhiều sự giúp đỡ. Halliburton, phần lớn hoạt động tại Mỹ, Canada và dẫn đầu thị trường về dịch vụ fracking, đang lên kế hoạch giảm 2/3 số giàn khoan trong phạm vi hoạt động trong quý 4/2020. Tổng giám đốc điều hành Schlumberger Olivier Le Peuch cho biết, hãng sẽ cắt giảm chi phí hoạt động 30% trong năm 2020.

Hầu hết các công ty, tập đoàn dầu khí trên toàn thế giới đều bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19

Bên cạnh các công ty, tập đoàn bị phá sản hoặc gặp khó khăn phải tái cơ cấu, nhiều dự án LNG tại Mỹ cũng đã bị dừng vô hạn định. Nhà phát triển khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ NextDecade Corp ngày 19/5 cho biết họ quyết định sẽ không xây dựng nhà máy LNG Rio Grande ở Texas cho đến năm 2021 vì virus corona ảnh hưởng đến thị trường LNG toàn cầu. Khoảng một tháng trước, Sempra Energy đã trì hoãn quyết định xây dựng nhà máy xuất khẩu LNG Port Arthur ở Texas cho đến năm 2021. Cheniere Energy Inc, nhà sản xuất LNG lớn nhất của Mỹ, cũng thông báo rằng họ có thể không đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng để mở rộng nhà máy xuất khẩu LNG Corpus Christi ở Texas cho đến năm 2021. Vào đầu năm nay, 12 công ty, bao gồm Sempra, Cheniere và NextDecade, cho biết họ đã lên kế hoạch đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng trong năm 2020. Trong số này hiện chỉ còn 4 công ty chưa hoãn quyết định đầu tư. Các nhà phân tích cho biết có khả năng chỉ một trong những dự án đó sẽ thực sự được tiến hành trong năm nay.

Một ngày sau tuyên bố phá sản của Chesapeake Energy, ngày 29/6, ông lớn trong ngành dầu khí thế giới BP đã công bố việc bán các hoạt động hóa dầu của mình cho tập đoàn Ineos của Anh với giá 5 tỷ đô la. Thương vụ này sẽ cho phép gã khổng lồ dầu khí BP tăng cường tài chính do bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Covid-19. BP giải thích rằng việc duy trì các hoạt động này sẽ tiêu tốn quá nhiều vốn trong bối cảnh tập đoàn muốn giảm quy mô và có thể hỗ trợ tốt hơn cho việc chuyển đổi năng lượng. Nhóm đã đưa ra một loạt giải pháp “sốc” để thích ứng với giá dầu giảm mạnh bởi những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Thậm chí giá dầu của Mỹ có lúc rớt xuống mức âm

BP đã công bố cắt giảm 10.000 việc làm trên toàn thế giới, tương đương 15% lực lượng lao động của tập đoàn, như là một phần của chương trình tiết kiệm, cũng như suy giảm tài sản khổng lồ, với những cắt giảm trong thăm dò.

Trước đó vào giữa tháng 6/2020, lần đầu tiên BP phát hành trái phiếu hybrid (lai giữa cổ phiếu và trái phiếu) ra thị trường nhằm củng cố tình hình tài chính. Qua đó, BP đã huy động được tổng cộng 12 tỷ USD.

Ngoài BP, các công ty dầu khí khác của Anh cũng “chạy trời không khỏi nắng”. Công ty IGas Energy của Anh đầu tháng 5/2020 tuyên bố tạm thời đóng cửa một số mỏ dầu khí để giảm sản lượng do giá dầu và khí tự nhiên thấp. Cú sốc về giá dầu có thể khiến lĩnh vực dầu khí ở Anh mất tới 30.000 việc làm trong vòng 18 tháng tới, theo Hiệp hội Dầu khí Anh. Hiệp hội này đang kêu gọi chính phủ giúp ngành công nghiệp dầu khí Anh "vượt qua cơn bão" có thể làm giảm 50% hoạt động khoan dầu ngoài khơi nước Anh.

