Nhiều điểm 'lạ' trong 2 bản án cùng số hiệu '39/2023/DS…' !

Cho rằng chỉ mượn 245 triệu đồng nhưng đã hoàn trả cho bạn đến 582 triệu, bà Hồ Thị Ngọc Ánh (SN 1973, ngụ đường Xuân 68, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khởi kiện bà Trần Thị Thanh Vân (SN 1972, ngụ đường Xuân 68) đòi lại 337 triệu đồng 'trả dư'. Sau đó, nguyên đơn tự giảm số tiền 'trả dư' xuống còn là 227 triệu đồng, rồi thắng kiện cả 2 cấp tòa…

Những con số "nhảy múa"

Trong đơn khởi kiện ngày 08/7/2022, bà Ánh trình bày: Năm 2020, bà có mượn của bà Vân số tiền 245 triệu đồng nhưng đã chuyển trả đến 582 triệu bằng tiền mặt và chuyển qua tài khoản. Bà Vân không đưa sổ sách để bà kiểm tra và ký xác nhận nợ nên bà yêu cầu Tòa án buộc bà Vân hoàn lại 337 triệu đồng "trả dư”. Đơn kiện được Tòa án nhân dân (TAND) TP.Huế thụ lý ngày 25/8/2022.

Quá trình giải quyết vụ án, bà Ánh xác định lại: Từ năm 2019 - 2020, bà mượn tiền của bà Vân nhiều lần với hình thức... "bằng miệng". Khoảng tháng 02/2020, tại quán cà phê Amis ở TP.Huế, 2 bên đã chốt số tiền còn nợ là 245 triệu đồng. Sau đó, bà không vay thêm của bà Vân.

Bắt đầu từ ngày 23/6/2020 kéo dài đến ngày 04/4/2022, bà Ánh đã 7 lần chuyển trả 133 triệu đồng vào tài khoản của chị Trần Ngọc Khánh Quỳnh (con gái bà Vân). Ngày 20/4/2022, bà chuyển thêm 340 triệu đồng cho bà Vân. Sau đó, bà yêu cầu bà Vân đưa sổ nợ để kiểm tra nhưng bà Vân không đồng ý rồi cắt liên lạc.

Nguyên đơn xác định: Ngoài 8 lần chuyển tiền qua tài khoản với 455 triệu đồng, bà còn trả 18 triệu đồng tiền mặt cho bà Vân. Bà khởi kiện đòi bà Vân trả lại 337 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại, bà xin rút bớt 109 triệu đồng và chỉ yêu cầu Tòa án buộc bà Vân phải trả lại 228 triệu đồng.

Bà Trần Thị Thanh Vân viết đơn khiếu nại 2 bản án số "39/2023/DS" theo trình tự giám đốc thẩm

Về cuốn sổ tay bà Vân nộp cho Tòa án, nguyên đơn cho rằng không phải là sổ mà 2 bên đã "chốt nợ" tại quán cà phê, có bà Hồng Diệu Nguyên Trang (SN 1973, ngụ Lê Đại Hành, TP.Huế) chứng kiến.

Bà Vân trình bày: Bà và bà Ánh ở gần nhà, có mối quan hệ thân thiết. Từ năm 2018 - 2020, bà Ánh đã nhiều lần mượn tiền của bà tổng cộng 400 triệu đồng (đều bằng miệng). Đến cuối năm 2018, bà Ánh còn nợ bà 245 triệu đồng. Sang năm 2019, bà Ánh mượn tiền của bà thêm 2 lần với 55 triệu đồng (1 lần 50 triệu đồng và 1 lần là 5 triệu). Đến năm 2020, bà Ánh mượn thêm 3 lần với 100 triệu đồng (1 lần 20 triệu, 1 lần 30 triệu và 1 lần 50 triệu). Tất cả những lần mượn tiền bà đều ghi vào sổ.

Bị đơn xác nhận: Bà Ánh đã trả cho bà nhiều lần tổng số tiền là 473 triệu đồng, gồm 455 triệu đồng chuyển vào tài khoản và 18 triệu đồng tiền mặt trả cho bà tại quán cà phê Amis. Sau khi nhận tiền chuyển khoản từ bà Ánh thì cháu Quỳnh đã giao đầy đủ cho bà. Như vậy, bà Ánh đã trả đủ số tiền 400 triệu đồng đã mượn, có ghi đầy đủ trong sổ nợ. Số tiền 73 triệu đồng còn lại là khoản nợ khác mà bà Ánh mượn của bà, không ghi vào trong sổ nợ.

