Nhiều cuộc thi sân khấu, nhưng tẻ nhạt nội dung

Từ đầu năm đến nay đã có nhiều cuộc thi sân khấu diễn ra, như: Tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc; Tài năng diễn viên chèo toàn quốc; Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc… Thực tế, dù tổ chức nhiều cuộc thi sân khấu nhưng lại chưa có chiến lược khôi phục lại đời sống sân khấu trước vô vàn thách thức đang đặt ra.

Nên tính toán tổ chức cuộc thi một cách hài hòa, hợp lý

Nhận định về đời sống sân khấu hiện nay, đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho rằng, các loại hình sân khấu đang phải đối diện với không ít khó khăn, như: Hệ thống thiết chế quá thiếu, cơ sở vật chất xuống cấp, kịch bản tốt khan hiếm, sức sống một vở diễn không cao, hiện tượng vở diễn đáp ứng nhu cầu giải trí đơn thuần của một bộ phận khán giả trong một vài đơn vị sân khấu, rất nhiều nhà hát và sân khấu không thể “sáng đèn” thường xuyên, nghệ sĩ phải sống bằng nghề phụ để nuôi nghề sân khấu… Vậy nhưng các cuộc thi sân khấu vẫn diễn ra mà không giải quyết được vấn đề nói trên.

Nhiều người cho rằng tổ chức nhiều cuộc thi sân khấu làm gì trong khi rạp vắng người xem.

“Có thể hiểu chúng ta đang “dồn cục” các cuộc thi trong hai năm qua do trước đó vướng dịch bệnh COVID-19 nhưng về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cần tính toán để tổ chức cuộc thi một cách hài hòa, hợp lý. Việc tổ chức cuộc thi mang ý nghĩa động viên, khuyến khích các nghệ sĩ là rất tốt nhưng với tình trạng như hiện nay dễ thấy chúng ta đang tổ chức cốt là để… trao huy chương mà không cùng nhau phân tích, mổ xẻ để thấy được những bất cập, yếu kém từ biên kịch, đạo diễn đến diễn xuất cũng như tháo gỡ những vướng mắc từ những yếu tố khách quan để lấy lại vị thế của ngành. Không thể để tình trạng quanh năm suốt tháng cứ dẫn nhau đi thi được”, đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu phân tích.

Đồng quan điểm đó, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du cho rằng, hiện nay chúng ta đang có nhiều cuộc thi làm méo mó tính chuyên nghiệp của những người làm công tác sáng tạo nghệ thuật sân khấu khi mà số lượng Huy chương Vàng, Bạc tăng chóng mặt như cả làng đều có thưởng, trong khi chất lượng nghệ thuật lại rớt thê thảm. Việc để xác định tài năng nghệ thuật sân khấu trong các cuộc thi ấy không còn ở đỉnh cao nghề nghiệp.

“Tôi nhớ từ thập niên 90 của thế kỷ trước, ngành Sân khấu tổ chức hội diễn (4-5 năm/lần) và các huy chương ngày ấy rất ít nhưng khi được trao thì đa phần dân trong nghề tâm phục, khẩu phục. Ngày ấy đặc biệt có những Huy chương Vàng, Bạc quả đúng như từ trên “trời rơi xuống” khi trao cho các vai phụ, thậm chí vai quần chúng. Nếu liên hoan chỉ là để giải quyết khâu huy chương cho đủ quy định làm danh hiệu NSƯT, NSND thì chắc chắn sân khấu sẽ có ngày lụi tàn. Chúng ta nên tính toán lại việc tổ chức các cuộc thi và đặc biệt phải hạn chế số huy chương để trả cho giá trị đích thực cho cái gọi là đạt được huy chương tài năng nghề nghiệp. Hãy “đãi cát tìm vàng” để thực sự tôn vinh nghệ thuật sân khấu và đó cũng chính là cách vực dậy nền nghệ thuật sân khấu”, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du cảnh báo.

