Nhiều cụm công nghiệp ở Nghệ An vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa đến 50% các cụm công nghiệp (CNN) có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc có hệ thống xử lý nhưng không đạt quy chuẩn cho phép. Việc thiếu hệ thống nước thải đồng bộ đã khiến cho vấn đề ô nhiễm ở các CCN trở nên nhức nhối.

“Đầu tư đi trước, chính quyền chạy theo quy hoạch

Đó là chia sẻ của ông Lang Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp - Quỳ Hợp (Nghệ An) - khi nói về thực trạng ở các CCN trên địa bàn xã Thọ Hợp. Ông Dũng cho hay: “Hầu như các doanh nghiệp ở đây về mở xưởng từ trước, sau đó chính quyền mới đi theo sau quy hoạch cho họ. Do không có điểm xử lý nước thải tập trung nên dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là rất lớn…”.

Hiện nay cả 6 CCN tại huyện Quỳ Hợp đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung

Hiện nay cả 6 CCN tại huyện Quỳ Hợp đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung

Ngay ở xã Thọ Hợp có 2 CCN là Thọ Sơn 1 và 2, được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2015, có tổng cộng 34 doanh nghiệp (DN) hoạt động nhưng vẫn không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Người dân địa phương đã từng kiến nghị xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ các CCN này.

Toàn huyện Quỳ Hợp, nơi có đến 6 CCN với 93 cơ sở sản xuất, bao gồm các CCN: Thung Khuộc, Châu Quang, Châu Hồng, Thọ Sơn 1, Thọ Sơn 2, Châu Lộc. Các CCN ở đây chưa hề có hệ thống xử lý nước thải tập trung. CCN Thung Khuộc ở thị trấn Quỳ Hợp được thành lập từ năm 2005 với 26 cơ sở hoạt động. Nhưng do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên nước thải của các cơ sở hầu hết được xử lý sơ sài rồi đổ thẳng ra môi trường.

Hay tại địa bàn huyện Diễn Châu hiện nay có 2 CCN đang hoạt động, đó là CCN Diễn Hồng và CCN Tháp - Hồng - Kỷ. Đối với CCN Diễn Hồng, do trước đây có sự phát triển nóng về các cơ sở nấu thép, thu mua và tái chế phế liệu trong khu dân cư, nên ngày 3/8/2004 UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết số 3940/QĐ-UBND.CN, gom các cơ sở sản xuất về một mối để quản lý vận hành một cách quy củ. Hiện nay tại CCN này có diện tích 10ha, với 41 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thu mua, chế biến phế liệu.

Mặc dù CCN Diễn Hồng đã có 3 hồ lắng nước thải, tuy nhiên các hồ lắng này hiện nay đã phủ đầy bèo. Hơn nữa nước thải trong khu vực không hoàn toàn được thu gom về đây. Những gia đình xung quanh CCN Diễn Hồng phản ánh: Vào lúc trời mưa, nước thải từ phế liệu chảy tràn cả ra đường, ngấm xuống đất khiến ai chứng kiến đều cảm thấy rùng mình. Mặt nước đen ngòm, đặc quánh, nổi đầy bọt khí và bốc mùi kinh khủng, mùi hôi thối càng lúc càng nặng khiến chúng tôi khó thở và buồn nôn.

Nằm cách CCN Diễn Hồng không xa là CCN Tháp - Hồng - Kỷ, phía Tây đường quốc lộ 1A. Đây là một trong những CCN tập trung có quy mô lớn ở Diễn Châu, được UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết số 3981/QĐ-UBND.CN ngày 5/10/2007, với diện tích 26ha. Đến ngày 31/3/2014 thì được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM theo Quyết định 1184/QĐ-UBND, sau đó bắt đầu đi vào hoạt động. Hiện tại CCN này có 31 cơ sở đăng ký hoạt động.

Năm 2010, UBND huyện Diễn Châu đã quyết định xây dựng trạm thu gom và xử lý nước thải, có công suất xử lý khoảng 300 m3/ngày, đêm, trị giá 6,1 tỷ đồng tại CCN Tháp - Hồng - Kỷ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và tiến hành chạy thử năm 2012 đến nay, công trình này chủ yếu hoạt động cầm chừng. Dù rất ít khi hoạt động nhưng hàng năm, địa phương này đang phải trích gần 100 triệu đồng thuê 2 người trông coi bảo vệ. Dù đã có trạm xử lý nước thải nhưng không vận hành liên tục nên lâu nay hầu hết các cơ sở sản xuất trong CCN Tháp - Hồng - Kỷ gần như đang tự xử lý nước thải, sau đó xả ra môi trường theo các con mương.

