Nhiều điểm chưa rõ ràng, gây chồng chéo thẩm quyền giữa Biên phòng với Hải quan

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam thay thế Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng 1997. Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã được tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, thông qua thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Quốc hội thông qua.

Luật Hải quan quy định: Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải... Ảnh: T.Bình

Luật Hải quan quy định: Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải... Ảnh: T.Bình

Qua nghiên cứu dự thảo, cơ quan Hải quan nhận thấy dự thảo Luật Biên phòng còn nhiều điểm quy định chưa rõ ràng và đang chồng chéo với thẩm quyền của cơ quan Hải quan.

Khoản 4 Điều 15 dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng “kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định của pháp luật”; khoản 2 Điều 16 Dự thảo Luật quy định quyền hạn của Bộ đội Biên phòng “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”; tại Điều 12 dự thảo Luật quy định “quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu”.

Về các nội dung trên, Bộ Tài chính đã có văn bản số 148/BTC-VI ngày 4/1/2019 và văn bản 11493/BTC-VI ngày 27/9/2019 khi tham gia ý kiến dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Trong văn bản này, Bộ Tài chính đã có ý kiến: việc quy định như dự thảo đang chồng lấn với nhiệm vụ kiểm soát phương tiện do cơ quan Hải quan chủ trì thực hiện trong địa bàn hoạt động hải quan theo Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tại Báo cáo thẩm định số 266/BCTĐ-BTP ngày 19/12/2019 của Bộ Tư pháp khi xem xét tính hợp hiếp, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật cũng nêu rõ: Hiện nay, hệ thống pháp luật hiện hành đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định cụ thể và quy định liên quan đến hoạt động biên phòng như Luật Biên giới quốc gia, Luật Hải quan... Do đó, các quy định tại dự thảo cần được rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định liên quan.

Tại điểm 6.1, chương 6 Công ước Quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan 1999 (Việt Nam là thành viên của Công ước) quy định “mọi hàng hóa, kể cả phương tiện vận tải, nhập vào hay rời khỏi lãnh thổ hải quan, bất kể có phải chịu thuế hải quan và thuế khác hay không, đều là đối tượng kiểm tra Hải quan”.

Việc quản lý, thực hiện thủ tục kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh được giao rất rõ cho cơ quan Hải quan tai Điều 12 Luật Hải quan 2014. Theo đó, cơ quan Hải quan có nhiệm vụ “Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải …”. Tiếp đó, Luật Hải quan 2014 quy định hàng loạt nội dung về tiến hành thủ tục, kiểm tra, giám sát đối với phương tiện vận tải như Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 25, Điều 35, Điều 38, Điều 40, Điều 56, Điều 57, Điều 58, Điều 66, Điều 67, Điều 68, Điều 69, Điều 70…

Khoản 1, Điều 33 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP) tiếp tục khẳng định “Cơ quan Hải quan chủ trì, điều phối hoạt động kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của các cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu”.

Liên quan đến nội dung về thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng đối với việc kiểm soát phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu, khi Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 09/2016/TT-BQP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền có các quy định trái với những văn bản của Chính phủ, tạo thêm thủ tục hành chính. Vì vậy, Chính phủ đã có Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 quy định việc thực hiện những giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh 2017 định hướng 2020, trong đó chỉ đạo Bộ Quốc phòng “Bãi bỏ quy định Bộ đội Biên phòng kiểm tra, giám sát hồ sơ và hàng hóa xuất nhập khẩu tại Điều 12 Thông tư số 9/2016/TT-BQP, đảm bảo phù hợp với Luật Hải quan; đồng thời nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Điều 9 Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng”.

Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và thống nhất với Luật Hải quan đang được áp dụng hiện nay, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa các quy định trên như sau:

Về quy định tại khoản 4 Điều 15 dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng sửa thành “Kiểm soát người xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định của pháp luật”. Theo đó, quy định rõ đối tượng kiểm soát chỉ là người xuất nhập cảnh mà không quy định chung chung như dự thảo dễ chồng chéo thẩm quyền kiểm soát phương tiện của cơ quan hải quan.

Tương tự, quy định tại khoản 2 Điều 16 Dự thảo Luật quy định quyền hạn của Bộ đội Biên phòng “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực bên giới ngoài địa bàn hoạt động hải quan”.

Về quy định tại Điều 12 dự thảo Luật quy định “quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; kiểm soát người xuất nhập cảnh” (bỏ nội dung xuất nhập khẩu). Đối với phương tiện kiểm soát, hàng hóa xuất nhập khẩu trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan Biên phòng phối hợp với cơ quan Hải quan cửa khẩu kiểm tra phương tiện xuất nhập cảnh, lô hàng xuất nhập khẩu đó. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn yêu cầu cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Bởi cơ quan Hải quan là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, nên không nhất thiết lại phải làm thủ tục, phải kiểm tra lại lần 2 tại cơ quan Biên phòng.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nhieu-diem-chua-ro-rang-gay-chong-cheo-tham-quyen-giua-bien-phong-voi-hai-quan-122291.html