Các ông lớn trong ngành dầu khí Nga cũng không ngoại lệ. Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga sẽ cắt giảm đầu tư hơn 20% trong năm nay do giá dầu giảm mạnh vì virus corona, ông chủ Rosneft cho biết hồi giữa tháng 5/2020. "Với tình hình của thị trường dầu mỏ thế giới hiện nay và theo các quyết định được Nga cam kết giảm sản lượng, chúng tôi sẽ phải tối ưu hóa một phần chi phí đầu tư", Igor Sechin, Chủ tịch Rosneft cho biết trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/5.

Ông chủ của Rosneft cũng đề nghị Tổng thống Vladimir Putin tạo điều kiện cho tập đoàn vay ngân hàng với mức ưu đãi, hoãn thuế cho các hoạt động thăm dò địa chất và điều chỉnh giá vận chuyển với giá dầu hiện tại.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất, xuất khẩu khí đốt của tập đoàn Gazprom (Nga) theo 3 tuyến đường ống chính (Nord Stream, Yamal-Europe, Ukraine) trong tháng 6/2020 tiếp tục giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 9,7 tỷ m3, tốc độ sụt giảm thấp hơn nhiều so với tháng 5 (25%). Ngày 29/4/2020, Gazprom thông báo lợi nhuận ròng trong năm 2019 giảm 17% so với năm trước, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm về khối lượng và giá khí bán cho châu Âu. Cùng ngày, Tập đoàn số hai về khí đốt của Nga, tập đoàn tư nhân Novatek, thông báo đã bị thâm hụt ròng trong quý đầu tiên của năm 2020, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng virus corona mới và sự mất giá đáng kể của đồng rúp kể từ đầu năm đến nay. Từ tháng 1 đến tháng 3/2020, thâm hụt ròng của Novatek ở mức 30,7 tỷ rúp (tương đương 385 triệu euro theo tỷ giá hiện tại), so với lợi nhuận ròng là 381,8 tỷ rúp trong cùng kỳ năm ngoái, Novatek cho biết trong một tuyên bố ngày 29/4. Doanh thu của tập đoàn giảm 21,2% xuống còn 184,6 tỷ rúp và chỉ số Ebitda giảm 14,7% xuống còn 100,7 tỷ rúp.

Nhìn sang các tập đoàn dầu khí ở những nước châu Âu khác như Pháp, Na Uy, Hà Lan… cũng chịu chung số phận. Đầu tháng 5/2020, tập đoàn dầu khí Total của Pháp cho biết hợi nhuận ròng đã giảm 99% trong quý đầu tiên năm nay xuống còn 34 triệu đô la, so với 3,1 tỷ đô la một năm trước đó, trong bối cảnh giá dầu giảm.

Tập đoàn dịch vụ dầu khí CGG của Pháp, chuyên về khoa học địa chất tìm kiếm dầu khí, ngày 12/5 đã công bố kế hoạch tiết kiệm và giảm các khoản đầu tư sau khi tiếp tục làm ăn thua lỗ trong quý đầu tiên do giá dầu giảm. Tập đoàn này không dự báo được thời gian kéo dài của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này. Khoản lỗ ròng của tập đoàn Pháp trong 3 tháng đầu năm là 98,4 triệu đô la, so với khoản lỗ 30,5 triệu đô la cùng kỳ năm trước. Doanh thu giảm gần 7% xuống còn 252,7 triệu đô la.

Quốc gia láng giềng của Pháp, Tây Ban Nha cũng không khá hơn. Tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol ngày 5/5 công bố khoản lỗ ròng 487 triệu euro trong quý đầu tiên năm nay, do giá dầu giảm liên quan đến đại dịch virus corona mới. Để đối phó với những ảnh hưởng của đại dịch, Repsol có kế hoạch giảm 26% các khoản đầu tư dự kiến ban đầu trong năm 2020 và giảm chi phí hoạt động hơn 350 triệu euro, mà không giải thích chi tiết kế hoạch. Tập đoàn này tuyên bố có đủ thanh khoản để "trang trải các kỳ hạn nợ ngắn hạn cho đến năm 2024 mà không cần tái cấp vốn". Vào cuối tháng 3/2020, khoản nợ ròng của Repsol lên tới gần 4,5 tỷ euro.