Theo thống kê của Sở Công Thương Nghệ An, đến thời điểm này đã có 39 CCN triển khai thực hiện các bước quy hoạch, trong đó có 23 CCN đã có DN đầu tư sản xuất kinh doanh. Các CCN này đã thu hút được 251 dự án vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trong đó chủ yếu là các lĩnh vực chế biến khoáng sản, dệt may, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế sản phẩm nhựa, sản xuất bao bì… Mặc dù các nhóm lĩnh vực này đều có nguy cơ ô nhiễm cao, nhất là ô nhiễm nguồn nước, thế nhưng trên thực tế hiện nay, chỉ mới có 10/23 CCN có hệ thống xử lý nước thải, tuy vậy chủ yếu cũng là xử lý theo kiểu hồ lắng.

Mục tiêu xa vời

Để xảy ra tình trạng các cơ sở, nhà máy đi vào sản xuất mà vẫn không có hệ thống xử lý nước thải dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, lỗi trước tiên chính là các đơn vị chủ đầu tư CCN chỉ quan tâm đến cho thuê đất mà không hoàn chỉnh đầy đủ cơ sở hạ tầng. Nhưng, không thể không nhắc đến vai trò quản lý nhà nước của các sở, ngành liên quan. Sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho đến nay hàng chục CCN sau nhiều năm đi vào hoạt động vẫn không có nhà máy xử lý nước thải tập trung (XLNTTT), thiếu đất để bố trí trạm xử lý. Hàng chục CCN khác thậm chí trong quy hoạch còn "quên" hạng mục lẽ ra cần phải có là trạm XLNTTT

Nước thải từ một nhà máy chế biến bột cá làm thức ăn chăn nuôi gia súc

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, trong vòng 3 năm từ 2018 - 2020, Sở này đã có 14 văn bản chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo môi trường. Cùng với đó đề nghị UBND cấp huyện, thành phố, thị xã nơi quản lý các CCN chủ trì phối hợp giải quyết các vướng mắc. Nhưng có khá nhiều nguyên nhân như; đầu tư hệ thống xử lý nước thải đòi hỏi vốn lớn, chi phí vận hành cao, khó lựa chọn được công nghệ phù hợp trong khi đó cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư hạ quyết tâm.

Tiếp đến, chủ đầu tư hạ tầng các CCN là UBND cấp huyện, nên toàn bộ kinh phí từ ngân sách, việc xin ngân sách để đầu tư cho hạng mục môi trường vẫn còn gặp khó khăn, dẫn đến việc đầu tư dang dở hoặc chưa được đầu tư. Kéo theo việc đầu tư cơ sở hạ tầng không đồng bộ, hệ thống cơ sở hạ tầng của CCN chưa hoàn chỉnh, hệ thống nước mưa và nước thải chưa tách biệt dẫn đến việc đầu tư dang dở, hoặc còn chưa đầu tư trong khi các cơ sở đã đi vào hoạt động dẫn đến tình trạng ô nhiễm tràn lan.

Hầu hết các ban quản lý CCN là kiêm nhiệm, chưa có chức trách riêng về môi trường cộng với ý thức của các chủ đầu tư trong CCN chưa cao, còn đối phó. Công tác kiểm tra, các công trình bảo vệ môi trường còn bỏ sót, chưa cụ thể, chưa giám sát và bắt buộc các các DN phải đầu tư các công trình xử lý môi trường theo quy định.

Chia sẻ với PV Báo Công Thương về những bất cập trong các CCN ở địa phương, ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu - cho biết: Tại CCN Tháp - Hồng - Kỷ, do không có ban quản lý, và kinh phí để vận hành (mua hóa chất, tiền điện, máy móc), nên lâu nay trạm xử lý nước thải tại đây hoạt động chưa hiệu quả. Ở CCN Diễn Hồng thì do ý thức của các cơ sở sản xuất quá kém, tập kết phế liệu tràn ra đường, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

Kinh phí xây dựng, nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải do địa phương bỏ ra, đáng lẽ chi phí xử lý thì các doanh nghiệp phải đóng, nhưng đến nay ở cả 2 CCN, các cơ sở sản xuất chưa phải đóng bất cứ chi phí nào. Đặc biệt, bất cập lớn nhất tại các CCN là dù thuộc cấp huyện quản lý, nhưng hiện nay chưa có quy định, mô hình tổ chức bộ máy nào để quản lý các CCN. Vì thế, các địa phương đang phải cử cán bộ kiêm nhiệm làm công tác quản lý. Điều này khiến cho mô hình hoạt động của các CCN đạt hiệu quả không cao. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước nhưng rất khó xử lý dứt điểm, ông Hiên nhấn mạnh.

Tình trạng vi phạm chung tại các CCN trên địa bàn Nghệ An đó là các quy định về xây dựng, đất đai, môi trường còn khá phổ biến; nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cùng với các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác; ý thức chung bảo vệ môi trường, công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng chưa triệt để…

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-cum-cong-nghiep-o-nghe-an-van-chua-co-he-thong-xu-ly-nuoc-thai-153704.html