Nhiều điểm nghẽn 'cản đường' điện sinh khối

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/11/2015, đề ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ điện sinh khối chiếm tỷ trọng 1% trong tổng sản lượng điện cả nước. Tuy nhiên đến nay, nguồn điện này mới chỉ chiếm vỏn vẹn 0,42% trong tổng công suất lắp đặt các nguồn điện…

Điện sinh khối là một trong những giải pháp đa dạng phát triển năng lượng tái tạo

Trong bối cảnh ngày càng cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch, thì các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện sinh khối sẽ đóng vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng của đất nước. Trong tự nhiên, sinh khối bao gồm cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc phụ phẩm nông nghiệp lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ...), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, chất thải từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm...

TIỀM NĂNG SINH KHỐI RẤT LỚN

Sử dụng sinh khối (biomass) để sản xuất điện năng là dạng năng lượng tái tạo và có trữ lượng lớn nên được nhiều nước quan tâm đầu tư. Trên quy mô toàn cầu, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ tư, chiếm khoảng 14 - 15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới.

Trong đó, Hoa Kỳ hiện là quốc gia sản xuất điện sinh khối lớn nhất thế giới, với hơn 350 nhà máy điện sinh học, sản xuất trên 7.500 MW điện mỗi năm, chiếm 4% tổng năng lượng được tiêu thụ ở Hoa Kỳ và chiếm và 45% năng lượng tái sinh của quốc gia này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một nước nông nghiệp nên có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối. Ước tính, mỗi năm Việt Nam có hơn 160 triệu tấn sinh khối từ ngành trồng trọt, trong đó có hơn 40 triệu tấn rơm ra, hơn 10 triệu tấn bã mía, gần 20 triệu tấn trấu…

"Đối với phụ phẩm của ngành chế biến gỗ và lâm nghiệp, năm 2022, nước ta xuất khẩu tới 4,7 triệu tấn viên nén và 15,8 triệu tấn dăm gỗ".

Theo Hiệp hội Gỗ và Lấm sản Việt Nam.

Ngành chăn nuôi mỗi năm cũng sản sinh ra khoảng 80 triệu tấn phân gia súc gia cầm. Đây là những nguồn tài nguyên có thể sử dụng để sản xuất năng lượng.

Trong “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã nêu rõ, tiềm năng phát triển điện sinh khối từ trấu khoảng 370 MW; gỗ củi, phụ phẩm lâm nghiệp 3.360 MW, bã mía 470 MW, rơm rạ 1.300 MW, khí sinh học 1.370 MW… Tổng tiềm năng các loại hình điện sinh khối này của cả nước lên đến hơn 9.600 MW/năm.

VÌ SAO CHƯA ĐẠT MỤC TIÊU ĐỀ RA

Những năm qua, với những chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nói chung, phát triển điện sinh khối nói riêng, nhiều nhà máy điện sinh học đã được đầu tư xây dựng tại nước ta. Có thể điểm qua một số dự án lớn, như: Dự án xây dựng nhà máy điện sinh học Biomass tại khu Rừng Xanh, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ với tổng mức đầu tư 1.160 tỉ đồng, công suất 40 MW, sản lượng điện 331,5 triệu kWh/năm.

Một số nhà đầu tư đang triển khai dự án điện sinh khối tại các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Nhà máy điện sinh khối An Khê có công suất 95 MW đã được xây dựng tại tỉnh Gia Lai; Nhà máy điện sinh khối KCP – Phú Yên đạt công suất 30 MW…

Tại miền Nam phải kể đến Nhà máy nhiệt điện sinh khối (biomass) tại Khu công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc (Bình Phước) có công suất thiết kế 19 MW, cung cấp hơi nước 70m3/giờ.

Một số dự án nhà máy điện trấu với công suất lắp đặt bình quân 10MW/nhà máy tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, nhà máy nhiệt điện đốt trấu tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2 (TP Cần Thơ) do Công ty cổ phần nhiệt điện Đình Hải đầu tư, đã hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với công suất 20 tấn hơi/giờ. Nhà máy có công suất phát điện 2 MW khi vận hành ở chế độ không sản xuất hơi nước. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư turbine 3,7 MW cấp điện lên lưới quốc gia.

Trong “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đề ra mục tiêu tỷ lệ năng lượng sinh khối trong sản xuất điện lên 1% vào năm 2020; 2,1% vào năm 2030 và 8,1% vào năm 2050.

Ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030” (Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh). Trong đó nêu rõ, tỷ trọng điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng sinh khối đạt khoảng 1% vào năm 2020, khoảng 1,2% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030. Cụ thể, phát triển điện sinh khối đến năm 2020 đạt công suất 820 MW, đến năm 2025 và 2030 đạt công suất tương ứng 1.200MW và 3.000MW.

Tuy nhiên, theo Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Dự thảo Quy hoạch điện 8) đã đươc Bộ Công Thương trình lên Chính phủ vào cuối năm 2022, tổng công suất điện sinh khối toàn quốc tính đến năm 2020 là 325 MW, mới chỉ chiếm tỷ trọng 0,4% trong tổng công suất điện trên toàn quốc. Trong đó: miền Bắc 25 MW, miền Nam 62 MW, miền Trung có 238 MW điện sinh khối.

Theo báo cáo tổng kết vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2022 của Tập đoàn điện lực Việt Nam, công suất điện sinh khối nối lưới của Việt Nam đến hết năm 2022 mới đạt khoảng 350MW, chiếm 0,42% tổng công suất lắp đặt của toàn ngành điện, và mới đạt 50% mục tiêu điện sinh khối theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Điều này cho thấy, vẫn còn một khoảng cách xa để đạt được mục tiêu phát triển năng lượng sinh khối, dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển; trong đó có cơ chế hỗ trợ giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ). Số các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động tính đến thời điểm này vẫn còn quá ít và chỉ có vài dự án là điện sinh khối nối lưới, việc đầu tư mang nặng tính tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của quốc gia...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2023 phát hành ngày 24-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chương Phượng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhieu-diem-nghen-can-duong-dien-sinh-khoi.htm