TAND TP.Huế mở phiên sơ thẩm ngày 27/6/2023, tuyên Bản án số 39/2023/DS-ST, buộc bà Vân phải trả lại cho bà Ánh 228 triệu đồng. Bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng án tuyên không khách quan, HĐXX không xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ.

TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế mở phiên phúc thẩm ngày 12/10/2023, tuyên Bản án dân sự phúc thẩm số 39/2023/DS-PT, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 39/2023/DS-ST.

Khi luật sư ngồi ghế… "đương sự"!

Sau khi án tuyên, bà Vân thực hiện ngay việc khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm, đồng thời có đơn tố cáo, đề nghị làm rõ những dấu hiệu bất thường của Bản án phúc thẩm số 39/2023/DS-PT.

Bà Vân trình bày: Dấu hiệu bất thường xuất hiện ngay đầu phiên tòa khi chủ tọa yêu cầu luật sư phải ngồi chung dãy bàn với bị đơn và nguyên đơn, không được "an tọa" tại bàn của luật sư theo quy định. Đại diện Viện kiểm sát (VKS) nêu ý kiến nhưng bị bác.

Liên quan đến Bản án phúc thẩm số 39/2023/DS-PT, bà Vân và nhóm luật sư trợ giúp pháp lý chỉ ra những điểm có dấu hiệu vi phạm về tố tụng lẫn nội dung. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, HĐXX đã bỏ qua những vi phạm về tố tụng của cấp sơ thẩm: Theo thông báo thụ lý, số tiền nguyên đơn yêu cầu là 337 triệu đồng, nhưng sau đó đã rút lại chỉ còn 228 triệu. Phần quyết định của bản án sơ thẩm không đề cập đến việc giải quyết số tiền khởi kiện ban đầu là không đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS đã nêu ý kiến về tố tụng và quan điểm giải quyết vụ án nhưng không được ghi vào bản án.

Thứ ba, nguyên đơn, bị đơn đều có chồng và đang trong thời kỳ hôn nhân. Án sơ thẩm tuyên buộc bà Vân phải trả bà 228 triệu đồng, việc này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Trần Văn Minh (chồng bị đơn). Ông Minh có đơn đề nghị tham gia tố tụng ở cấp phúc thẩm nhưng không được xem xét.

Thứ tư, vụ án chỉ có duy nhất nhân chứng Hồng Diệu Nguyên Trang làm chứng cho nguyên đơn. Lời khai của bà Trang bất nhất, mâu thuẫn, không có căn cứ chứng minh nhưng vẫn được tòa chấp nhận.

Thứ năm, nguyên đơn cho rằng chỉ nợ 245 triệu đồng, có ký vào sổ nợ và không vay tiếp, nhưng không trưng ra được sổ nợ này. Phía bị đơn chứng minh tiếp tục cho nguyên đơn mượn tiền nhiều lần, đều có ghi vào sổ và đã nộp sổ này cho tòa. Chứng cứ quan trọng này Tòa sơ thẩm không xem xét đầy đủ nhưng lại chấp nhận lời khai thiếu căn cứ xác thực của nguyên đơn. Cả khoản tiền "trả dư”, nguyên đơn "mập mờ" đưa ra con số chênh lệch đến khó tin. Tòa sơ thẩm không làm rõ vì sao từ 337 triệu đồng, nguyên đơn hạ xuống còn 228 triệu, nhưng lại chấp nhận. HĐXX phúc thẩm cũng không xem xét, y án sơ thẩm...

Bà Vân bức xúc: "Bản án sơ thẩm số 39/2023/DS-PT ngày 27/6/2023 của TAND TP.Huế lộ nhiều dấu hiệu bất thường. Tôi kháng cáo mong "đèn trời soi xét", nhưng Bản án phúc thẩm số 39/2023/DS-PT ngày 12/10/2023 của TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế khiến tôi và gia đình thêm bức xúc. Trên thực tế, có ai mượn 245 triệu đồng mà chuyển trả đến 582 triệu, sau đó hạ xuống còn 473 triệu? Bà Ánh mới 50 tuổi. Số tiền này bà Ánh chuyển đến 8 lần, kéo dài suốt gần 2 năm, thì sao lại "nhầm lẫn"? Tôi khiếu nại, mong chờ lãnh đạo TAND Cấp cao và Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét, kháng nghị, hủy cả 2 bản án đều mang số "39/2023/DS", để giải quyết lại, đúng với bản chất, sự thật khách quan của vụ án. Từ đó, xem xét xử lý trách nhiệm của những người liên quan để công lý luôn thực thi...".

THÀNH LUÂN - VĂN CƯƠNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/nhieu-diem-la-trong-2-ban-an-cung-so-hieu-392023ds_157678.html