Phải thu hút được khán giả đến với sân khấu

Khi chia sẻ với PV Báo CAND, TS, nhà viết chèo Trần Đình Ngôn đau xót cho rằng, thi thố làm gì khi rạp vắng người xem, khi một vở diễn chỉ dựng ra để đi thi thố xong về cất vào kho… Theo ông, mật độ tổ chức cuộc thi quá dày khiến các nghệ sĩ không còn thời gian tập luyện phục vụ khán giả. “Khán giả thành phố hiện nay không đến sân khấu là mấy, có chăng khán giả nông thôn đến với sân khấu là qua các đợt diễn lưu động mà chính quyền xã bỏ tiền ra thuê đoàn chứ không phải do họ tự bỏ tiền ra mua vé. Có thể nói đời sống sân khấu hiện nay đang khó tiếp cận với khán giả, tất nhiên một phần cũng do sân khấu đã mất vai trò độc tôn. Nhưng cũng phải trách chính, chúng ta chưa có tác phẩm thực sự hấp dẫn lôi cuốn người xem, chưa đưa được những vấn đề thời sự của đời sống lên sân khấu”, TS, nhà viết chèo Trần Đình Ngôn nhấn mạnh.

Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng, điều nghịch lý đang diễn ra là các cuộc thi gần đây rất ít nghệ sĩ xem nhau biểu diễn, khán giả cũng không quan tâm đến các vở diễn, đến việc ai được huy chương… Theo ông, điều quan trọng nhất lúc này là phải có chiến lược khôi phục lại đời sống sân khấu, thay vì tổ chức các cuộc thi.

“Đời sống sân khấu hiện nay khó tiếp cận với khán giả thì việc có huy chương rồi được công nhận danh hiệu NSƯT, NSND được xem như việc Nhà nước đang… an ủi các nghệ sĩ. Vấn đề cơ sở vật chất khó khăn không thể giải quyết một sớm, một chiều. Đòi hỏi hơn lúc nào hết chính là năng lực của người quản lý, ý thức làm nghề của đội ngũ những người sáng tạo, như: Biên kịch, đạo diễn, diễn viên… Các nghệ sĩ hãy nỗ lực đổi mới, sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm sân khấu có nội dung “chạm” vào cuộc sống đương đại, có hình thức truyền tải mới lạ, hấp dẫn. Nhà nước có thể hỗ trợ cho chúng ta nhưng có một điều mà Nhà nước không làm được đó là đem khán giả đến, vì vậy việc quan trọng nhất hiện nay là phải thu hút được khán giả đến với sân khấu”, đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu nói thêm.

Đề cập đến vấn đề mà nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật đang lúng túng khi các cuộc thi diễn ra, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du cho rằng, thực tế hiện nay trong các liên hoan, đơn vị nào đến lượt đúng ngày lên diễn xong về ngay, hỏi ra mới biết kinh phí đâu để nuôi ăn ở từng ấy con người trong những ngày diễn ra liên hoan. “Tôi đề xuất ban tổ chức liên hoan nên xin Nhà nước cấp luôn kinh phí bố trí ăn ở cho các đơn vị tham dự để các nghệ sĩ còn có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Chứ cứ để như tình trạng hiện nay, các nghệ sĩ đi thi và chỉ biết mỗi tiết mục của mình, không biết năng lực của mình hơn ai, kém ai thì mất đi giá trị đích thực của liên hoan. Và khi ấy chúng ta tự đặt ra câu hỏi: Tổ chức liên hoan để làm gì?”, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du đề xuất.

Vấn đề tạo nguồn các nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực sân khấu truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách đãi ngộ… Đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh lo lắng sau các cuộc thi, các nhà hát, đoàn nghệ thuật đã có những chiến lược gì dài hơi cho đội ngũ đang cạn dần, đặc biệt là ngành kịch hát dân tộc.

“Việc cần làm ngay lúc này là tập trung cho việc thu hút, đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề cho đội ngũ nghệ sĩ trẻ có tài năng, tâm huyết. Thực tế cho thấy nghệ sĩ tham gia các cuộc thi gần đây là những gương mặt cũ, thậm chí có nhà hát, đoàn nghệ thuật không còn nguồn để đưa đi thi. Khi tài năng không đủ độ “chín” thì việc tham gia quá nhiều cuộc thi sẽ làm giảm giá trị nghề và trở thành thói quen không tốt cho nghệ sĩ”, đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt nhấn mạnh.

Ngô Khiêm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/nhieu-cuoc-thi-san-khau-nhung-te-nhat-noi-dung-i702270/