Tập đoàn Shell (Anh - Hà Lan) thì đang tìm cách tháo chạy khỏi khí đá phiến Mỹ. Tập đoàn Anh - Hà Lan cho biết vào cuối ngày 5/5 rằng họ đang đàm phán bán cụm mỏ khí đá phiến Appalachia cho National Fuel Gas Company (NFG) niêm yết tại Hoa Kỳ với giá 541 triệu USD. Giao dịch này là một phần trong chiến lược thoái vốn của Shell khỏi các mảng đầu tư không cốt lõi. Theo danh mục đầu tư đá phiến của mình, Shell cho biết họ tập trung vào phát triển vào những mảng đem lại lợi nhuận cao hơn. Việc khai thác khí đá phiến cần chi phí đầu tư và sản xuất cao, trong khi giá dầu hiện đang giảm mạnh và không có khả năng phục hồi trong thời gian ngắn.

Xa hơn một chút, tiến về phía các nước Bắc Âu, công ty năng lượng khổng lồ Equinor của Na Uy ngày 7/5/2020 báo cáo khoản lỗ ròng 708 triệu USD trong quý đầu tiên của năm nay do sự sụt giảm của giá dầu vì đại dịch Covid-19 và cung vượt cầu. Vào cuối tháng 3, Equinor đã đưa ra một loạt các biện pháp ước tính trị giá 3 tỷ USD để khắc phục khủng hoảng, đặc biệt, giảm 20% đầu tư trong năm nay và giảm 700 triệu USD chi phí vận hành.

Đến với rốn dầu mỏ thế giới, vùng Trung Đông lại càng bị ảnh hưởng do các nước ở khu vực này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tiền bán dầu. Gã khổng lồ dầu mỏ Aramco của Arab Saudi ngày 12/5 cho biết lợi nhuận ròng trong quý đầu tiên năm nay giảm 25% do giá dầu giảm, và khẳng định rằng cuộc khủng hoảng virus corona sẽ làm giảm lợi nhuận của họ trong cả năm nay. Aramco đã công bố lợi nhuận ròng đạt 62,5 tỷ riyal (16,66 tỷ USD) trong 3 tháng đầu năm 2020, so với mức 22,2 tỷ USD trong quý đầu năm ngoái. "Cuộc khủng hoảng Covid-19 không giống bất cứ điều gì thế giới đã trải qua trong lịch sử gần đây và chúng tôi đang thích nghi với môi trường kinh doanh rất phức tạp và thay đổi nhanh chóng", Amin Nasser, CEO Aramco nói trong một tuyên bố. Theo công ty này, sự sụt giảm lợi nhuận chủ yếu do sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô, cũng như sự suy giảm lợi nhuận của các sản phẩm tinh chế và hóa học. "Trong phần còn lại của năm 2020, chúng tôi dự đoán đại dịch Covid-19 vẫn sẽ tác động mạnh đối với nhu cầu năng lượng và giá dầu toàn cầu và do đó sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của chúng tôi", ông Nasser nói thêm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu dầu khí toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm lịch sử, tương đương mức tiêu thụ của một quốc gia như Ấn Độ. Trong báo cáo mới nhất, IEA cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là "cú sốc lớn nhất đối với hệ thống năng lượng toàn cầu trong hơn 70 năm qua". Theo đánh giá của IEA, năm 2020, nhu cầu toàn cầu sẽ giảm 6%, tương đương mức tiêu thụ của một quốc gia như Ấn Độ. Cụ thể, mức giảm sẽ đạt 9% ở Hoa Kỳ và 11% ở Liên minh châu Âu. Từ quan điểm kinh tế, xu hướng này có tác động đặc biệt đối với ngành dầu mỏ, khiến mức giá dầu xuống thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đồng thời, nhu cầu than "dự kiến sẽ giảm 8%" và nhu cầu khí đốt tự nhiên dự kiến sẽ "giảm 5% trong năm nay".

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhieu-cong-ty-tap-doan-dau-khi-thua-lo-pha-san-vi-covid-19-573502.html